Bộ Tài chính trả lời kiến nghị cử tri về chế độ chi công tác phí

PV. (Tổng hợp)

Bộ Tài chính đã có giải đáp cụ thể kiến nghị của Cử tri tỉnh Bắc Kạn về cơ chế chính sách liên quan đến chế độ chi công tác phí, chi tiếp khách, quy định mua sắm tài sản theo phương thức tập trung.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tại Công văn số 1474/BTC-QLCS ngày 06/02/2017, Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết về những kiến nghị trên. Theo đó, việc sửa đổi định mức chi như chi tiếp khách, khoán lưu trú được quy định như sau:

1.1. Về chế độ công tác phí:

Nhằm đảm bảo các khoản chi, mức chi công tác phí của các cơ quan, đơn vị Nhà nước vừa phù hợp với thực tế, vừa tiết kiệm, chống lãng phí, tạo tính chủ động, linh hoạt trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền giao để thực hiện nhiệm vụ; ngày 25/10/2016, Bộ Tài chính đã có công văn số 15114/BTC-HCSN gửi các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương đề nghị tham gia ý kiến vào dự thảo Thông tư quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị (thay thế Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06/7/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập) và dự kiến ban hành trong đầu năm 2017; trong đó, một số nội dung dự kiến sửa đổi như sau:

a) Điều chỉnh tăng một số mức chi cho phù hợp với thực tế, như: Mức khoán công tác phí theo tháng của một số cán bộ thường xuyên phải đi công tác lưu động, mức chi phụ cấp lưu trú, mức khoán tiền thanh toán phòng nghỉ nơi đến công tác...

b) Tăng quyền tự chủ cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong việc quy định mức chi cụ thể về công tác phí, chi tổ chức hội nghị cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc để thực hiện như sau:

- Đối với các Bộ, cơ quan trung ương: Mức chi quy định tại Thông tư này là mức chi tối đa làm căn cứ để các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở trung ương lập dự toán chi công tác phí, chi tổ chức hội nghị. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở trung ương quy định các mức chi cụ thể đối với các cơ quan, đơn vị trực thuộc để thực hiện cho phù hợp trong phạm vi dự toán ngân sách được giao và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

- Đối với các địa phương: Căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách địa phương và tình hình thực tế, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định các mức chi cụ thể về công tác phí, chi hội nghị đối với các cơ quan, đơn vị trực thuộc để thực hiện cho phù hợp.

1.2. Đối với chế độ chi tiếp khách:

Hiện nay, chế độ tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, chế độ chi tiếp khách trong nước đến làm việc tại các cơ quan, đơn vị đang thực hiện theo quy định tại Thông tư số 01/2010/TT-BTC ngày 06/01/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ chi tiêu đón tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, chi tiêu tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và chi tiêu tiếp khách trong nước.

Tại Thông tư số 01/2010/TT-BTC đã quy định nội dung và mức chi tiếp khách quốc tế vào làm việc tại Việt Nam, chi tiếp khách trong nước đến làm việc tại các cơ quan, đơn vị của nhà nước, các tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu đối ngoại của các cơ quan, đơn vị. Một số mức chi đã giao quyền chủ động cho thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định cho phù hợp với thực tế, như: Đối với tiêu chuẩn về thuê chỗ ở đối với khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, Thông tư số 01/2010/TT-BTC đã quy định: Trường hợp do yêu cầu đối ngoại đặc biệt cần thuê phòng theo tiêu chuẩn cao hơn mức quy định tối đa tại Thông tư, thì thủ trưởng cơ quan, đơn vị chủ trì tiếp khách quyết định mức chi thuê phòng trên tinh thần tiết kiệm và phải tự sắp xếp trong phạm vi dự toán ngân sách được cấp có thẩm quyền giao để thực hiện.

Đối với mức chi tiếp khách trong nước, tại khoản 2 Điều 4 Thông tư số 01/2010/TT-BTC đã quy định để tạo điều kiện chủ động cho các Bộ, ngành, địa phương thực hiện phù hợp với thực tế: Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ tình hình thực tế và khả năng ngân sách địa phương quy định cụ thể đối tượng khách được mời cơm đối với từng loại hình cơ quan thuộc tỉnh, trình Hội đồng nhân dân tỉnh trước khi ban hành. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quy định cụ thể đối tượng khách được mời cơm, mức chi mời cơm cho phù hợp với đặc điểm hoạt động của các cơ quan trực thuộc Bộ, ngành đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

Về quy định mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung

Nội dung chính sách mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung được quy định tại Quyết định số 08/2016/QĐ-TTg ngày 26/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư số 34/2016/TT-BTC ngày 26/02/2016 và Thông tư số 35/2016/TT-BTC ngày 26/2/2016 của Bộ Tài chính.
Việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 08/2016/QĐ-TTg và Bộ Tài chính ban hành 2 Thông tư (số 34/2016/TT-BTC và số 35/2016/TT-BTC) là để thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 BCHTW Đảng (khoá X) và Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 BCHTW Đảng (khóa XI) về tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong quản lý tài sản công;             
Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 12/5/2009 của Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 và Nghị quyết số 98/2015/NQ-QH13 ngày 10/11/2015 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016.

