Cú huých phát triển doanh nghiệp
Với việc quy định một số hỗ trợ chung như tiếp cận vốn từ các ngân hàng, thuế, thuê mặt bằng sản xuất, đào tạo, tư vấn… rõ ràng việc thông qua Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã tạo thêm một cú huých cho việc phát triển doanh nghiệp (DN) mới.
Đầu tuần này, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đã chính thức được thông qua. Phân định nguyên tắc, nguồn lực hỗ trợ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan, luật mở ra cánh cửa quan trọng để nguồn lực xã hội hướng vào hình thành các cơ chế hỗ trợ cho đối tượng này. Nhưng hơn hết, đặt vấn đề của luật tại thời điểm này cũng có thể thấy ý nghĩa của nó là đặc biệt quan trọng.
Số lượng DN đăng ký kinh doanh mới đang tăng lên nhanh chóng trong mấy năm gần đây, cho thấy tinh thần khởi nghiệp đã được “thắp sáng” sau những nỗ lực của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện hoạt động tốt hơn cho các DN. Năm 2016, lần đầu tiên Việt Nam có hơn 110 nghìn DN đăng ký thành lập mới, còn trong 5 tháng đầu năm nay, chúng ta đã đạt được một nửa con số của cả năm 2016. Tuy nhiên, đa số các DN thành lập mới là DNNVV, số vốn bình quân dưới 10 tỷ đồng/DN.
Xuất phát điểm thấp, nhưng đáng quan ngại hơn là hầu hết các DN không chịu lớn. Thực tế sau nhiều chục năm “Mở cửa” và hội nhập với kinh tế khu vực và thế giới, lực lượng DN của Việt Nam vẫn chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ, không những yếu về tiềm lực tài chính và quản trị, mà còn hạn chế về trình độ công nghệ và năng lực cạnh tranh. Đa số các DN “đứng bên lề” các chuỗi giá trị, đối mặt với rủi ro và không tự quyết định con đường phát triển bền vững cho mình.
Như vậy, với việc quy định một số hỗ trợ chung như tiếp cận vốn từ các ngân hàng, thuế, thuê mặt bằng sản xuất, đào tạo, tư vấn… rõ ràng việc thông qua Luật Hỗ trợ DNNVV đã tạo thêm một cú huých cho việc phát triển DN mới, tiến tới đạt mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020. Nhưng quan trọng hơn là kỳ vọng một số hỗ trợ có thể khiến nhiều DN “chịu lớn”.
Cụ thể là luật quy định hỗ trợ cho một số đối tượng trọng tâm có tính chọn lọc, trọng điểm theo định hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và tự chủ của nền kinh tế, bao gồm cả DNNVV khởi nghiệp sáng tạo và DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị…
Đây có lẽ là nội dung được kỳ vọng nhất khi triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV. Bởi lẽ, trong một nền kinh tế hội nhập sâu rộng nhưng đâu đó tư tưởng bảo hộ vẫn còn nặng nề, trong một thế giới vẫn đang cạnh tranh gay gắt bằng sức mạnh quy mô và độc quyền công nghệ, khi Việt Nam ở vị thế đi sau… thì chỉ có thúc đẩy các chuỗi giá trị mới được DN nội địa làm chủ, khi đó chúng ta mới có thể định hình thế mạnh quốc gia trên bản đồ kinh tế thế giới.
Những thương hiệu điện thoại như Samsung, Apple đã từng đi sau “người khổng lồ” Nokia, nhưng nay lại “tiếm quyền”. Những tên tuổi như Facebook, Youtube thực tế không cần nhiều nguồn lực lúc ban đầu mà cần giải pháp công nghệ gắn với nhu cầu cuộc sống, thế là đủ để làm nên “đế chế”.
Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông từng thành công trên thị trường trò chơi, cho thấy người Việt cũng có thể “so kè” với thế giới. Chính vì thế mà với Luật Hỗ trợ DNNVV, rất nhiều kỳ vọng được đặt ra và nó có thể là một bước đầu tiên cho những thành công của DN Việt, để những thương hiệu Việt có thể tiến ra thế giới.
Vóc dáng Chính phủ kiến tạo có thể nhìn thấy từ đây, với việc phân định vai trò nhà nước bên cạnh các lực lượng xã hội khác để cùng hỗ trợ DNNVV. Cho nên, nếu luật được “làm đến nơi, đến chốn”, tạo hiệu ứng như vậy, thì nguồn lực xã hội mới đi đúng hướng, mới không lãng phí năng lực xã hội.
Hình thành nên 1 triệu DN có thể chỉ là bước đệm cho một giai đoạn phát triển nhanh hơn nữa của lực lượng DN Việt Nam, từ những quan điểm và chủ trương hỗ trợ như tại Luật Hỗ trợ DNNVV này.