Chính sách thuế với mục tiêu phát triển nhanh, toàn diện và bền vững

Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế

Trong những năm qua, hệ thống chính sách thuế cũng như quản lý thuế ở Việt Nam đã được sửa đổi, bổ sung hoàn thiện để phù hợp với yêu cầu thực tiễn của Việt Nam và thông lệ quốc tế, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển. Cùng với quá trình phát triển kinh tế của đất nước, hệ thống chính sách thuế và quản lý thuế của Việt Nam ngày càng được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất kinh doanh và cải cách thủ tục hành chính, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách quản lý thuế để phù hợp với yêu cầu thực tiễn của Việt Nam và thông lệ quốc tế, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển. Những văn bản đã ban hành có thể kể tới như: Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 12/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Phát triển bền vững giai đoạn 2011 – 2020; Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 18/4/2012 phê duyệt Chiến lược Tài chính đến năm 2020; Quyết định số 732/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 17/5/2011 phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn năm 2011- 2020; Quyết định số 448/QĐ-TTg  ngày 25/3/2011 phê duyệt Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020.

Cùng với các chính sách trên, Chính phủ cũng đã ban hành các Nghị quyết số 19/NQ-CP các năm 2014, 2015, 2016, 2017, 2018 đặt ra những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trong đó có mục tiêu giảm giờ kê khai nộp thuế của Việt Nam đến cuối năm 2015 bằng bình quân các nước ASEAN - 6; cuối năm 2016 bằng bình quân các nước ASEAN-4 và đến năm 2020: Bằng các nước ASEAN 3 (Singapore, Malaysia, Thái Lan).

Cùng với quá trình phát triển kinh tế của đất nước, hệ thống chính sách thuế đã được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất kinh doanh và cải cách thủ tục hành chính, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.  Theo đó, hệ thống chính sách thuế được chuyển đổi để đạt được các mục tiêu đã được các cấp phê duyệt trên các nội dung sau:        

Thứ nhất, tổng số thu nộp ngân sách từ thuế, phí phải đảm bảo hợp lý về cơ cấu nguồn thu, mức độ điều tiết và tốc độ tăng trưởng

Để chủ động nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN), tăng cường huy động nguồn thu từ nội lực nền kinh tế, tỷ trọng số thu nội địa (không kể thu từ dầu thô) ngày càng tăng cao: Giai đoạn năm 2011- 2015, tổng thu NSNN đạt 70% và mục tiêu đến năm 2020 đạt trên 80% tổng thu NSNN. Cơ cấu nguồn thu theo các sắc thuế cũng có sự thay đổi phù hợp với mục tiêu phát triển nội lực nền kinh tế trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng. Việt Nam phải thực hiện cắt giảm thuế quan theo các hiệp định thương mại tự do đã ký kết.

Hệ thống chính sách thuế hiện hành bao gồm 9 sắc thuế được ban hành dưới dạng Luật và Luật Phí lệ phí; bao gồm: Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT); Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB); Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN); Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN); Luật Thuế tài nguyên; Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp; Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; Luật Thuế bảo vệ môi trường (BVMT); Luật Phí và lệ phí. Các sắc thuế được xác định theo phương thức đánh thuế sẽ phân thành hai tiêu thức (thuế trực thu và gián thu). Đối với các nước phát triển, tỷ trọng thuế trực thu (thuế TNDN, thuế TNCN, thuế tài sản…) thường chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số thu tiền thuế nộp vào NSNN. Ngược lại, đối với các nước đang phát triển (trong đó có Việt Nam) tỷ trọng thuế gián thu (thuế GTGT, thuế TTĐB, thuế nhập khẩu...) thường chiếm tỷ trọng lớn hơn. Ở Việt Nam, các sắc thuế gián thu bao gồm: Thuế GTGT, thuế TTĐB, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế tài nguyên, thuế BVMT… và tỷ trọng thuế gián thu lại có xu hướng tăng dần trong tổng số thu NSNN (giai đoạn 2001-2005 chiếm tỷ trọng khoảng 46%; giai đoạn 2006 - 2010 khoảng 50%; giai đoạn 2011-2015 khoảng 54%; giai đoạn 2016 - 2020 giữ tỷ trọng khoảng 54% trong tổng thu NSNN).

Từ năm 2017, số thu về thuế nội địa đã đạt cột mốc lịch sử (chạm mức 1 triệu tỷ đồng/năm); năm 2018, dự toán là 1.070.200 đồng, dự kiến thực thu là xấp xỉ 1,1 triệu tỷ đồng. Trong đó, thuế GTGT chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng số thu NSNN (số thu nội địa - trừ dầu thô) mang lại nguồn thu thường xuyên và ổn định cho NSNN, tỷ trọng thuế GTGT nội địa chiếm 22%. Thuế xuất khẩu, nhập khẩu, thuế GTGT, TTĐB, thuế BVMT ở khâu nhập khẩu có tỷ trọng ngày càng giảm dần, chỉ còn chiếm tỷ trọng khoảng 10% trong tổng số thu NSNN.

Đối với một số sắc thuế gián thu khác như: Thuế tài nguyên, thuế BVMT thì mặc dù đóng góp số thu không lớn (tổng thu về thuế tài nguyên chiếm tỷ trọng 3,4%, thu về thuế BVMT có tỷ trọng 4%) nhưng lại có vị thế quan trọng đối với tiêu chí phát triển nền kinh tế bền vững. Thuế TTĐB với tỷ trọng số thu chiếm 9%, nhưng lại đánh vào các mặt hàng xa xỉ, cao cấp, không thuộc mặt hàng thiết yếu cho nhu cầu đời sống nhằm định hướng, hướng dẫn tiêu dùng, sản xuất. Mức thuế suất thường cao, có hàng hóa dịch vụ có thuế suất 70%. Theo đó, chính sách điều tiết thuế hợp lý để góp phần định hướng sản xuất, tiêu dùng, đảm bảo sức khỏe cộng đồng; sử dụng tài nguyên  tiết kiệm, hiệu quả; giữ  môi trường sinh thái…

Thuế trực thu ở Việt Nam, theo đúng bản chất thì hiện mới có thuế TNDN, thuế TNCN, mặc dù mức độ đóng góp số thu thấp hơn thuế gián thu nhưng có tác động trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu hút vốn đầu tư, thực hiện công bằng xã hội, góp phần kiểm soát thu nhập của các cá nhân và hạn chế tham nhũng. Tỷ trọng thuế TNDN chiếm tỷ trọng 22,3%  trong tổng thu NSNN. 

Trong quá trình cải cách chính sách thuế, thuế trực thu có xu hướng giảm dần thuế suất (thuế suất thuế TNDN đã được điều chỉnh từ 32% xuống 28%, 25%, 22% và từ năm 2016 đến nay là 20%, ngoài ra còn có mức thuế suất ưu đãi là 10%, 15% và 17%; ưu đãi miễn giảm thuế. Việc  ưu đãi, miễn, giảm thuế sẽ giảm thu NSNN theo chu kỳ hiện hành nhưng số tiền thuế miễn giảm sẽ được bổ sung vào nguồn vốn để DN tái đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng thêm thu nhập và sẽ tăng thuế TNDN nộp NSNN...

Thuế TNCN chiếm tỷ trọng không lớn (khoảng 8,1% tổng thu NSNN, nhưng có tốc độ tăng trưởng  cao so với các sắc thuế khác (số  thu về thuế TNCN năm 2016 tăng 24% so với năm 2015); năm 2017 tăng 28% so với năm 2016, dự toán thu NSNN năm 2018 tăng 20% so với thực thu năm 2017. Tuy tăng trưởng nhanh, nhưng thất thu về thuế TNCN, mà đặc biệt là thu nhập về chuyển nhượng bất động sản, thu nhập của hộ cá nhân kinh doanh, trong đó có kinh doanh thương mại điện tử đang là vấn đề nổi cộm, gay cấn trong công tác xác định thu nhập, quản lý thuế TNCN hiện nay.  

