Hiện thực hóa chiến lược tăng trưởng xanh từ tư duy và hành động

Xuân Thanh

Góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa cacbon... Đó là mục tiêu của Chiến lược tăng trưởng xanh đã được Việt Nam đề ra đến năm 2030. Để hiện thực hóa mục tiêu này, cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là việc nâng cao nhận thức, hành động thiết thực cho tăng trưởng xanh.

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đã nêu rõ, xây dựng lối sống xanh kết hợp với nếp sống đẹp truyền thống để tạo nên đời sống chất lượng cao hòa hợp với thiên nhiên
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đã nêu rõ, xây dựng lối sống xanh kết hợp với nếp sống đẹp truyền thống để tạo nên đời sống chất lượng cao hòa hợp với thiên nhiên

Tại Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Việt Nam nêu rõ, phấn đấu đến 2030, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 15% so với năm 2014; đến năm 2050, cường độ phát thải khí nhà kính giảm ít nhất 30% so với năm 2014. Đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế; Áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số; Phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Bên cạnh đó, Chiến lược đặt ra, xây dựng lối sống xanh kết hợp với nếp sống đẹp truyền thống để tạo nên đời sống chất lượng cao hòa hợp với thiên nhiên. Thực hiện đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới bảo đảm các mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững; tạo lập văn hóa tiêu dung bền vững trong bối cảnh hội nhập với thế giới. Đồng thời, nâng cao chất lượng cuộc sống và khả năng chống chịu của người dân với biến đổi khí hậu, bảo đảm bình đẳng về điều kiện, cơ hội phát huy năng lực và thụ hưởng thành quả của sự phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi xanh.

Các ngành, lĩnh vực chủ yếu phải nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu hao năng lượng trong hoạt động sản xuất, vận tải, thương mại và công nghiệp; đẩy mạnh khai thác có hiệu quả và tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng của quốc gia.

Phát triển nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, hữu cơ bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của sản xuất nông nghiệp thông qua việc điều chỉnh, chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và áp dụng các quy trình, công nghệ sử dụng tiết kiệm, hiệu quả giống, thức ăn, vật tư nông nghiệp, tài nguyên thiên nhiên…

Từng bước hạn chế các ngành kinh tế phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, tạo điều kiện phát triển các ngành sản xuất xanh mới. Thúc đẩy các ngành kinh tế xanh phát triển nhanh để tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập, làm giàu thêm nguồn vốn tự nhiên. Thúc đẩy đô thị hóa theo hướng đô thị thông minh, bền vững, có năng lực chống chịu với biến đổi khí hậu, bảo đảm hiệu quả kinh tế - sinh thái, thuận lợi cho phát triển giao thông công cộng, tăng tính hấp dẫn, cạnh tranh và thân thiện môi trường, tiết kiệm thời gian đi lại…

Theo các chuyên gia kinh tế, môi trường, để tăng trưởng xanh góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng trưởng bền vững, thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược đề ra, bên cạnh sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, việc đổi mới tư duy hành động từ trong quản lý đến người dân là hết sức quan trọng.

Theo đó, cần nâng cao nhận thức, chuyển đổi mạnh mẽ trong hành động về tăng trưởng xanh cho các cấp lãnh đạo ở các quan quản lý Nhà nước, các ngành, địa phương và doanh nghiệp.

Hện nay, tư duy, nhận thức về bảo vệ môi trường ở nước ta đã có sự thay đổi đáng kể, các hành động bảo vệ môi trường đã xuất hiện nhiều bằng những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả và có tính lan tỏa cao. Tuy nhiên, trước áp lực ô nhiễm môi trường lớn, cùng với những mục tiêu chiến lược đăth ra ngày càng cao thì đòi hỏi việc đổi mới tư duy và hành động bảo vệ môi trường càng cần được nâng cao hơn nữa.

Việt Nam đã có những bước chuyển biến đáng kể về tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường, tăng trưởng bền vững... có tính nền tảng, nhưng trước yêu cầu thực tiễn, nhận thức về tăng trưởng xanh vẫn còn chưa đầy đủ, rõ ràng ở không ít cơ quan, đơn vị và người dân; Chưa nhận thức rõ được vai trò thực hiện cũng như lợi ích của tăng trưởng xanh và cũng chưa coi đây là nhiệm vụ bắt buộc cần ưu tiên thực hiện... Đặc biệt, còn thiếu các giải pháp liên ngành, liên vùng, điều phối, giám sát, dẫn đến năng lực thực hành còn yếu.

Trong bối cảnh hiện nay, cần nhận thức rõ, tiếp cận với tăng trưởng xanh không chỉ là lồng ghép trong các quyết định phát triển mà phải coi đây là một chỉnh thể thống nhất với các thành phần của phát triển bền vững. Từ nâng cao nhận thức về lợi ích của tăng trưởng xanh, vai trò thực hiện, tầm quan trọng của nhiệm vụ để tiếp tục hình thành các kế hoạch hành động, dự án cụ thể ứng phó với biến đổi khí hậu và tạo động lực cho tăng trưởng xanh.

Theo đó, các cấp, ngành, cần rà soát quy hoạch, áp dụng, lồng ghép tăng trưởng xanh vào các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục xây dựng lộ trình cụ thể, kịch bản các hoạt động tăng trưởng xanh, gắn kết chỉ tiêu tăng trưởng xanh trong hệ thống chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược ngành.

Doanh nghiệp là lực lượng trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế, cần xác định rõ những thách thức và cơ hội, bảo đảm tuân thủ các quy định về môi trường, đổi mới công nghệ và nâng cao hiệu quả sản xuất, sắp xếp lại cơ cấu, hạn chế phát triển những ngành kinh tế phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên...

Bên cạnh đó, để lan tỏa các mục tiêu chiến lược tăng trưởng xanh, góp phân fthay đổi tư duy, hành động về tăng trưởng xanh, công tác tuyên truyền đóng vào trò góp phần vào quyết định sự thành công. Do vậy, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tăngh trưởng xanh qua việc triển khai các dự án truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và cộng đồng về thực hiện tăng trưởng xanh. Qua đó, giúp các tầng lớp nhân dân hiểu rõ ý nghĩa của tăng trưởng xanh, có những hành động thiết thực đối với tăng trưởng xanh.

Ngoài ra, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý cho toàn bộ các lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực chủ chốt có ảnh hưởng lớn đến quá trình tăng trưởng xanh; Tập trung vào khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và các yếu tố xã hội. Tạo cơ chế khuyến khích đầu tư cho tăng trưởng xanh theo hướng mở.

Đặc biệt, cần huy động nguồn lực trong nước và quốc tế, tăng cường hợp tác quốc tế thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào các lĩnh vực chính của tăng trưởng xanh như năng lượng sạch, nông nghiệp, công nghiệp, tiêu dùng… Hiện nay, năng lực thực hiện chủ yếu dựa trên hỗ trợ tài chính và kỹ thuật của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi Chính phủ, chưa xuất phát mạnh mẽ từ năng lực tự có của hệ thống chính trị. Chưa khuyến khích và thu hút được nhiều đầu tư tư nhân trong lĩnh vực tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường.