Cục Thuế Hải Dương: Nỗ lực kéo giảm nợ thuế
Dù còn nhiều tồn tại và khó khăn trong công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế nhưng Cục Thuế Hải Dương đã đề ra nhiều giải pháp trọng tâm và phấn đấu đến hết tháng 12 nợ thuế không vượt quá 8% so với tổng số thực thu vào ngân sách nhà nước năm 2023.
Xử lý được 1.917,7 tỷ đồng từ đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế
Trong những tháng đầu năm, Cục Thuế Hải Dương đã thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý nợ nhằm đôn đốc thu hồi kịp thời cho ngân sách và hạn chế thấp nhất số nợ mới phát sinh.
Theo thống kê, tổng số tiền thuế nợ ước tính thời điểm 30/6/2023 là 2.311,1 tỷ đồng (so với thời điểm 31/12/2022 tăng 1.285,8 tỷ đồng). Trong đó, nợ có khả năng thu là 2.100 tỷ đồng (so với thời điểm 31/12/2022 tăng 1.322,4 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ tăng là 270%).
Cục Thuế Hải Dương cho biết, số nợ tăng chủ yếu là tiền sử dụng đất và tiền thuê đất của các dự án và tiền thuê đất kỳ 1 năm 2023 của các doanh nghiệp đã gửi đề nghị gia hạn những chưa được xử lý.
Về kết quả đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế, ước 6 tháng đầu năm 2023, Cục Thuế thu và xử lý được 1.917,7 tỷ đồng.
Đối với việc xử lý nợ theo Nghị quyết số 94/2019/QH14, tính đến ngày 31/5/2023, Cục Thuế tỉnh Hải Dương đã thực hiện xong việc khoanh nợ đối với các đối tượng đủ điều kiện khoanh nợ. Cụ thể, đơn vị này đã xử lý khoanh nợ cho 9.958 người nộp thuế với số tiền là 548.5 tỷ đồng.
Cùng với đó, số quyết định xóa nợ đã ban hành lũy kế đến hết tháng 5/2023 là 823 quyết định cho 4.865 người nộp thuế với tổng số tiền thuế được xóa là 135,5 tỷ đồng.
Hiện tại, Cục thuế tỉnh Hải Dương đã có 5 văn bản đề nghị UBND Tỉnh ban hành quyết định xóa nợ cho 40 người nộp thuế với số tiền đề nghị xóa là 6,7 tỷ đồng và có 4 văn bản đề nghị Tổng cục Thuế trình cấp có thẩm quyền ban hành quyết định xóa nợ cho 04 người nộp thuế với số tiền đề nghị xóa là 45,6 tỷ đồng. Các trường hợp còn lại đang rà soát và không đủ điều kiện xóa nợ theo Công văn số 2136/TCT-QLN ngày 30/5/2023 của Tổng cục Thuế.
Theo Cục Thuế Hải Dương, những hạn chế, tồn tại trong công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế chủ yếu liên quan đến tình hình sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế. Dù đại dịch COVID-19 đã được kiểm soát, tuy nhiên hệ lụy của nó vẫn còn ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp khó khăn về tình hình tài chính, dẫn đến phát sinh tiền nợ thuế.
Đối với các dự án đầu tư hạ tầng khu dân cư, khu đô thị nguồn vốn đầu tư, sản xuất kinh doanh chủ yếu dựa vào nguồn vốn vay của ngân hàng, tuy nhiên 6 tháng đầu năm các doanh nghiệp chưa tiếp cận được nguồn vốn vay, do vậy chưa có nguồn để đầu tư và nộp tiền sử dụng đất và tiền thuê đất.
Tập trung rung đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế, cưỡng chế nợ thuế
Cục Thuế Hải Dương cho biết, trong những tháng cuối năm, đơn vị sẽ tập trung đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế và thực hiện cưỡng chế nợ thuế đối với các doanh nghiệp không chấp hành nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước, đối với các khoản thuế nợ trên 90 ngày.
Cục Thuế sẽ tăng cường chỉ đạo, phối kết hợp với các Chi cục thuế đôn đốc các doanh nghiệp còn nợ tiền sử dụng đất và tiền thuê đất của các dự án nộp vào ngân sách nhà nước trong năm 2023, áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ thuế và công khai thông tin tình trạng nợ đọng của các dự án trên Báo, Đài và trên Website ngành Thuế.
Cục Thuế Hải Dương cũng sẽ rà soát các khoản nợ thuế, phối kết hợp với các phòng chức năng trên văn phòng Cục, các Chi cục Thuế xử lý các khoản nợ ảo, nợ chưa bù trừ để xem xét phân loại nợ, điều chỉnh nợ cho người nộp thuế.
Đồng thời, triển khai thực hiện và đôn đốc, hướng dẫn các Chi cục thuế thực hiện quy trình Quản lý nợ và quy trình Cưỡng chế nợ thuế, xử lý các hồ sơ liên quan đến công tác nợ thuế như xóa nợ, gia hạn nợ, không tính tiền chậm nộp, miễn tiền chậm nộp...
Cục Thuế Hải Dương phấn đấu tổng số tiền thuế nợ tại thời điểm 31/12/2023 không vượt quá 8% so với tổng số thực thu vào ngân sách nhà nước năm 2023 (trong đó tổng số nợ về thuế và phí không vượt quá 5%). Phấn đấu thu đạt chỉ tiêu 80% các khoản nợ có khả năng thu năm 2022 chuyển sang trong năm 2023.