Thứ hai, chính sách thuế gắn với mục tiêu phát triển nhanh, toàn diện, bền vững

Mỗi sắc thuế còn phải thực hiện chức năng riêng biệt của mình ngoài chức năng tạo lập nguồn thu: Thuế TNDN có chức năng điều chỉnh, chuyển dịch cơ cấu sản xuất kinh doanh cả về địa bàn (có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu kinh tế, khu công nghệ cao); lĩnh vực đầu tư (phát triển công nghệ, sản xuất sản phẩm phần mềm, sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, BVMT; hoạt động xã hội hoá);DN sử dụng nhiều lao động thông qua ưu đãi thuế suất, miễn giảm thuế …

Tuy nhiên, Luật Thuế TNCN của Việt Nam chưa làm tốt chức năng này, kể cả chính sách và quản lý thuế. Luật hiện hành quy định thu nhập chịu thuế chưa rõ ràng, thiếu minh bạch, bình đẳng như: Các khoản thưởng, biếu, tặng cho bằng tiền mà không do tổ chức, cá nhân chi trả cho người làm công ăn lương thì không chịu thuế TNCN. Quy định này tạo sơ hở luật pháp, vừa thất thu thuế vừa không kiểm soát, đối chiếu được các khoản chi phí ngầm, tiêu cực, nhũng nhiễu. Bên cạnh đó, mức điều tiết thuế TNCN có thuế suất khá cao so với các quốc gia, vùng lãnh thổ và cũng cao hơn mức điều tiết  thuế TNDN  nên tính khả thi, tuân thủ chưa cao...   

Đối với thuế tài nguyên: Cơ chế quản lý thu nộp, khai thác hiện hành đang bỏ ngỏ việc quản lý sản lượng tài nguyên thực tế khai thác dẫn đến rủi ro về thất thu NSNN, do chưa có cơ chế quản lý chặt chẽ về sản lượng tài nguyên thực tế khai thác. Bên cạnh đó, việc quy hoạch, cấp phép khai thác tài nguyên còn thiếu cơ sở khoa học, thiếu đồng bộ gây khó khăn, thất thu trong quản lý thu thuế tài nguyên. Ngoài thuế tài nguyên, còn có các khoản thu khác liên quan đến khai thác tài nguyên khoáng sản như tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, phí môi trường… chưa được nghiên cứu đồng bộ trong quá trình xây dựng, ban hành chính sách, dẫn đến tính khả thi chưa cao...

Việc phải nộp thuế BVMT khi sản xuất, nhập khẩu đã tác động trực tiếp đến việc khuyến khích sản xuất, tiêu dùng hàng hóa thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, đối tượng chịu thuế BVMT theo Luật số 57/ 21010/QH12 còn hạn hẹp chỉ có 8 nhóm sản phẩm hàng hóa chịu thuế. Bên cạnh đó, các văn bản pháp quy hướng dẫn thực hiện Luật quy định sản phảm chịu thuế BVMT chưa rõ ràng, đặc biệt là quy định về sản phẩm túi nilon chịu thuế, nơi nộp thuế đối với sản phẩm xăng dầu… còn gây khó khăn trong triển khai thực hiện, tính pháp lý chưa cao.

Đối với thuế GTGT, ngoài yếu tố đóng góp nguồn thu lớn nhất cho NSNN thì còn có độ bao phủ rộng rãi nhất, tác động lan tỏa nhanh nhất trong hệ thống chính sách thuế. Các quy định về đối tượng không chịu thuế, đối tượng chịu thuế, thuế suất thuế GTGT, cơ chế khấu trừ, hoàn thuế cùng chế độ hóa đơn chứng từ đi kèm gần như liên quan đến hầu hết các đơn vị tham gia sản xuất kinh doanh và ảnh hưởng đến sự sống còn, phát triển của doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Thứ ba, kiến nghị giải pháp về thuế góp phần tái cấu trúc nền tài chính quốc gia hướng đến phát triển nhanh, toàn diện và bền vững

  Những nỗ lực của Bộ Tài chính, Tổng cục thuế đã được cộng đồng doanh nghiệp, xã hội và Ngân hàng Thế giới (WB) ghi nhận: Năm 2017, môi trường kinh doanh của Việt Nam được WB  đánh giá tăng 14 bậc, đứng thứ 68/190 nền kinh tế; Trong đó riêng chỉ số nộp thuế của Việt Nam tăng tới 81 bậc. Đây là lần đầu tiên Việt Nam vươn lên vị trí thứ 86/190 quốc gia và xếp ở vị trí thứ 4 ở khu vực ASEAN sau Singapore, Malaysia, Thái Lan. Năm 2018, mặc dù chỉ số nộp thuế bị giảm 45 bậc so với năm 2017 (131/190), tuy nhiên sự giảm bậc là do yến tố chính sách thay đổi để quản lý chặt chẻ việc hoàn thuế GTGT, còn về phía thủ tục  nộp thuế liên quan đến cơ quan thuế chỉ còn 17 giờ năm; 1,42 giờ thàng cũng là mức giảm khá cao so với khu vực.

