Để Trường Hải quan Việt Nam trở thành Trung tâm đào tạo Hải quan Khu vực châu Á - Thái Bình Dương

ThS. Nguyễn Thị Khánh Hồng - NCS Đại học Liège, Vương Quốc Bỉ, Chuyên viên Tổng cục Hải quan ; ThS. Nguyễn Thị Vĩnh Hoài - Tham tán, Đại diện Hải quan Việt Nam tại WCO ; TS. Nguyễn Hồng Phong - Phó Hiệu trưởng Trường Hải quan Việt Nam (Tổng cục Hải quan) ; ThS. Trần Khánh Yên - Giảng viên Trường Hải

Bài viết này phân tích các cơ hội, thách thức và đề xuất giải pháp đưa Trường Hải quan Việt Nam trở thành Trung tâm đào tạo Hải quan khu vực khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tổ chức Hải quan thế giới. Kết quả phân tích cho thấy, để trở thành Trung tâm đào tạo Hải quan khu vực, Hải quan Việt Nam cần có quyết tâm cao, xây dựng kế hoạch hành động quyết liệt, hoàn thiện cơ chế quản lý, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, nâng cao cơ sở vật chất và tiếp tục bồi dưỡng trình độ, năng lực cho đội ngũ giảng viên.

Khái niệm và vai trò của Trung tâm đào tạo Hải quan khu vực

Trung tâm Đào tạo Hải quan khu vực (RTC) là mô hình Trung tâm đào tạo do Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) công nhận, chuyên đào tạo về lĩnh vực hải quan và phối hợp triển khai các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường năng lực cho các cơ quan Hải quan thành viên dựa trên đặc thù phát triển của từng khu vực. WCO đã triển khai Chiến lược Xây dựng năng lực khu vực từ những năm 2003 nhằm tăng cường sự hiện diện thường trực của WCO, thúc đẩy sự tham gia và hợp tác tích cực của các thành viên, cũng như thiết lập quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế có hoạt động trong lĩnh vực Hải quan. Đến nay, 32 RTCs của WCO đã được thành lập, phân bổ rộng khắp các châu lục, bao gồm: châu Mỹ (01), châu Á - Thái Bình Dương (10), Đông và Nam Phi (04), châu Âu (07), Bắc Phi, Cận và Trung Đông (7), Tây và Trung Phi (03).

Vai trò của RTC được WCO nhấn mạnh là nhằm tăng cường lợi ích của các thành viên của WCO trong việc triển khai các công cụ và chương trình xây dựng năng lực của WCO, cụ thể:

- RTC có vai trò phát triển chương trình đào tạo phù hợp với tính chất, đặc tính khu vực.

- RTC là cơ quan khu vực duy trì đội ngũ chuyên gia và giảng viên được WCO chứng nhận trong các chuyên ngành nghiệp vụ Hải quan.

- Là cơ quan triển khai các hoạt động đào tạo chuyên môn nghiệp vụ hải quan chuyên sâu ở cấp khu vực dựa trên các cuộc khảo sát đánh giá nhu cầu đào tạo hàng năm do Văn phòng xây dựng năng lực khu vực (ROCB) tiến hành.

- RTC có vai trò quan trọng trong việc xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo về nghiệp vụ hải quan, logistics cho doanh nghiệp trong khu vực tư nhân.

Tiêu chuẩn và quy trình công nhận Trung tâm đào tạo Hải quan khu vực

Nhằm đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao về đào tạo trong bối cảnh hiện nay, RTC được công nhận đặt tại các cơ quan hải quan thành viên cần đảm bảo đủ các yếu tố sau đây nhằm hỗ trợ cho các hoạt động đào tạo khu vực một cách hiệu quả.

Cơ sở hạ tầng

RTC cần cung cấp các điều kiện về cơ sở hạ tầng cơ bản như hạ tầng hành chính, đào tạo và hạ tầng thiết yếu liên quan, đảm bảo đồng bộ các điều kiện cơ sở vật chất đáp ứng điều kiện phục vụ tốt nhất cho công tác đào tạo; đáp ứng được các yêu cầu về sử dụng công nghệ thông tin theo phương thức đào tạo mới hiện nay.

