Dán tem đồng hồ đo xăng: Số thuế nộp ngân sách tăng bình quân trên 10%

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thủy – Phó Vụ trưởng Vụ Doanh nghiệp lớn – Tổng cục Thuế cho biết, xét trên bình diện tổng thể, việc dán tem niêm phong đồng hồ tổng tại các cơ sở kinh doanh xăng dầu là một giải pháp hiệu quả, phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Cần tiếp tục tổ chức triển khai mạnh trong vài năm tới. Chỉ tính trong 3 tháng đầu năm 2017, qua việc dán tem, số thuế nộp ngân sách nhà nước (NSNN) tăng bình quân trên 10% so với cùng kỳ.

PV: Trong thời gian qua, Chính phủ và Bộ Tài chính cũng như các cấp các ngành đã có nhiều biện pháp để tăng cường quản lý đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, trong đó có việc chống thất thu thuế đối với hoạt động này. Xin ông cho biết, chủ trương trên đã được ngành Thuế tiến hành như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Thủy: Cuối năm 2016, lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, đặc biệt là Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã chỉ đạo sâu sát ngành Thuế nghiên cứu tham mưu giải pháp quản lý hiệu quả đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Sau khi xem xét, nghiên cứu giải pháp dán tem niêm phong đồng hồ tổng đo đếm lượng xăng tiêu thụ tại từng cột xăng của các cửa hàng xăng dầu được áp dụng tại địa bàn tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Nghệ An, theo sáng kiến của Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng và Nghệ An, lãnh đạo Bộ Tài chính đã đánh giá đây là giải pháp hiệu quả, phù hợp và đã chỉ đạo cần được nhân rộng áp dụng trong phạm vi toàn quốc.

Tháng 9/2016, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có văn bản gửi chủ tịch các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị phối hợp chỉ đạo công tác quản lý đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu thông qua giải pháp dán tem niêm phong đồng hồ tổng các cây xăng trên địa bàn tỉnh. Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế đã có văn bản chỉ đạo cục trưởng cục thuế các tỉnh khẩn trương phối hợp, tham mưu, báo cáo UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch triển khai dán tem các cây xăng trên địa bàn tỉnh.


Dán tem đồng hồ đo xăng: Số thuế nộp ngân sách tăng bình quân trên 10% - Ảnh 1

Ông Nguyễn Văn Thủy


PV: Vậy, tình hình triển khai giải pháp dán tem kể từ khi Bộ trưởng Bộ Tài chính có văn bản gửi chủ tịch UBND các tỉnh phối hợp đến nay ra sao, và kết quả bước đầu được phản ánh như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Thủy: Cho đến nay, tiến độ triển khai dán tem niêm phong đồng hồ đo đếm lượng xăng tiêu thụ từng cột xăng của các cửa hàng xăng dầu trong cả nước là rất nhanh, đồng bộ.  Chỉ tính đến ngày 22/3/2017 cả nước đã có 30 tỉnh hoàn thành việc dán tem tất cả các cây xăng trên địa bản tỉnh, có 15 tỉnh đang tổ chức dán. Dự kiến đến hết tháng 3/2017 có 45 tỉnh hoàn thành dán tem các cây xăng trên địa bàn tỉnh.

Có 13 tỉnh, thành phố đã được UBND tỉnh đồng ý, phê duyệt kế hoạch dán tem, cục thuế và các cơ quan chức năng của tỉnh đang khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết về công tác hậu cần như tổ chức lực lượng, đặt in tem… 

Hiện chỉ còn cục thuế 5 tỉnh đang phối hợp với các sở, ban ngành của địa phương để trình UBND tỉnh phê duyệt. Việc hưởng ứng thực hiện dán tem của các tỉnh nêu trên cho thấy đây là một giải pháp tốt, phù hợp trong bối cảnh hiện tại và cần được tiếp tục tổ chức thực hiện và sớm hoàn thành trên phạm vi cả nước.

Qua khảo sát và làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có thị phần lớn, nhiều cây xăng như: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty dầu Việt Nam, Saigon Petrol… đều rất ủng hộ giải pháp dán tem. Thực tế cho thấy việc dán tem không làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các cửa hàng, công ty kinh doanh xăng dầu.

Đối với các tỉnh tổ chức dán, hoàn thành sớm trên 3 tháng kết quả ghi nhận về số lượng tiêu thụ và số thuế nộp NSNN tăng bình quân trên 10% so với cùng kỳ năm trước, cá biệt có tỉnh tăng trên 20%. Như vậy, hiện tại giải pháp dán tem đã trở thành giải pháp hiệu quả đối với công tác chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.

PV: Với kết quả bước đầu khả quan như vậy, dự tính giải pháp này có tiếp tục thực hiện trong những năm tới và định hướng có tính tổng thể, lâu dài, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Thủy: Xét trên bình diện tổng thể thì đây là một giải pháp hiệu quả, phù hợp trong bối cảnh hiện nay, cần tiếp tục tổ chức triển khai mạnh trong vài năm tới. Mặc dù giải pháp dán tem đồng hồ đo xăng dầu chưa phải là một giải pháp toàn diện nhưng thực tiễn hiện nay vẫn chứng minh là giải pháp khả thi, hiệu quả được doanh nghiệp, người tiêu dùng ủng hộ nên cần có sự đồng tình và chỉ đạo sát sao từ phía UBND các tỉnh.

Về lâu dài và ngay từ bây giờ, các địa phương cần thiết phải nghiên cứu áp dụng các ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư hệ thống, thiết bị và chuẩn bị cơ sở pháp lý để áp dụng hóa đơn điện tử (đáp ứng đúng tinh thần của Nghị quyết 36a/NQ-CP về chính phủ điện tử, Nghị quyết 19/NQ-CP) đến các cửa hàng, chi nhánh, công ty kinh doanh xăng dầu và thực hiện kết nối dữ liệu hóa đơn điện tử đến cơ quan thuế.

Để hoàn thiện đề án dán tem xăng dầu, lãnh đạo Bộ Tài chính đang chỉ đạo Tổng cục Thuế,  sớm có giải pháp hỗ trợ và chỉ đạo các cục thuế hoàn thành việc dán tem trên địa bàn 63 tỉnh, thành phố. Đồng thời, chuẩn hóa và đồng bộ các tiêu chí đánh giá để phản ánh khách quan, chính xác kết quả do công tác dán tem mang lại và sớm thực hiện sơ kết, đánh giá việc dán tem trên phạm vi toàn quốc để khắc phục những tồn tại, hoàn thiện đề án dán tem.

PV: Xin cảm ơn ông!