Để tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được và  đưa chính sách thuế góp phần  tái cấu trúc nền tài chính quốc gia hướng đến  mục tiêu phát triển nhanh, toàn diện, bền vững; chúng tôi kiến nghị các giải pháp cơ bản nhất để tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách thuế đồng bộ, trên cơ sở đó tham gia cơ cấu lại nguồn thu ngân sách nhà nước, đảm bảo và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội theo mục tiêu các Nghị quyết 07/NQ-TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 25/2016/QH14 về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 và  Quyết định Số: 732/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 17 tháng 05 năm 2011 “phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn năm 2011- 2020 như sau:

Về thuế GTGT

 Nghiên cứu sửa đổi Luật Thuế GTGT theo nguyên tắc: giảm bớt số lượng nhóm hàng hóa dịch vụ không chịu thuế GTGT để đảm  bảo tính liên hoàn của Thuế GTGT;  giảm dần đối tượng có thuế suất 5%, hướng đến áp dụng thống nhất  một mức thuế suất 10% (và có thể điều chỉnh lên 12- 15% theo lộ trình); Bỏ quy định đối tượng không kê khai tính thuế( hàng hóa, dịch vụ tiêu thụ nội địa: không tính nộp thuế GTGT đầu ra nhưng được khấu trừ thuế GTGT đầu vào - biến dạng của thuế suất 0%); Sửa đổi đối tượng, điều kiện áp dụng  mức thuế suất 0%  đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; Bổ sung sửa đổi quy định về giá tính thuế GTGT đối với sản phẩm cho, biếu, tặng; hoàn thiện quy định các trường hợp được hoàn thuế GTGT .

- Thuế TTĐB

Điều chỉnh, bổ sung đối tượng chịu thuế TTĐB để hướng dẫn điều tiết tiêu dùng phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng lộ trình điều chỉnh thuế đối với các mặt hàng thuốc lá, bia, rượu, ô tô cả về thuế suất và căn cứ  tính thuế.… xem xét mở rộng diện chịu thuế TTĐB với một số mặt hàng mới  đưa  vào diện chịu thuế TTĐB… Tăng cường biện pháp quản lý thu thuế đối với một số hàng hóa đang  thất thu thuế lớn: rượu do dân tự nấu, vàng mã, hàng mã… Nghiên cứu sửa đổi giá tính thuế TTĐB phù hợp với điều kiện trong nước và thông lệ quốc tế.

 - Thuế TNDN

Điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế TNDN cho DNNVV, tạo điều kiện để DNNVV có thêm nguồn lực tài chính, tăng tích lũy để đẩy mạnh đầu tư phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh; đơn giản, minh bạch hơn chính sách ưu đãi thuế. Rà soát chính sách ưu đãi đầu tư: rút gọn các ưu đãi mang tính chất xã hội; Tăng cường khuyến khích đầu tư vào các ngành sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao, lĩnh vực xã hội hóa, BVMT, sinh thái, các đại bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu công nghệ cao, công nghệ tập trung…

Quy định về xác định doanh thu, các khoản chi phí được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế phù hợp và có tính khả thi cao hơn; bổ sung các quy định về lĩnh vực kinh doanh mới: Về quản lý số, thương mại điện tử; Cụ thể hóa vẫn đề chống xói mòn về thuế, chuyển giá, vốn mỏng; khắc phục tình trạng chỉ  mới khống chế tỷ lệ chi phí lãi vay đối với các đơn vị có quan hệ lên kết  …

- Thuế TNCN

Mở rộng cơ sở thuế, bổ sung các khoản thu nhập chịu thuế đặc biệt là quà tặng, qùa biếu bằng tiền, hiện vật; các khoản thu của cá nhân kinh doanh liên quan đến lĩnh vực kinh doanh số hóa, thương mại điện tử. Tăng cường biện pháp quản lý các các thu nhập liên quan đến bất động sản, doanh thu cung ứng hàng hóa dịch vụ làm cơ sở tính thuế của cá nhân kinh doanh. Điều chỉnh giảm mức điều tiết thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công  thông qua giãn rộng khoảng cách các bậc kết hợp với điều chỉnh thuế suất, đảm bảo sự tương quan mức điều tiết tương đương về nghĩa vụ thuế giữa thể nhân và pháp nhân; nhằm nâng cao tính tuân thủ, khuyến khích cá nhân làm giàu hợp pháp đi đôi với tăng cường quản lý, kiểm soát  thu nhập của các tầng lớp dân cư trong toàn xã hội.