Nguồn nhân lực

Việc RTC có nhiều giảng viên quốc tế hay chuyên gia được WCO công nhận tham gia vào các hoạt động đào tạo tại khu vực là một lợi thế lớn. WCO cũng sẵn sàng cung cấp đội ngũ chuyên gia kỹ thuật có kinh nghiệm từ Ban Thư ký WCO để hỗ trợ các hoạt động này.

Ngoài ra, RTC cần có một đội ngũ hỗ trợ công tác hậu cần, công nghệ thông tin thông thạo ngoại ngữ (tiếng Anh hoặc tiếng Pháp) để làm việc với các chuyên gia kỹ thuật của WCO trong quá trình chuẩn bị cho các hoạt động đào tạo.

Kinh phí

RTC là một mô hình đào tạo mang lại nhiều lợi ích về xây dựng năng lực cho các thành viên và có lợi ích tài chính trong các hoạt động đào tạo có thu phí đối với khu vực tư nhân. Tuy nhiên, để được công nhận là RTC, thành viên cũng cần chứng minh năng lực về tài chính nhằm hỗ trợ WCO trong các hoạt động đào tạo tại khu vực đặc biệt là đảm bảo công tác hậu cần. Do đó, RTC phải đảm bảo một nguồn kinh phí cố định hàng năm để hỗ trợ cho các hoạt động đào tạo khu vực dự kiến tổ chức.

Quy trình công nhận

Trước hết, để đảm bảo thực hiện được các hoạt động đào tạo khu vực của WCO, quốc gia thành viên cần có một trung tâm, cơ sở đào tạo hải quan chuyên nghiệp. Tiếp đó, Hải quan thành viên phải tuân theo quy trình công nhận RTC nhất định, gồm 2 bước cơ bản là có Nghị quyết thông qua của các Tổng cục trưởng Hải quan khu vực và ký Biên bản ghi nhớ (MOU) với WCO.

Trước khi trình lên Hội nghị các Tổng cục trưởng khu vực, các tài liệu thuyết minh về RTC cũng như kế hoạch đào tạo hàng năm cần được ROCB và Ban Xây dựng Năng lực của WCO thông qua.

Cơ hội và thách thức mới đặt ra với Trường Hải quan Việt Nam

Áp dụng phân tích SWOT, nhóm tác giả đã chỉ ra điểm mạnh, điểm yết và cơ hội, thách thức để Trường Hải quan Việt Nam (VCS) trở thành RTC khu vực châu Á- Thái Bình Dương.

Điểm mạnh

Thứ nhất, việc trở thành RTC có cơ sở pháp lý và phù hợp với mục tiêu chiến lược quốc gia về hiện đại hoá hải quan.

Chiến lược Phát triển Hải quan đến 2030 yêu cầu Hải quan Việt Nam cần xây dựng cơ sở vật chất hiện đại, phương pháp quản lý đào tạo đạt chuẩn của cơ sở đào tạo cấp khu vực và đội ngũ giảng viên chuyên sâu về kiến thức Hải quan, kỹ năng sư phạm, một số giảng viên cơ hữu và giảng viên kiêm chức được WCO công nhận là giảng viên và chuyên gia của WCO có thể tham gia giảng dạy quốc tế.

“Kế hoạch Cải cách, phát triển hiện đại hoá ngành Hải quan đến 2025” của Bộ Tài chính nhấn mạnh các hoạt động hiện đại hóa Trường Hải quan Việt Nam, xây dựng cơ sở đào tạo chính quy hiện đại có cơ sở vật chất, phương pháp quản lý đào tạo đạt chuẩn của cơ sở đào tạo cấp khu vực.

Thứ hai, Hải quan Việt Nam mong muốn trở thành RTC nhằm đạt được mục tiêu kép là nâng cao nội lực và mở rộng tầm ảnh hưởng quốc tế.

Được công nhận là RTC của WCO là động lực và kỳ vọng nâng tầm đào tạo của VCS đạt chuẩn khu vực và quốc tế, do đó kế hoạch này trở thành một mục tiêu nhất định đạt được trong tương lai gần để góp phần khẳng định vị thế và phát triển của Hải quan Việt Nam.

