Đã yên tâm với giám sát ngân hàng?
Trước tòa, các bị cáo từng một thời là lãnh đạo cấp cao của các ngân hàng đều tỏ ra ân hận với những sai phạm gây hậu quả nghiêm trọng. Thực tế, những hành vi vi phạm này đã bắt đầu từ nhiều năm trước đó song không được ngăn chặn kịp thời. Đẩy mạnh chức năng giám sát và minh bạch trong hệ thống ngân hàng được nhìn nhận là giải pháp căn bản để tránh lặp lại những vụ việc đáng tiếc.
Thực trạng giám sát đã được cải thiện
Quan sát diễn biến các vụ án trong ngành ngân hàng thời gian qua, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO nói: “Rõ ràng là việc giám sát hoạt động của lĩnh vực này chưa được thực hiện một cách chặt chẽ, đúng mức trong nhiều năm trước. Mặt khác, cũng không thể phủ nhận là trong giai đoạn đó, nhiều chính sách thực sự còn bất cập và nhiều kẽ hở. Trong khi đó, các doanh nghiệp luôn tìm cách tận dụng, xé rào các quy định để hưởng lợi. Tuy nhiên, điều này đã được cải thiện trong những năm gần đây với nhiều chính sách rõ ràng hơn, có tính cảnh báo tốt hơn và đã xử lý đáng kể những điểm hạn chế của hoạt động thanh tra và giám sát trước đó”.
Đồng tình với ý kiến này, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng - cho rằng: “Với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, đòi hỏi bức thiết về việc lành mạnh hóa hoạt động của từng ngân hàng, hệ thống giám sát trong nội bộ ngân hàng và chức năng giám sát của cơ quan quản lý chắc hẳn đã được cải thiện trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, hình ảnh các lãnh đạo cấp cao của ngân hàng phải đứng trước tòa sẽ là lời cảnh tỉnh đòi hỏi chức năng giám sát phải luôn được chú trọng và thường trực trong hoạt động của cả hệ thống”, ông Hiếu nói.
Bắt đầu từ công khai, minh bạch
Khi những vụ sai phạm đang đi đến giai đoạn cuối của quá trình xét xử, giới quan sát nhìn nhận, đây là bài học đáng nhớ trong lĩnh vực ngân hàng và cần có cách giải quyết hiệu quả.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ông Trương Thanh Đức cho rằng, điều cần làm trước hết là tăng tính công khai minh bạch trong lĩnh vực này bởi việc này có thể góp phần tăng cường chức năng giám sát, không chỉ của cơ quan nhà nước mà còn của cả giới nghiên cứu và dư luận.
Vẫn theo ông Đức, vấn đề đáng ngại nhất trong hệ thống ngân hàng hiện nay chính là tình trạng sở hữu chéo. Một vài con số về số lượng các cặp sở hữu chéo giữa các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp đã được đưa ra, song danh tính các cặp sở hữu này vẫn không được công bố.
“Việc công khai rõ tình trạng này có thể làm tăng sức ép, thêm sự giám sát từ nhiều phía, từ đó, góp phần hạn chế các hành vi sai phạm. Mặt khác, cũng cần công khai cụ thể xếp hạng của từng ngân hàng để người dân biết được mức độ tin cậy. Đồng thời, rà soát kỹ lưỡng các chính sách để bịt các kẽ hở có thể lạm dụng và phát sinh sai phạm gây hậu quả đáng ngại”, ông Đức nói.
Cùng quan điểm về việc cần phải tăng cường giám sát từ điểm gốc là sự công khai minh bạch, ông Hiếu cho rằng, cơ quan chức năng tăng cường quản lý hoạt động của ngân hàng và bản thân các ngân hàng cũng phải chú trọng nâng cấp chức năng giám sát nội bộ.
Từ phía các ngân hàng, để hoạt động thật sự lành mạnh, việc cần làm đầu tiên là siết chặt quản lý. Điều này có thể được thực hiện từ việc tổ chức đại hội cổ đông một cách dân chủ và minh bạch với các báo cáo tài chính trung thực hơn. Sự minh bạch và chặt chẽ từ cả hai phía này không chỉ góp phần giúp hoạt động ngân hàng lành mạnh hơn, mà còn tạo niềm tin cho toàn xã hội về lĩnh vực này”, ông Hiếu nói.