- Thuế tài nguyên

Cần nghiên cứu mở rộng thêm một số đối tượng khai thác loại khoáng sản có lợi nhuận siêu ngạch như khai thác lộ thiện, lợi nhuận thu được lớn. Đảm bảo tăng thu ngân sách, phù hợp với thông lệ quốc tế.  Xem xét điều chỉnh giảm thuế suất thuế tài nguyên một số loại khoáng sản đặc biệt để phù hợp với chính sách điều tiết thu đối với tài nguyên khoáng sản. Sửa đổi bổ sung giá tính thuế để hạn chế việc đánh trùng thuế đối với tài nguyên vận chuyển đi tiêu thụ và chi phí  khác. Đặ biệt là xác định giá tính thuế đối với xuất khẩu tài nguyên;  chi phí đươc trừ  khi xác định giá thuế tài nguyên đối với sản phẩm công nghiệp. Tăng cường việc thực thi pháp luật và các quy định trong hoạt động khai thác, đồng thời tuân thủ các quy định về môi trường, bảo hộ quyền lợi cộng đồng địa phương và phân bổ nguồn thu từ khai thác khoáng sản giữa NSTW và NSĐP.

Thuế Bảo vệ môi trường:

 Luật hiên hành chỉ có 8 nhóm sản phẩm hàng hóa chịu thuế, để mở rộng cơ sở thuế, nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường, đảm bảo phát triển bền vững, cần mở rộng thêm đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường đến các sản phẩm ô nhiểm môi trường khác, bao gồm cả chất thải rắn, lỏng, khí… gây ô nhiễm. Nghiên cứu xây dựng khung thuế suất hợp lý, linh hoạt; giá tính thuế phù hợp và đặc biệt là quy định về quản lý thu thuế để có tính khả thi cao

Về thời điểm tính thuế: đề nghị bải bỏ quy định về thời điểm tính thuế riêng biệt đối với  sản phẩm  xăng dầu để áp dụng chung như các sản phẩm khác..

- Xây dựng mới Luật thuế tài sản 

Thuế tài sản được xây dựng   theo nguyên tắc: thuế đánh vào tài sản của cá nhân: bao gồm bất động sản, một số động sản, tài sản bằng tiền các hình thức: tiền gửi, đầu tư…

 Các bất động sản dùng vào kinh doanh không nên đánh thuế tài sản mà được điều chỉnh bởi chi phi tính thuế TNDN.

- Xây dựng mới Luật thuế sử dụng đất: Luật thuế sử dụng đất áp dụng chung đối với các loại đất: đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất kinh doanh

- Hoàn thiện nội dung và sớm ban hành Luật quản lý và các văn bản hướng dẫn thực hiện đồng bộ khi Luật được Quốc hội thông qua, trong đó hướng dẫn  ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 trong quản lý thuế, có biện pháp đồng bộ  để thu hẹp thị trường tiền mặt trong đó có các quy định về mức tối đa khoản chi tiền  mặt được khấu trừ, hoàn thuế GTGT, hạch toán vào chi phí tính thuế TNDN từ 20 triệu xuống vài triệu  đồng.

Tài liệu tham khảo:

  1. Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 12/4/2012 về Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020”;
  2. Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 18/4/2012 về việc ‘‘Phê duyệt Chiến lược Tài chính đến năm 2020”;
  3. Quyết định số 732/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 17/5/2011 “phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011- 2020” ;
  4. Quyết định số 448/QĐ-TTg ngày 25 tháng 3 năm 2011 của Thủ tương Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2020”;
  5. Quyết định số 2710/QĐ-BTC ngày 20/12/2016 Về việc phê duyệt Kế hoạch cải cách quản lý thuế giai đoạn 2016-2020;
  6. Tờ trình sửa đổi thuế bảo vệ môi trường của Bộ Tài chính;
  7. Tờ trình và dự Luật sủa đổi Luật Quản lý thuế của Bộ tài chính.