Thứ ba, VCS có hạ tầng cơ sở đáp ứng yêu cầu đào tạo trong nước và quốc tế.

VCS có trụ sở và cơ sở vật chất và khuôn viên rộng rãi, khang trang đặt tại huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Trường có hệ thống bể bơi, trường bắn, sân bóng, nhà ăn và căng tin rộng rãi đáp ứng nhu cầu giải trí của giảng viên nhà trường và học viên. Mặc dù không phải tất cả các giảng đường đều được trang bị như nhau, một số giảng đường đã đáp ứng tiêu chuẩn đào tạo quốc tế.

Thứ tư, đội ngũ giảng viên của VCS đủ tiêu chuẩn đào tạo quốc tế.

VCS có đội ngũ giảng viên và nhiều kinh nghiệm và dày dạn về trình độ nghiệp vụ Hải quan, cùng với sự hỗ trợ tích cực của các giảng viên kiêm nhiệm là các chuyên gia được công nhận của WCO trong nhiều lĩnh vực nghiệp vụ quan trọng như: AEO, Kiểm soát thương mại chiến lược, Kiểm tra sau thông quan, Sở hữu trí tuệ.

Thứ năm, các cơ quan Hải quan thành viên có mục tiêu trở thành RTC nhận được sự ủng hộ của WCO.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và hợp tác khu vực diễn ra mạnh mẽ hiện nay, các cơ quan Hải quan thành viên nói chung, Hải quan Việt Nam nói riêng được WCO khuyến khích phát triển và hỗ trợ chương trình cải cách hiện đại hoá, đặc biệt là xây dựng năng lực và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Điểm yếu

Thứ nhất, công tác chuẩn bị và lập kế hoạch triển khai cho mục tiêu trở thành RTC còn chậm.

Mặc dù đã đề ra trong Chiến lược Phát triển Hải quan đến 2030, Hải quan Việt Nam và VCS chưa xây dựng Kế hoạch tổng thể và chi tiết, chưa xác định nguồn lực tài chính và con người dành cho việc vận hành RTC.

Thứ hai, chưa có sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các đơn vị hữu quan trong và ngoài ngành trong hoạt động tăng cường xây dựng năng lực.

VCS thực hiện chiến lược và kế hoạch đào tạo dưới sự chỉ đạo của Tổng cục Hải quan và của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn thiếu sự đồng bộ và hợp tác chặt chẽ giữa các đơn vị trong tăng cường xây dựng năng lực và truyền thông, dẫn đến hạn chế khả năng triển khai hiệu quả các kế hoach đào tạo hàng năm của WCO tương xứng với nguồn lực của RTC Việt Nam.

Thứ ba, cơ chế quản lý thiếu ổn định, chính sách đãi ngộ không tương xứng, chưa tạo được động lực cho đội ngũ làm công tác đào tạo.

Cơ chế quản lý, hệ thống lương và phụ cấp cho các giảng viên chưa ổn định và phù hợp, chưa tạo động lực thúc đẩy tối đa tinh thần tham gia vào công tác giảng dạy và nghiên cứu của các giảng viên cơ hữu cũng như kiêm nhiệm.

Cơ hội

VCS có nhiều cơ hội để trở thành RTC của WCO tại Khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Thứ nhất, Hải quan là ngành có đặc thù mang tính toàn cầu hoá cao do hầu hết các quy trình, thủ tục và tiêu chuẩn truyền thống đến hiện đại được xây dựng trên cơ sở chuẩn mực quốc tế. Do đó, Hải quan Việt Nam và doanh nghiệp trong nước cũng như trong khu vực đều có nhu cầu đào tạo nâng cao nhận thức để phục vụ cho công tác xây dựng chính sách và thực thi đúng chuẩn mực quốc tế trong các lĩnh vực nghiệp vụ hải quan.

Thứ hai, hội nhập kinh tế quốc tế giữa các quốc gia trong khu vực và trên thế giới ngày càng sâu rộng mở ra nhiều cơ hội hợp tác đào tạo.

