Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 5 Luật thuế:
Đảm bảo tính công bằng, giảm gánh nặng cho người nghèo
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 5 Luật thuế đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến đóng góp rộng rãi trong xã hội. Với nhiều đổi mới mang tính đột phá, dự thảo Luật đã và đang thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận. Để hiểu rõ hơn về những đạo lý trong sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật, Phóng viên TCTC đã có cuộc phỏng vấn PGS.,TS Lê Xuân Trường – Chuyên gia về Thuế.
Phóng viên: Hiện nay, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 5 Luật thuế. Dưới góc độ là chuyên gia độc lập, Ông đánh giá như thế nào về dự thảo luật sửa đổi lần này?
PGS.,TS. Lê Xuân Trường |
PGS.,TS. Lê Xuân Trường: Xét một cách tổng thể, Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung các luật thuế lần này (Dự thảo Luật) là thực sự cần thiết, nếu được thông qua, sẽ có nhiều tác động tích cực đến đời sống kinh tế - xã hội cả trong thời gian trước mắt và những năm tới.
Dự thảo Luật đề xuất sửa đổi nhiều nội dung quan trọng của các luật thuế hiện hành, cả về phạm vi điều chỉnh, thuế suất, cơ sở thuế và ưu đãi thuế.
Các nội dung sửa đổi, bổ sung hướng đến mục tiêu tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi hơn nữa cho sự phát triển của sản xuất, kinh doanh; tái cấu trúc thu ngân sách cho phù hợp với điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đặc biệt là thực hiện lộ trình giảm thuế của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC); tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện các luật thuế; đảm bảo tính thống nhất giữa các luật thuế với nhau và với các văn bản pháp luật khác và đảm bảo tính phù hợp với thông lệ quốc tế của hệ thống thuế Việt Nam...
Có thể nói, các sửa đổi, bổ sung lần này cũng đảm bảo sự hài hòa giữa các tiêu chuẩn có tính trái chiều nhau của hệ thống thuế là tính công bằng và tính hiệu quả.
Vậy những đổi mới mang tính đột phá, không chỉ tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, mà còn đáp ứng yêu cầu hội nhập của các quy định sửa đổi thể hiện như thế nào, thưa ông?
Có nhiều đề xuất như vậy. Trước hết, đó là đề xuất về chuyển “Phân bón, máy móc thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, tàu đánh bắt cá xa bờ...” từ diện không chịu thuế GTGT sang diện chịu thuế GTGT ở mức thuế suất 5%. Với đề xuất này, các cơ sở sản xuất, kinh doanh những mặt hàng này từ chỗ không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào sẽ được khấu trừ và hoàn thuế GTGT.
Đặc biệt, Dự thảo Luật đã đề xuất bổ sung quy định hoàn thuế cho cơ sở kinh doanh mặt hàng áp dụng thuế suất 5% có lũy kế thuế GTGT đầu vào chưa khấu trừ hết từ 12 tháng trở lên; bãi bỏ quy định không hoàn thuế GTGT đối với sản phẩm được sản xuất từ tài nguyên khoáng sản mà tổng giá trị tài nguyên khoáng sản và chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên.
Qua đó, tạo thuận lợi cho lĩnh vực sản xuất quan trọng này. Các đề xuất về đơn giản hóa thủ tục quyết toán thuế TNCN cũng giúp người dân kê khai, nộp thuế thuận lợi hơn.
Một trong những "đạo lý" tại dự thảo Luật đang thu hút sự quan của doanh nghiệp là tinh thần "khoan sức doanh nghiệp" qua việc điều chỉnh hạ mức thuế suất thuế TNDN. Ông có thể phân tích kỹ hơn về những lợi ích mà DN sẽ được hưởng từ việc sửa đổi này?
Dự thảo Luật đề xuất áp dụng thuế suất thấp 15% đối với doanh nghiệp siêu nhỏ và 17% với doanh nghiệp (DN) nhỏ (thuế suất phổ thông là 20%). Với đề xuất này, các DN nhỏ và siêu nhỏ sẽ được giảm từ 3% đến 5% thuế TNDN. Như vậy, với đề xuất này, DN siêu nhỏ được giảm tới một phần tư số thuế TNDN phải nộp.
Đây chính là một động thái quan trọng hỗ trợ các DN nhỏ và siêu nhỏ tồn tại và phát triển trong môi trường cạnh tranh hiện nay. Cùng với một số hỗ trợ về miễn thuế, giảm thuế đối với cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung hỗ trợ DN nhỏ và vừa khởi nghiệp.
Quy định này sẽ góp phần thúc đẩy nhà đầu tư tạo cơ sở hạ tầng để thu hút các DN siêu nhỏ, DN nhỏ và vừa vào hoạt động, tiết giảm chi phí cho DN và hỗ trợ những dịch vụ thiết yếu ban đầu trong quá trình mới thành lập, qua đó, góp phần tạo thuận lợi hơn cho khởi sự kinh doanh, hỗ trợ phát triển các DN khởi nghiệp.
Theo ông, những đề xuất cụ thể nào trong Dự thảo Luật thể hiện rõ quan điểm đảm bảo tính công bằng của hệ thống thuế, giảm gánh nặng thuế cho người nghèo?
Tại dự thảo sửa đổi đã đưa vào nhiều đề xuất để đảm bảo tính công bằng, giảm gánh nặng cho người nghèo. Cụ thể đề xuất tăng thuế suất thuế TTĐB của xe ô tô vừa chở người vừa chở hàng (xe bán tải). Đề xuất này đảm bảo công bằng trong đánh thuế TTĐB giữa những người sử dụng xe tô tô có tính năng tương tự và góp phần điều tiết thu nhập của người thu nhập trung bình khá trở lên trong xã hội.
Đề xuất điều chỉnh biểu thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công cũng góp phần làm giảm gánh nặng thuế cho người có thu nhập trung bình và trung bình thấp, tăng điều tiết đối với người giầu. Đề xuất đánh thuế lũy tiến đối với thu nhập từ trúng thưởng cũng góp phần điều tiết hợp lý thu nhập của những người trúng thưởng xổ số ở mức rất lớn (hiện nay chỉ thu một mức duy nhất là 10%).
Như vậy, có thể thấy, đề xuất lần này đã có tính toán kỹ để hướng đến một hệ thống thuế công bằng hơn. Việc tăng thuế suất thuế GTGT với những mặt hàng thông thường từ 10% lên 12% không làm ảnh hưởng lớn đến tính công bằng của hệ thống thuế vì đã có nhiều quy định khác bù lại.
Cần lưu ý là, các mặt hàng rất thiết yếu vẫn nằm trong danh mục không chịu thuế GTGT và trong danh mục chịu thuế suất 5% chứ không phải ở danh mục đề xuất tăng lên thuế suất 12%.
Xin cảm ơn ông!