Cơ chế hoạt động với doanh nghiệp và người lao động tại doanh nghiệp quốc phòng, an ninh?

PV.

Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 151/2016/TT-BTC hướng dẫn cơ chế hoạt động đối với DN và người lao động tại DN quốc phòng, an ninh quy định tại Nghị định số 93/2015/NĐ-CP ngày 15/10/2015 của Chính phủ về tổ chức quản lý và hoạt động của DN quốc phòng, an ninh.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo Thông tư số 151/2016, ngoài những hỗ trợ đầu tư theo quy định pháp luật, DN quốc phòng, an ninh còn được hưởng các chính sách sau:

Một là, được miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và thuế sử dụng đất đối với đất được giao quản lý và sử dụng phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

Hai là, được hạch toán một số chi phí đặc thù vào chi phí sản xuất kinh doanh và được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế theo Thông tư 151 gồm: Chi phí trả lương, đóng bảo hiểm xã hội; Chi bảo đảm quân trang; Thanh toán các khoản chi ra quân, xuất ngũ, phục viên, thôi việc; Chi cho công tác quốc phòng, an ninh, quan hệ quân dân.

Ba là, được cấp kinh phí cho việc duy trì, bảo dưỡng, sửa chữa vận hành các dây chuyền sản xuất quốc phòng, an ninh và hỗ trợ lương cho người lao động trong biên chế thuộc các dây chuyền tạm ngừng sản xuất mà không có khả năng tự bù đắp chi phí.

Bốn là, hỗ trợ 2 quỹ khen thưởng, phúc lợi.

Năm là, được hỗ trợ kinh phí nhà trẻ, giáo dục tại địa bàn chưa có trường lớp công lập.

Sáu là, được Nhà nước hỗ trợ kinh phí y tế đối với những nơi do điều kiện đặc biệt phải duy trì bệnh xá, gồm: Kinh phí để đầu tư, trang bị vật chất lần đầu; kinh phí đảm bảo tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phụ cấp cho đội ngũ nhân viên y tế; kinh phí mua thuốc khám, chữa bệnh.

Thông tư 151/2016 quy định chế độ tiền lương được tính phù hợp với quy định về chế độ, chính sách của pháp luật đối với sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan và căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh của DN.

Thông tư cũng quy định cụ thể về việc lập dự toán, cấp phát và thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ. Theo đó, định kỳ hàng năm, DN quốc phòng, an ninh thuộc đối tượng được hỗ trợ tài chính lập dự toán chi tiết báo cáo cơ quan có thẩm quyền để thẩm định và tổng hợp chung trong dự toán ngân sách của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Đối với khoản chi hỗ trợ quỹ khen thưởng, phúc lợi, Thông tư hướng dẫn DN căn cứ vào hiệu quả hoạt động và kết quả xếp loại DN để trích lập quỹ khen thưởng, phúc lợi.

Thông tư 151/2016/TT-BTC bãi bỏ Thông tư Liên tịch số 141/2012/TTLT-BTC-BQP- BCA ngày 22/8/2012 của Bộ Tài chính - Bộ Quốc phòng - Bộ Công an hướng dẫn cơ chế hỗ trợ tài chính đối với DN trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh tại Nghị định số 104/2010/NĐ-CP ngày 11/10/2010 của Chính phủ và áp dụng từ năm ngân sách 2016 trở đi. Ngoài việc thực hiện những quy định tại Thông tư này, các DN quốc phòng, an ninh còn phải thực hiện các quy định tại Quy chế quản lý tài chính của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính và các văn bản pháp luật liên quan khác.