Chuyển đổi số tại các doanh nghiệp Việt Nam

Thu Hiền

Nhận thức được tầm quan trọng, sự cần thiết của chuyển đổi số hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang tích cực tham gia vào công cuộc chuyển đổi số. Đặc biệt, Chính phủ đã ban hành Quyết định số  505/QĐ-TTg lấy ngày 10/10 làm ngày “Ngày chuyển đổi số quốc gia”.

Ảnh minh  họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ngày Chuyển đổi số quốc gia được tổ chức hằng năm nhằm: (1) Đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia, thực hiện có hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; (2) Nâng cao nhận thức của người dân toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số; (3) Thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số..

Nhìn nhận về giai đoạn trước, các doanh nghiệp Việt nam vẫn chưa quan tâm nhiều đến chuyển đổi số, khái niệm về chuyển đổi số còn mới mẻ, xa lại, hoạt động kinh doanh phụ thuộc chủ yếu vào lực lượng lao động và thực hiện thủ công qua nhiều giai đoạn. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, sự xâm lấn mạnh mẽ của đại dịch COVID đẩy hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vào trạng thái bị động. Chính điều này đã tác động rất lớn vào việc thay đổi suy nghĩ, nhận thức của các nhà quản trị doanh nghiệp. Buộc phải thay đổi để phù hợp với tình hình hiện tại và duy trì được hoạt động kinh doanh một cách thuận lợi nhất.

Theo kết quả khảo sát “Thực trạng chuyển đổi số trong doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện năm 2020, khảo sát trên 400 doanh nghiệp, cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu nhận thức và ứng dụng các công nghệ số vào các khâu, như quản trị nội bộ, mua hàng, logistics, sản xuất, marketing, bán hàng và thanh toán.

Trong lĩnh vực quản trị nội bộ, điện toán đám mây là công cụ kỹ thuật được nhiều doanh nghiệp Việt Nam sử dụng nhất, với 60,6%, tăng 19,5% so với thời điểm trước đại dịch COVID-19. Tiếp theo là hệ thống hội nghị trực tuyến, hệ thống quản lý công việc và quy trình với xấp xỉ 30% số doanh nghiệp đã ứng dụng các công cụ này trước khi có đại dịch COVID-19 và xấp xỉ 19% số doanh nghiệp đã bắt đầu sử dụng các công cụ này từ khi có dịch bệnh.

Trong ngành ngân hàng, các doanh nghiệp đã nghiên cứu và triển khai chiến lược chuyển đổi số bước đầu với ứng dụng IoT cho phép khách hàng truy cập sử dụng dịch vụ ngân hàng, kết nối với các hệ sinh thái số khác trên nền tảng Internet (dịch vụ ngân hàng số Timo của VPBank, Live Bank của TPBank, E-Zone của BIDV…), hoặc cung ứng các dịch vụ ngân hàng thông qua ứng dụng được cài đặt ngay trên điện thoại di động (Mobile Banking…).

Bên cạnh những thành công có được từ quá trình nỗ lực thay đổi và tiếp cận với công nghệ số, các doanh nghiệp Việt nam còn gặp nhiều khó khăn thách thức sau:

Việt Nam vẫn còn đi sau thế giới về mặt công nghệ, chưa làm chủ được các công nghệ lõi của chuyển đổi số, các hệ thống nền tảng cơ bản. Chính vì vậy, chuyển đổi số tại Việt Nam hiện vẫn cơ bản sử dụng các công nghệ sẵn có trên thế giới. Trình độ kỹ thuật chuyên môn về công nghệ số còn hạn chế. Việc tiếp cận và thay đổi còn phụ thuộc rất nhiều vào quá trình đào tạo trong khi nhu cầu của xã hội tăng cao

Các doanh nghiệp hiện nay mặc dù đã nhận thức tầm quan trọng của chuyển đổi số, có nhiều doanh nghiệp đã áp dụng và có những thành công bước đầu tuy nhiên, phần lớn những doanh nghiệp có quy mô lớn, có lĩnh vực hoạt động phức tạp lượng thông tin cần xử lý nhiều. Còn lại những doanh nghiệp có quy mô nhỏ lẻ, lĩnh vực hoạt động còn đơn giản hầu như chưa áp dụng theo công nghệ số vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nguồn nhân lực ngành công nghệ thông tin cung cấp cho nền kinh tế còn mỏng cả về số lượng lẫn chất lượng. Trong khi nhu cầu của thị trường tăng cao, chương trình đào tạo chưa đáp ứng được tạo hạn chế rất lớn cho quá trình chuyển đổi số tại các doanh nghiệp

Đầu tư cho chuyển đổi số là đầu tư để thay đổi, từ nhận thức, chiến lược, nhân lực, kết cấu hạ tầng tới giải pháp công nghệ, vì vậy, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn. Tuy vậy, việc phải đầu tư lớn về tài chính và nhân lực, trong khi chưa hoàn toàn chắc chắn về hiệu quả, cũng như đối mặt với nguy cơ thất bại, đã tạo rào cản lớn với các doanh nghiệp Việt Nam.

Quan điểm, tư duy của một bộ phận nhà quản trị trong doanh nghiệp chưa xem trọng quá trình chuyển đổi số do đó, các quá trình kinh doanh còn thực hiện mang tính truyền thống, mất nhiều thời gian, gây lãng phí về vốn. Bên cạnh đó, nhà quản trị còn chịu áp lực rất lớn khi bắt đầu chuyển đổi số sao cho có hiệu quả và phù hợp với hoạt động của doanh nghiệp mình.