Việt Nam là điểm sáng về ký kết gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu với hơn 19 Hiệp định Thương mại Tự do (FTAs) đa phương và song phương, do đó yêu cầu đào tạo cho công chức hải quan cũng như khu vực tư nhân để thực hiện đúng các chuẩn mực không chỉ về hải quan mà còn các lĩnh vực chuyên ngành khác như an toàn vệ sinh thực phẩm, an ninh, an toàn, kiểm dịch, y tế… đòi hỏi cần có sự chia sẻ thông tin từ Hải quan các nước.

Thứ ba, VCS đáp ứng đủ các điều kiện đào tạo tiêu chuẩn.

WCO không đặt ra bộ tiêu chí kỹ thuật khắt khe đối với các RTC và không hạn chế số lượng RTC trong khu vực. Mục tiêu cao nhất của WCO là nhằm nâng cao năng lực cho Hải quan từng nước cũng như khuyến khích nỗ lực hội nhập cao trong đào tạo và xây dựng năng lực, khuyến khích chia sẻ thông tin và hỗ trợ lẫn nhau giữa Hải quan các nước, nhằm mục tiêu phát triển chung.

Thách thức

Mặc dù có nhiều lợi thế và cơ hội đạt mục tiêu trở thành RTC của WCO, Hải quan Việt Nam cũng cần xác định rõ không ít khó khăn và thách thức khách quan cần tìm giải pháp phù hợp để khắc phục, vượt qua.

Thứ nhất, đảm bảo nguồn kinh phí cho đào tạo quốc tế của RTC.

Một trong những yêu cầu trong kế hoạch xây dựng RTC là yêu cầu lập dự toán ngân sách cho các hoạt động đào tạo khu vực và quốc tế của thành viên. Trường cần sự ủng hộ cao của lãnh đạo các cấp từ Bộ Tài chính, các Bộ ban ngành liên quan và lãnh đạo Tổng cục Hải quan để đảm bảo kinh phí hoạt động RTC trong tương lai.

Thứ hai, đảm bảo sự hợp tác chặt chẽ giữa ngành Hải quan và các cơ quan liên quan trong việc triển khai các hoạt động đào tạo quốc tế của RTC.

Trở thành RTC sẽ mở rộng phạm vi hoạt động đào tạo của VCS ở cấp khu vực và quốc tế. Điều này đặt ra các yêu cầu phối hợp liên ngành ở góc độ tổ chức các hoạt động có tính chất quốc tế, cũng như tham gia trực tiếp vào các chương trình đào tạo khu vực của WCO tại Việt Nam. Sự phối hợp liên ngành này được đánh giá là có vai trò quan trọng trong thành công và hiệu quả của các hoạt động đào tạo của RTC.

Thứ ba, áp lực cho việc duy trì và nâng cao chất lượng đào tạo lâu dài và sự phù hợp với nhu cầu mới.

Việc trở thành RTC cũng đặt ra cho VCS áp lực nâng cao năng lực trong công tác xây dựng chương trình đào tạo có chất lượng và cao hơn là có bản sắc riêng đáp ứng với yêu cầu phát triển hải quan và vận động không ngừng của thương mại và toàn cầu hoá hiện nay. Trên cơ sở phân tích đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức, nhóm nghiên cứu đã sử dụng ma trận SWOT để phân tích sâu, làm cơ sở đề xuất các chiến lược tận dụng thế mạnh và cơ hội, vượt qua điểm yếu và thách thức, đưa VCS sớm trở thành RTC trong Khu vực trong tương lai.

Một số khuyến nghị

Bối cảnh hợp tác và hội nhập quốc tế sâu rộng của Hải quan Việt Nam đặt ra yêu cầu cao về tăng cường năng lực, đào tạo đạt trình độ quốc tế và khu vực cho công chức và doanh nghiệp. VCS trở thành RTC được WCO công nhận là mục tiêu thiết thực đáp ứng nhu cầu đào tạo trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Dưới đây là một số khuyến nghị rút ra từ mô hình SWOT để VCS nhanh chóng đạt mục tiêu.

Về xây dựng Kế hoạch hành động

Căn cứ “Chiến lược phát triển của Hải quan Việt Nam đến 2030” và “Kế hoạch Cải cách, phát triển hiện đại hoá Ngành Hải quan đến 2025”, Tổng cục Hải quan cần chủ động, tích cực triển khai kế hoạch hành động, trình Bộ Tài chính và các cơ quan quản lý nhà nước về đào tạo có liên quan phê chuẩn chủ trương xây dựng, nâng cấp VCS thành RTC của WCO đúng lộ trình đặt ra.