Căn cứ để ban hành Quyết định số 08/2016/QĐ-TTg và 2 Thông tư của Bộ Tài chính (số 34/2016/TT-BTC và số 35/2016/TT-BTC) là Luật đấu thầu số 43/QH13 năm 2013, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu và Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 3/6/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

Việc triển khai thực hiện mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung nhằm khắc phục việc mua sắm tài sản ngoài nhu cầu, vượt tiêu chuẩn định mức và tiêu cực có thể phát sinh trong hoạt động mua sắm công, đảm bảo công khai, minh bạch, kể cả việc công khai hóa các khoản hoa hồng từ mua sắm và đáp ứng được yêu cầu trang bị hiện đại, đồng bộ về tài sản, góp phần đổi mới công nghệ quản lý theo hướng cải cách thủ tục hành chính, hạn chế việc các đơn vị không có chuyên môn phải đi mua sắm tài sản, giảm bớt về thời gian, việc mua sắm được thuận lợi, đúng pháp luật, giảm giá mua, góp phần thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Phương thức mua sắm tập trung tài sản nhà nước được triển khai thực hiện theo 2 cấp: cấp quốc gia và cấp Bộ, ngành, địa phương. Trong đó, việc mua sắm tập trung cấp quốc gia được áp dụng đối với tài sản là xe ô tô (trừ xe ô tô phục vụ công tác cho các chức danh lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước) và xe ô tô chuyên dùng có gắn kèm trang thiết bị chuyên dùng, xe ô tô có cấu tạo đặc biệt theo yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ, xe ô tô chuyên dùng tại đơn vị vũ trang nhân dân).Tài sản hàng hóa áp dụng mua sắm tập trung tại các Bộ, ngành, địa phương do các Bộ, địa phương quyết định.

Việc mua sắm tập trung được thực hiện theo một trong hai cách thức sau:

(1) Mua sắm tập trung theo cách thức ký thỏa thuận khung: Đơn vị mua sắm tập trung tổng hợp nhu cầu mua sắm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhu cầu và được bố trí dự toán mua sắm tài sản, tiến hành lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc thuê tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp lựa chọn nhà thầu, ký thỏa thuận khung với nhà thầu được lựa chọn. Cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng tài sản trực tiếp ký hợp đồng mua sắm với nhà thầu được lựa chọn, trực tiếp thanh toán cho nhà thầu được lựa chọn (trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao dự toán cho đơn vị mua sắm tập trung), tiếp nhận tài sản, hồ sơ về tài sản và thực hiện nghĩa vụ hợp đồng, chế độ bảo hành, bảo trì từ nhà thầu được lựa chọn;

(2) Mua sắm tập trung theo cách thức ký hợp đồng trực tiếp: Đơn vị mua sắm tập trung tổng hợp nhu cầu mua sắm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhu cầu và được bố trí dự toán mua sắm tài sản, tiến hành lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc thuê tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp lựa chọn nhà thầu, trực tiếp ký hợp đồng với nhà thầu được lựa chọn và trực tiếp thanh toán cho nhà thầu. Cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng tài sản tiếp nhận tài sản, hồ sơ về tài sản và thực hiện chế độ bảo hành, bảo trì từ nhà thầu được lựa chọn.

Quy trình mua sắm TSNN theo cách thức ký thỏa thuận khung gồm 11 bước: (i) Lập, phê duyệt dự toán mua sắm tài sản; (ii) Tổng hợp nhu cầu mua sắm tập trung; (iii) Lập, thẩm định và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; (iv) Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu; (v) Tổ chức lựa chọn nhà thầu; (vi) Đánh giá hồ sơ dự thầu và thương thảo thỏa thuận khung; (vii) Thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu; (viii) Ký kết thỏa thuận khung về mua sắm tập trung; (ix) Ký kết hợp đồng mua sắm tài sản; (x) Thanh toán, bàn giao, tiếp nhận tài sản, quyết toán, thanh lý hợp đồng mua sắm tài sản; (xi) Bảo hành, bảo trì tài sản. Trong đó, việc phân chia tài sản mua sắm thành các gói thầu phải căn cứ theo tính chất kỹ thuật, trình tự thực hiện, bảo đảm đồng bộ trong việc mua sắm, quy mô gói thầu hợp lý, bảo đảm khả năng bảo hành và các dịch vụ sau bán hàng của nhà cung cấp; Đồng thời nghiêm cấm việc chia dự án, dự toán mua sắm thành các gói thầu trái với quy định của pháp luật nhằm mục đích hạn chế sự tham gia của các nhà thầu.

Như vậy, đơn vị mua sắm có nhiệm vụ ký thỏa thuận khung trên cơ sở nhu cầu và dự toán của các đơn vị sử dụng tài sản và tiêu chuẩn định mức trang bị tài sản; Đơn vị sử dụng tài sản được hoàn toàn chủ động đề xuất các yêu cầu về tài sản cần mua sắm, kể cả yêu cầu về kỹ thuật, giá trị tài sản, được ký hợp đồng nhận tài sản và chủ động thanh toán từ nguồn kinh phí của mình. Do vậy, không có việc mua sắm tài sản không phù hợp với nhu cầu hoặc vượt tiêu chuẩn định mức quy định. Quá trình đấu thầu được tuân thủ hoàn toàn theo quy định của pháp luật về đấu thầu, được thực hiện theo trình tự đảm bảo sự chặt chẽ, công khai và minh bạch từ khâu lập hồ sơ mời thầu, lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, phân chia gói thầu.