Sà lan tạm nhập dưới hình thức thuê nước ngoài có phải chịu thế GTGT?


Tổng cục Hải quan vừa có Công văn số 6040/TCHQ-TXNK trả lời Công ty TNHH dịch vụ Logistics và tàu biển Hải Huy Offshore đề nghị hướng dẫn thuế GTGT đối với sà lan tạm nhập dưới hình thức thuê của đối tác nước ngoài.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trước đó, Tổng cục Hải quan nhận được Công văn số 101/2020/TNTX/HH ngày 31/8/2020 của Công ty TNHH dịch vụ Logistics và tàu biển Hải Huy Offshore đề nghị hướng dẫn thuế GTGT đối với sà lan tạm nhập dưới hình thức thuê của đối tác nước ngoài. Trả lời những vấn đề mà Công ty này băn khoăn, Tổng cục Hải quan đã có Công văn số 6040/TCHQ-TXNK để giải đáp những vấn đề liên quan. Cụ thể:

Theo Tổng cục Hải quan, Căn cứ quy định tại khoản 20 Điều 5 Luật Thuế GTGT số 13/2008/QH12 ngày 03/6/2008 thì hàng tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT; Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 1 Luật Thuế GTGT số 31/2013/QH13 ngày 19/6/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT quy định: tàu bay, giàn khoan, tày thủy thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để tạo tài sản cố định của doanh nghiệp hoặc thuê của nước ngoài để sử dụng cho sản xuất, kinh doanh, cho thuê, cho thuê loại thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT; Căn cứ điểm c khoản 17 Điều 4 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính quy định:

Tàu bay (bao gồm cả động cơ tàu bay), dàn khoan, tàu thủy thuộc loại trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để tạo tài sản cố định của doanh nghiệp hoặc thuê của nước ngoài để sử dụng cho sản xuất, kinh doanh, cho thuê, cho thuê lại.

Để xác định hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT ở khâu nhập khẩu quy định tại khoản này, người nhập khẩu phải xuất trình cho cơ quan hải quan các hồ sơ theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Để xác định hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT ở khâu nhập khẩu quy định tại khoản này, người nhập khẩu phải xuất trình cho cơ quan hải quan các hồ sơ theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Danh mục tàu bay, dàn khoan, tàu thủy thuộc loại trong nước đã sản xuất được làm cơ sở phân biệt với loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để tạo tài sản cố định của doanh nghiệp hoặc thuê của nước ngoài để sử dụng cho sản xuất, kinh doanh, cho thuê, cho thuê lại do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành.

Trong công văn của Công ty TNHH dịch vụ Logistics và tàu biển Hải Huy Offshore còn nêu: Công ty dự kiến tạm nhập khẩu (phục vụ thi công dự án có thời hạn) mặt hàng sà lan có tải trọng 13.168WT dưới hình thức thuê của đối tác nước ngoài, không có hồ sơ liên quan đến hàng hóa, do vậy Tổng cục Hải quan đề nghị Công ty căn cứ quy định tại Luật Thuế GTGT, Thông tư số 219/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính; Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 01/2018/TT-BKHĐT ngày 30/03/2018 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đối chiếu với hàng hóa thực tế nhập khẩu để áp dụng thuế GTGT.

Cụ thể, trong trường hợp sà lan do Công ty dự kiến nhập khẩu không thuộc Danh mục phương tiện vận tải chuyên dùng trong nước đã sản xuất được ban hành kèm theo Thông tư số 01/2018/TT-BKHĐT thì không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng khi nhập khẩu.

Trường hợp sà lan do Công ty dự kiến nhập khẩu thuộc Danh mục phương tiện vận tải chuyên dùng trong nước đã sản xuất được ban hành kèm theo Thông tư số 01/2018/TT-BKHĐT thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng khi nhập khẩu.