Cải cách lớn trong kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm hàng nhập khẩu

Quang Tiến

"Ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin để triển khai mô hình mới" là một trong 7 cải cách lớn của Đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo Tổng cục Hải quan, Đề án kế thừa lại phần thiết kế các chức năng xử lý dữ liệu thuộc hệ thống xử lý chuyên ngành và chuyển luồng dữ liệu từ Cổng thông tin một cửa quốc gia trực tiếp tới hệ thống thông quan hải quan, các hệ thống chuyên ngành tiếp tục chia sẻ thông tin hiện có và chia sẻ thêm thông tin thông quan từ phía cơ quan hải quan để phục vụ công tác quản lý nhà nước của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực.

Cổng thông tin một cửa quốc gia, hệ thống thông quan tự động và hệ thống quản lý rủi ro cũng được nâng cấp để bổ sung các tính năng mới (Hỗ trợ doanh nghiệp xác định hàng hóa thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành;

Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp công bố tiêu chuẩn/quy chuẩn áp dụng đối với hàng hóa; kết nối và chia sẻ hồ sơ, dữ liệu cho các bên liên quan; phân luồng kiểm tra chuyên ngành kết hợp với phân luồng kiểm tra hải quan; cung cấp các chỉ dẫn cho doanh nghiệp để thực hiện các công đoạn trong kiểm tra chuyên ngành kết hợp với kiểm tra hải quan; lấy mẫu, giao nhận mẫu và quản lý mẫu...).

Đứng trước yêu cầu hội nhập ngày càng sâu rộng, giao lưu thương mại quốc tế ngày càng phát triển như hiện nay, việc cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động trao đổi thương mại qua biên giới trở thành xu hướng tất yếu. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đã được Chính phủ tập trung chỉ đạo trong những năm qua, thể hiện cụ thể tại các Nghị quyết số 19/NQ-CP các năm, Nghị quyết số 99/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2019, 2020 về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Riêng đối với hoạt động xuất nhập khẩu, Chính phủ đã đặt ra yêu cầu phải cải cách toàn diện các quy định về hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng quản lý rủi ro, đơn giản hóa quy trình, hồ sơ, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu, giảm đầu mối tiếp xúc giữa doanh nghiệp với các cơ quan, tổ chức;

Cắt giảm chi phí, thời gian thông quan hàng hóa nhập khẩu của doanh nghiệp; phù hợp với thông lệ quốc tế, các Hiệp định mà Việt Nam là thành viên; bảo vệ môi trường, quyền lợi và sức khỏe cộng đồng, bảo vệ an toàn kinh tế, an ninh quốc gia; nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, của doanh nghiệp và của quốc gia. Đề án “Cải cách công tác kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu” đã đáp ứng được yêu cầu, chỉ đạo nêu trên.

Dự án Tạo Thuận lợi Thương mại do USAID tài trợ đã đánh giá tác động của Đề án về mặt pháp lý và thủ tục hành chính. Theo đó, Đề án đã đơn giản hóa quy trình và giảm thiểu thủ tục kiểm tra chất lượng (KTCL) và kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP).

Thể hiện ở quy trình kiểm tra được cắt giảm một số bước so với mô hình hiện tại nhờ vào việc doanh nghiệp không cần phải lấy kết quả kiểm tra từ cơ quan kiểm tra thuộc bộ quản lý ngành, kết quả giám định để nộp cho cơ quan hải quan; không cần xin giấy xác nhận để được miễn kiểm tra do cơ quan hải quan đã có dữ liệu về lịch sử kiểm tra, hệ thống tự động cập nhật hàng hóa, doanh nghiệp được áp dụng miễn giảm kiểm tra.

 Đề án đã góp phần đơn giản hóa thủ tục kiểm tra nộp trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, hồ sơ đã có trong bộ hồ sơ hải quan hoặc trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, doanh nghiệp không cần phải nộp cho cơ quan hải quan giúp giảm bớt các giấy tờ chồng chéo giữa các lần kiểm tra, giữa hồ sơ hải quan và hồ sơ KTCL, kiểm tra ATTP; cũng như giúp giảm gánh nặng KTCL, kiểm tra an ATTP.

Theo mô hình mới, tỷ lệ lô hàng cần kiểm tra sẽ giảm do áp dụng phương pháp kiểm tra thông thường và kiểm tra giảm một cách hiệu quả và thực chất hơn; thời gian thông quan sẽ được rút ngắn do tỷ lệ lô hàng cần kiểm tra và thủ tục và quy trình kiểm tra được đơn giản hóa. Theo đó, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được thêm chi phí và thời gian.

Đề án đã áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro một cách toàn diện hơn. Điều này được thể hiện ở việc xác định phạm vi và phương pháp kiểm tra dựa vào từng mặt hàng (thay vì chỉ dựa vào đối tượng chủ hàng như mô hình hiện nay).

Việc thay đổi cách tiếp cận này sẽ làm tăng số lượng đối tượng đủ điều kiện áp dụng phương pháp kiểm tra thông thường (kiểm tra hồ sơ); kiểm tra giảm (chỉ kiểm tra ngẫu nhiên tối đa 5% trong tổng khối lượng hàng hóa phải kiểm tra giảm). Việc kiểm tra theo mặt hàng phù hợp với quy định do Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa quy định quản lý chất lượng dựa trên quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn do nhà sản xuất công bố áp dụng, chưa quy định theo nhà nhập khẩu.

Đề án cũng giúp tăng cường tính tự nguyện tuân thủ của doanh nghiệp với việc kiểm tra ngẫu nhiên. Việc lựa chọn ngẫu nhiên 5% để KTCL và kiểm tra ATTP, cộng thêm với việc thực thi quy định và các chế tài xử lý không tuân thủ, sẽ khuyến khích việc tuân thủ tự nguyện của các doanh nghiệp.

Cơ quan quản lý sẽ thực hiện tốt vai trò quản lý của mình, đáp ứng được yêu cầu vừa tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu vừa tăng cường hiệu quả kiểm soát rủi ro.

Cùng với việc tăng cường tính minh bạch và chia sẻ thông tin giữa các Bộ, ngành, việc đăng ký kiểm tra, trả kết quả kiểm tra, giám định của các các nhân, tổ chức liên quan được thực hiện trên Cổng thông tin một cửa quốc gia giúp thông tin được minh bạch, tăng cường kết nối thông tin giữa các các Bộ ngành.

Ngoài ra, Đề án sẽ góp phần tối đa hóa vai trò của lĩnh vực tư nhân trong kiểm nghiệm và đánh giá sự phù hợp do doanh nghiệp được lựa chọn tổ chức đánh giá sự phù hợp để thử nghiệm, giám định hàng hóa tại cửa khẩu.