Thu hút vốn đầu tư nước ngoài: Cần chọn lọc để giảm thiểu những ảnh hưởng bất lợi

Theo TBKTSG

Khép lại năm 2018, tổng nguồn vốn ngoại cam kết vào Việt Nam được đánh giá không thay đổi nhiều so với năm 2017, đạt gần 35,5 tỷ đô la Mỹ, nhưng có xu hướng tăng cao qua hình thức mua cổ phần, thâu tóm doanh nghiệp trong nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Các nhà đầu tư trực tiếp cũng không còn xem Việt Nam là nơi có chi phí sản xuất thấp nên để tiếp tục thu hút nguồn vốn này trong thời gian tới thì cần có đột phá.

Sức hút nhà đầu tư Nhật, Hàn

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong năm 2018, các nhà đầu tư từ Nhật Bản và Hàn Quốc đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam, chiếm đến gần 45% tổng vốn cam kết.

Về các nhà đầu tư Nhật Bản, Tập đoàn Hoya Lens vừa quyết định rót 138 triệu đô la Mỹ để xây dựng cơ sở sản xuất tròng mắt kính tại khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi. Trong khi đó, Asahi Group Foods - một thành viên thuộc Asahi Group Holdings – tập đoàn chuyên về đồ uống và thực phẩm có tuổi đời hơn 130 năm, vừa bắt tay với Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng NutiFood thành lập một liên doanh 50:50 để đưa các sản phẩm dinh dưỡng trẻ em tiêu chuẩn Nhật Bản vào thị trường Việt Nam.

Ông Shoyama Katsuo - Chủ tịch của Asahi Group Foods, nhìn nhận tiềm năng lớn của thị trường sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ em ở Việt Nam khi thu nhập của người dân tăng và các sản phẩm dinh dưỡng cao cấp dành cho trẻ em và phụ nữ mang thai ngày càng được ưa chuộng.

Cùng với Hoya và Asahi, trong năm 2018, các doanh nghiệp từ xứ sở hoa anh đào đã vượt qua 111 quốc gia và vùng lãnh thổ khác có dự án đầu tư vào Việt Nam để trở thành nước có vốn cam kết nhiều nhất, đạt 8,59 tỷ đô la, chiếm 24,2% tổng vốn đầu tư nước ngoài.

Trong khi đó, Hàn Quốc duy trì năm thứ hai liên tiếp ở vị trí “á quân”, đạt 7,2 tỷ USD (20,3%). So với Nhật Bản, các nhà đầu tư Hàn Quốc có số dự án đầu tư mới, tăng vốn và mua cổ phần doanh nghiệp Việt Nam vượt xa trong năm 2018.

Cụ thể là 1.043 dự án đầu tư mới, 403 dự án tăng vốn và gần 1.900 dự án góp vốn/mua cổ phần của doanh nghiệp trong nước. Các con số tương ứng của phía Nhật là gần 430, hơn 200 và 585, nhưng Nhật có một vài dự án có nguồn vốn lớn, như dự án phát triển thành phố thông minh tại xã Hải Bối (Hà Nội) với 4,138 tỷ USD do Sumitomo Corporation đầu tư.

Bên cạnh đó, Singapore cũng duy trì ổn định vị trí trong “top 3” với khoảng 5 tỷ USD (14,2%). Nguồn vốn từ Hong Kong và Trung Quốc có sự gia tăng mạnh mẽ và lần lượt chiếm vị trí thứ tư (3,23 tỷ USD) và thứ năm (2,464 tỷ USD).

Chuộng mua cổ phần, thâu tóm doanh nghiệp

Việc nguồn vốn ngoại cam kết năm 2018 duy trì được mức tương đương năm 2017 là nhờ sự gia tăng góp vốn mua cổ phần hoặc thâu tóm doanh nghiệp trong nước. Cũng theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, cả nước có 3.046 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 18 tỷ USD, giảm 15,5%; gần 1.170 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm 7,59 tỷ USD, giảm 9,7%, trong khi vốn mua vừa qua cổ phần gần 6.500 lượt có tổng giá trị lên tới 9,89 tỷ USD, tăng 59,8%.

Những năm gần đây, nhiều nhà đầu tư nước ngoài chọn hình thức đầu tư qua rót vốn vào các doanh nghiệp đã niêm yết hoặc mua lại những doanh nghiệp có thương hiệu tốt là để nhanh chóng thâm nhập thị trường Việt Nam.

