Cục Thuế Hà Nội: Cần tập trung hơn nữa vào nhiệm vụ thu
Chiều 10/7, Cục Thuế Hà Nội tổ chức hội nghị sơ kết công tác thuế 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017.
Thu đạt trên 50%
Báo cáo tại đây, ông Mai Sơn - Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội cho biết: Xác định việc thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2017 là hết sức khó khăn, ngay từ đầu năm, Cục Thuế đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thu NSNN đến từng phòng, chi cục thuế, từng đội thuế và toàn thể các cán bộ công chức (CBCC). Cục Thuế cũng đã giao nhiệm vụ thu NSNN năm 2017 đối với từng đồng chí trưởng, phó phòng, chi cục trưởng, phó chi cục trưởng nhằm gắn trách nhiệm của lãnh đạo với từng khoản thu, số thu do mình phụ trách, trên cơ sở đó triển khai tới từng CBCC.
Do đó, kết quả tình hình thực hiện nhiệm vụ thu 6 tháng đầu năm đã đạt được kết quả khả quan. Tổng thu ngân sách thực hiện là 93.931 tỷ đồng, đạt 50,1% dự toán pháp lệnh, tăng 18% so cùng kỳ.
Về công tác thanh, kiểm tra thuế, chống thất thu ngân sách, 6 tháng đầu năm, đơn vị đã hoàn thành 8.155 cuộc thanh, kiểm tra, đạt 44,8% kế hoạch và tăng 79,6% so cùng kỳ; xử lý truy thu, truy hoàn và phạt 1.168 tỷ đồng, tăng 6,9% so cùng kỳ; giảm lỗ 1.167 tỷ; giảm khấu trừ 134,6 tỷ đồng.
Cục Thuế Hà Nội đã triển khai đề án và hoàn thành việc dán tem đối với 100% các cây xăng trên địa bàn (306 doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu với 484 cửa hàng, cây xăng); thực hiện thông báo qua tin nhắn tới 13.422 chủ tài khoản của cá nhân kinh doanh trên các trang mạng xã hội để các cá nhân tự rà soát, xác định, hiểu rõ trách nhiệm trong việc thực hiện kê khai, nộp thuế, đồng thời hỗ trợ các cá nhân thực hiện đăng ký theo quy định, tránh các rủi ro về thuế sau này và bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực.
Đặc biệt, xác định vấn đề nợ thuế vẫn là một trong những thách thức lớn nên ngay trong tháng 1/2017, Cục Thuế đã chỉ đạo các đơn vị triển khai quyết liệt các biện pháp đôn đốc và cưỡng chế nợ thuế theo đúng quy định, quy trình, đặc biệt tập trung vào các đối tượng có số nợ lớn và các khoản nợ có khả năng thu; rà soát, xác định và phân loại chính xác số nợ theo từng tiêu chí đúng quy định; thường xuyên phân tích thực trạng tình hình tài chính, dòng tiền của các DN nợ thuế để tập trung đôn đốc kịp thời.
Kết quả 6 tháng đầu năm, số lượng quyết định cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản tăng 11,5% so với cùng kỳ; cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không có giá trị sử dụng tăng 85,5% so với cùng kỳ. Số nợ thu được 6 tháng đầu năm đã thu được là 6.445 tỷ đồng; thực hiện công khai 6 đợt danh sách của 792 đơn vị nợ tiền thuế phí, tiền thuê đất với tổng số tiền là 2.793 tỷ.
Việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp, giải pháp nêu trên đã góp phần giảm 8% số nợ khả năng thu tại thời điểm 30/6/2017 so với thời điểm 31/12/2016.
Lưu ý chống chuyển giá
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn và ông Nguyễn Doãn Toản - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội - ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những kết quả tích cực mà Cục Thuế Thủ đô đã đạt được trong 6 tháng qua.
Theo đại diện lãnh đạo TP. Hà Nội, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm vẫn còn khá nặng nề khi số thu NSNN của nhiều khoản vẫn chưa đạt dự toán. Cơ quan Thuế Hà Nội cần nhìn nhận cụ thể đề đưa ra những giải pháp phù hợp. Cùng với đó, tiếp tục các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN thông qua tổ chức đối thoại, đi sâu vào tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc của DN để kịp thời tháo gỡ, tạo điều kiện cho DN phát triển, từ đó tạo ra nguồn thu bền vững cho ngành Thuế. Trong quá trình ghi nhận, những khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, Cục Thuế Hà Nội cần kịp thời báo cáo Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính và lãnh đạo TP. Hà Nội để tìm giải pháp.
Ông Toản chơ rằng: Cơ quan Thuế cần tiếp tục đôn đốc thu nợ bằng những giải pháp cụ thể như thường xuyên rà soát số lượng DN để cùng các ngành, báo cáo UBND thành phố để mời DN lên gặp mặt, lắng nghe kiến nghị và đôn đốc.
Đồng tình, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh thêm: Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nợ đọng cần phải quan tâm đến việc triển khai Nghị định số 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết. Hiện nay, số lượng các DN có vốn đầu tư nước ngoài ttrên địa bàn khá lớn nhưng đóng góp với địa phương chưa tương xứng với quy mô đầu tư cũng như những ưu đãi đã được hưởng. Do đó, Thứ trưởng đề nghị tập trung triển khai việc chống chuyển giá để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn, nâng cao sức đấu tranh của cơ quan Thuế.
Ngoài ra, nhằm thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công, cũng nhằm cải cách và tạo thuận lợi hơn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, Cục Thuế Hà Nội cần phải làm tốt vai trò tham mưu, giúp UBND thành phố, các sở, ban, ngành và hiệp hội DN đóng góp vào quá trình xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung 5 luật về thuế.
Ngoài ra, các nhiệm vụ khác như chuyển sử dụng hóa đơn truyền thống sang điện tử; hoàn thành hoàn thuế điện tử mức độ 4 đạt 100%; tham mưu xây dựng chế độ kế toán hỗ trợ hộ kinh doanh0 lên DN; cụ thể hóa ứng dụng công nghệ thông tin; khắc phục việc chưa cập nhật kịp thời cơ sở dữ liệu để chuyển sang quản lý rủi ro; xây dựng cơ quan Thuế điện tử góp phần xây dựng chính quyền điện tử; điện tử hóa các hoạt động nội bộ,...cũng cần được đẩy mạnh triển khai.
Lãnh đạo Bộ Tài chính và lãnh đạo TP. Hà Nội đều tin tưởng rằng, với tinh thần đoàn kết, nhất trí, sáng tạo, Cục Thuế Hà Nội sẽ hoàn thành nhiệm vụ được giao trong năm 2017.