Về cơ chế quản lý

Để đáp ứng được các yêu cầu cao dựa trên quản lý hải quan số hiện nay, đối với lĩnh vực đào tạo, cần nhanh chóng hoàn thiện và ổn định mô hình quản lý hiệu quả theo hướng hiện đại, Tổng cục Hải quan cần có các chính sách cụ thể để nâng cao vai trò và ưu tiên công tác đào tạo nhằm tạo vị thế tự tin, tự chủ, tăng cường năng lực cho VCS trong các hoạt động hợp tác quốc tế với WCO, các tổ chức quốc tế và các RTC khác.

Về các hoạt động nghiên cứu khoa học và truyền thông

Tăng cường các hoạt động nghiên cứu khoa học, qua đó tạo cơ hội nghiên cứu chuyên sâu về các phương pháp quản lý hải quan và logistics hiện đại. VCS cần tập trung tìm hiểu và chia sẻ kinh nghiệm về các phương pháp đào tạo đạt chuẩn quốc tế, đồng thời tăng cường công tác truyền thông nhằm quảng bá về lợi ích của RTC trong xây dựng năng lực và hỗ trợ hiện đại hoá hải quan, hỗ trợ tiến trình hội nhập sâu trong chuỗi cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp Việt Nam.

Về cơ sở vật chất phục vụ đào tạo

VCS có đủ các điều kiện về hạ tầng và trang thiết bị đào tạo, cần tận dụng cơ sở vật chất sẵn có, thu hút các hoạt động đào tạo trong nước và khu vực, chú trọng đào tạo cho công chức hải quan và khu vực tư nhân với các chương trình đào tạo thiết thực, hỗ trợ khu vực tư nhân tìm hiểu các quy định của các thị trường xuất khẩu, tăng cường an ninh, an toàn cho chuỗi cung ứng.

Về nâng cao chất lượng giảng viên

Để trở thành RTC và vận hành hiệu quả, Tổng cục Hải quan và VCS cần có kế hoạch bồi dưỡng và đào tạo dành cho các giảng viên trong nước. Tạo điều kiện để các giảng viên Việt Nam đã được WCO chứng nhận và giảng viên nguồn được tham gia vào nhiều chương trình đào tạo chuyên sâu và ngoại ngữ để tiếp tục cập nhật và nâng cao trình độ.

Tài liệu tham khảo:

  1. Quốc hội, Luật Hải quan (2014), https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thuong-mai/Luat-Hai-quan-2014-238637.aspx;
  2. Chính phủ (2020), Quyết định số 628/QĐ-TTg ban hành ngày 20/5/2022 về việc Phê duyệt Chiến lược Phát triển Hải quan đến 2030. https://chinhphu.vn/?pageid=27160&docid=205812&tagid=6&type=1;
  3. IMF (2022), Các vấn đề hải quan, tăng cường quản lý hải quan trong một thế giới nhiều thay đổi. https://www.imf.org/en/Publications/Books/Issues/2022/06/15/Customs-Matters-Strengthening-Customs-Administration-in-a-Changing-World-512035;
  4. Takashi Matsumoto (2008), WCO regional approach to capacity building. https://worldcustomsjournal.org/Archives/Volume%202%2C%20Number%202%20(Oct%202008)/11%20WCO_regional_approach_to_capacity_building.pdf;
  5. WCO (2023), Hướng dẫn Thông lệ tốt đối với Cơ quan Xây dựng Năng lực Khu vực và RTC. https://www.wcoomd.org/-/media/wco/public/global/pdf/topics/capacity-building/overview/good-practices-guidance-for-rocbs-and--rtcs.pdf?db=web;
  6. WCO (2020), Chiến lược thực thi xây dựng năng lực, Phụ lục IV, Cơ cấu Xây dựng năng lực Khu vực, https://www.wcoomd.org/-/media/wco/public/global/pdf/topics/capacity-building/overview/guidelines_rocb_rtc_en.pdf?db=web.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 9/2024