Hiện tốc độ tăng trưởng của hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) tại Việt Nam được các chuyên giá đánh giá khá tốt. Số thương vụ có giá trị cao cũng nhiều hơn. Đáng chú ý, năm 2018, Việt Nam đã vượt Singapore về tổng giá trị phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) để trở thành thị trường IPO lớn nhất Đông Nam Á.

Theo dữ liệu từ Công ty Tư vấn Ernst&Young (EY), Việt Nam có 5 vụ IPO huy động tổng cộng 2,6 tỷ USD, trong đó thương vụ phát hành cổ phiếu mang về 1,34 tỷ USD của Công ty Bất động sản Vinhomes là lớn thứ hai trong khu vực.

Xu hướng M&A của các nhà đầu tư quốc tế tại Việt Nam được nhận định sẽ còn gia tăng trong thời gian tới. Theo các luật sư và các chuyên gia tư vấn M&A, những năm gần đây, nhiều nhà đầu tư nước ngoài chọn hình thức đầu tư qua rót vốn vào các doanh nghiệp đã niêm yết hoặc mua lại những doanh nghiệp có thương hiệu tốt là để nhanh chóng thâm nhập thị trường Việt Nam. Hoạt động này diễn ra ở nhiều lĩnh vực khác nhau như bán lẻ, sản xuất hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng, hóa chất, dịch vụ tài chính…

Thu hút vốn chọn lọc và tìm bước đột phá

Sau chặng đường hơn 30 năm thu hút vốn đầu tư nước ngoài, Việt Nam đang có sự nhìn lại để chuyển hướng chiến lược nhằm nâng cao hiệu quả dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) cho giai đoạn tới.

Một trong những mặt hạn chế trong thời gian qua là việc chuyển giao và tiếp thu công nghệ từ các doanh nghiệp FDI không được như kỳ vọng, thậm chí trong một số trường hợp, vẫn tồn tại những công nghệ lạc hậu gây ảnh hưởng tới môi trường. Các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam chủ yếu là gia công lắp ráp, sử dụng lao động giá rẻ, tận dụng các yếu tố đầu vào được ưu đãi để sản xuất hàng xuất khẩu… Trong khi đó, cơ quan quản lý chưa có các giải pháp hiệu quả để nâng cao giá trị gia tăng của Việt Nam trong chuỗi giá trị chung; hiệu ứng lan tỏa những mặt tích cực của các doanh nghiệp FDI tới doanh nghiệp trong nước vẫn thấp.

Thực tế thời gian gần đây cho thấy Việt Nam cũng ngày càng “kém cạnh tranh” so với các nước trong khu vực nếu nhà đầu tư chỉ chú ý so sánh giá lao động và giá thuê đất.

Bà Anna Ho - CEO của Công ty Silstar Machinery (một nhà cung cấp máy móc thiết bị trong ngành sản xuất bao bì nhựa) cho biết, trong bối cảnh nguyên liệu sản xuất của ngành này phụ thuộc từ Trung Quốc, một doanh nghiệp lớn của Trung Quốc đã dừng kế hoạch đầu tư nhà máy sản xuất ở Việt Nam để chọn Campuchia vì giá đất và giá lao động ở Campuchia rẻ hơn.

Hồi trung tuần tháng 1/2019, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì một cuộc họp với các bộ, ngành và địa phương về Đề án định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu và sử dụng vốn FDI đến năm 2030 để báo cáo Bộ Chính trị xem xét thông qua.

Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để thực hiện các mục tiêu phát triển và tạo động lực mới thúc đẩy tăng trưởng dựa trên tăng năng suất, định hướng thu hút và sử dụng FDI phải đảm bảo chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững, khuyến khích đổi mới sáng tạo và liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp trong nước.

Theo ông Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, trong thời gian tới, bên cạnh lựa chọn dự án công nghệ sạch, công nghệ cao, có tính liên kết, chuyển giao tốt, cần có sự thống nhất về quy hoạch phát triển, trong đó, xác định lĩnh vực nào, vùng nào sẽ được dành ưu tiên thu hút vốn ngoại. Các dự án được cấp phép phải đáp ứng những mục tiêu mà Việt Nam hướng đến. Ông Thắng cho rằng cần có chỉ dẫn cụ thể cách sàng lọc cho các địa phương thì mới mong giảm thiểu những ảnh hưởng bất lợi từ nguồn vốn ngoại.