Đã cắt giảm, đơn giản hóa 2.189 quy định kinh doanh
Phát biểu tại Phiên họp thứ tư Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ sáng 19/4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo cho biết, đến nay, các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa 2.189 quy định kinh doanh tại 175 văn bản quy phạm pháp luật.
Con số “biết nói” về cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số
Theo Bộ trưởng Trần Văn Sơn, thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn quan tâm, coi trọng việc cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải thiện môi trường kinh doanh gắn với chuyển đổi số quốc gia, phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN) với nguyên tắc “Lấy con người là trung tâm, cải cách dẫn dắt, công nghệ hỗ trợ thúc đẩy”. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, chiến lược, chương trình về CCHC, chuyển đổi số quốc gia phục vụ người dân, DN.
Thông tin về cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, Người đứng đầu Văn phòng Chính phủ cho biết, đến nay, các bộ đã công khai, cập nhật hơn 17.800 quy định về kinh doanh, gần 150 quy định chuẩn bị ban hành và cắt giảm, đơn giản hóa hơn 1.000 quy định trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh.
Bên cạnh việc cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, công tác chuyển đổi số trong thực hiện TTHC cũng đạt được những kết quả tích cực. Đến nay, có 25,9% kết quả giải quyết TTHC được cấp bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng, tăng 5 lần so với tháng 9/2022; 62,7% hồ sơ TTHC được số hóa, trong đó có 25% được số hóa từ khâu tiếp nhận đến trả kết quả, tăng 4 lần so với tháng 9/2022. Một số bộ, ngành, địa phương triển khai tốt công tác này như: Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Hải Dương, Hà Nam, Quảng Ninh, Bắc Giang, Quảng Trị, Lâm Đồng…
Đẩy mạnh tái cấu trúc quy trình, giải quyết TTHC trên môi trường điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến... đến nay đã có 62/63 địa phương và 10/21 bộ, ngành thực hiện hợp nhất Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử; Cung cấp hơn 4.400 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia…
Cùng với đó, TTHC đã được công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân giám sát. Đến nay, đã thực hiện công khai hơn 6.400 TTHC. Định kỳ hàng tháng, nhiều bộ, ngành, địa phương đã công khai danh sách cơ quan, tổ chức, cá nhân chậm muộn trong giải quyết TTHC, dịch vụ công, 100% hồ sơ TTHC để chậm, muộn có báo cáo giải trình với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và thực hiện xin lỗi người dân...
Còn tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm
Bên cạnh kết quả đạt được, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cũng thẳng thắn nêu một số tồn tại, hạn chế trong cải cách TTHC.
Đó là, nhiều TTHC còn nhiều rào cản (nhất là những TTHC trong nội bộ cơ quan hành chính nhà nước, TTHC về đất đai, giải phóng mặt bằng, đầu tư công, phòng cháy chữa cháy, cấp phép xây dựng, lý lịch tư pháp…); 19 nghị quyết chuyên đề về đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư chưa hoàn thành việc thực thi.
Việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh còn chậm. Một số bộ chưa trình Thủ tướng Chính phủ phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh. Một số bộ, ngành, địa phương chưa khai thác hiệu quả Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh, chưa tích cực phản hồi ý kiến của người dân, DN.
Việc ban hành quy trình nội bộ trong giải quyết TTHC và nâng cấp hệ thống thông tin giải quyết TTHC tại một số bộ, ngành, địa phương còn chậm; Tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp, còn tình trạng làm thay, làm hộ người dân nộp hồ sơ TTHC trên môi trường điện tử; Việc áp dụng chữ ký số công cộng đối với người dân khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến còn chưa cao...
“Thực tế vẫn còn tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, thiếu chủ động, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền ở một số bộ, cơ quan, địa phương và một bộ phận cán bộ, công chức; đẩy việc lên cơ quan cấp trên hoặc sang các bộ, cơ quan khác… dẫn đến quá trình xử lý công việc bị kéo dài, gây cản trở và làm giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp...” Bộ trưởng Trần Văn Sơn nhấn mạnh.
Ngoài ra còn một số hạn chế khác như: Hệ thống công nghệ thông tin chưa đồng bộ và mức độ sẵn sàng về ứng dụng công nghệ thông tin giữa các bộ, ngành, địa phương chưa đồng đều; Việc kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu còn nhiều hạn chế; Nguồn lực cho việc triển khai còn gặp khó khăn...
Đẩy mạnh cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, cũng như đẩy mạnh cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số phục vụ người dân, DN, theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục hoàn thiện thể chế, kịp thời rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách để tạo hành lang pháp lý đồng bộ, bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa cải cách TTHC với chuyển đổi số quốc gia.
Cùng với đó, tập trung triển khai thực thi các phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh, phương án phân cấp trong giải quyết TTHC đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tiếp tục rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh, đơn giản hóa TTHC nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước.
Đồng thời, đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; tái cấu trúc quy trình, giải quyết TTHC trên môi trường điện tử, thực hiện TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Khẩn trương hoàn thiện các hệ thống, hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu triển khai và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin; đẩy mạnh kết nối, tích hợp, chia sẻ các thông tin, dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành và giải quyết TTHC, dịch vụ công.
Bên cạnh các giải pháp trên, cần tiếp tục tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các nội dung văn bản về cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh, gắn với chuyển đổi số phục vụ người dân, DN...