Để xã hội hóa đầu tư công không là “trái đắng”
Xã hội hóa đầu tư công mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phát triển đất nước, nhưng việc thực hiện chủ trương này còn nhiều bất cập. Bài toán đặt ra, làm thế nào để vừa “thông” được “ điểm nghẽn” lại vừa “vá” được “lỗ hổng” trong lĩnh vực này?
Xã hội hóa đầu tư công góp phần giảm gánh nặng đầu tư cho ngân sách nhà nước. Nhưng để xã hội hóa đầu tư gặt hái được “chùm quả ngọt” thì không thể nóng vội, đòi hỏi tuân thủ theo quy trình, tôn trọng quyền lợi, lợi ích của nhà đầu tư và Nhà nước.
Không tư nhân hóa
Chia sẻ của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên cho rằng, việc thực hiện xã hội hóa đầu tư công là hướng đi đúng và cần thiết. Xã hội hóa đầu tư công có nhiều phương pháp và cách làm thiết thực.
Hiện nay, các nước phát triển trên thế giới như 28 nước của OECD đã triển khai xã hội hóa đầu tư công. Mới đây, Hoa Kỳ triển khai xã hội hóa đầu tư công trong lĩnh vực y tế, còn các nước Bắc Âu như Phần Lan, Na Uy, Đan Mạch, CHLB Đức đã làm từ lâu.
Vừa qua, cũng có ý kiến quan ngại, xã hội hóa đầu tư công, dịch vụ công có “mất nước” không? Câu trả lời là không. Thực hiện xã hội hóa đầu tư công có nhiều ưu điểm và chỉ làm cho đất nước tốt đẹp lên - Phó Chủ nhiệm Nguyễn Đức Kiên khẳng định.
Bên cạnh đó, cũng còn sự “lấn cấn” trong cách đánh giá hiệu quả xã hội hóa đầu tư công, theo các chuyên gia kinh tế, là bởi, vẫn có tư duy cho rằng “xã hội hóa” đồng nghĩa với “tư nhân hóa”.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã từng phát biểu trước báo giới, xã hội hóa đầu tư không phải là tư nhân hóa. Bởi hạ tầng giao thông được triển khai bằng các hình thức BOT, BT, PPP thì doanh nghiệp đầu tư kinh doanh một thời gian nhất định, thu phí và hoàn vốn sau đó sẽ chuyển giao lại cho Nhà nước bằng 0 đồng.
Trong bối cảnh hiện tại của nước ta, nguồn nhân lực đầu tư công có hạn, trong khi nhu cầu đầu tư cho kết cấu hạ tầng rất lớn, do vậy đòi hỏi phải đa dạng hóa các hình thức thu hút nguồn lực trong và ngoài nước để đầu tư hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông.
Chính vì vậy, việc thúc đẩy xã hội hóa đầu công nhằm huy động nhiều hơn các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển là cấp thiết. Vì thế, không nên băn khoăn về xã hội hóa đầu tư công hay không, việc quan trọng hơn là, không được buông lỏng quản lý nhà nước đối với vấn đề xã hội hóa đầu tư công.
Xác định đúng công trình trọng điểm
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, đối với những quốc gia đang phát triển thì nhu cầu về vốn đầu tư rất lớn. Thực tế ở nước ta, những công trình quy mô lớn, có mức độ rủi ro cao, thu hồi vốn chậm thường không hấp dẫn nhà đầu tư.
Vì thế, Nhà nước chỉ nên tập trung đầu tư những công trình, dự án “quá sức” doanh nghiệp tư nhân, và là những công trình trọng điểm. Một trong ba điểm nghẽn của tăng trưởng kinh tế hiện nay là cơ sở hạ tầng yếu kém. Nếu thực hiện xã hội hóa đầu tư công chắc chắn sẽ góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh bổ sung, đầu tư công để xây dựng cơ sở hạ tầng là yếu tố quan trọng cho cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Trong bối cảnh nguồn ngân sách và nguồn vay nợ bị hạn chế, cần đầu tư những công trình trọng điểm để có thể phát huy hiệu quả, có tính lan tỏa và thúc đẩy phát triển các lĩnh vực khác. Do vậy, cần xác định được vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế, và vai trò của Nhà nước trong đầu tư công.
Làm rõ vấn đề nào Nhà nước cần đầu tư, vấn đề nào chỉ đầu tư một phần và kêu gọi xã hội hóa; còn vấn đề mà tư nhân “đủ sức” gánh vác thì để tư nhân làm. Nhà nước chỉ đầu tư những công trình trọng điểm mà doanh nghiệp không muốn hoặc không thể đầu tư.
Mấu chốt của vấn đề phải là quyết đúng cái gì cần đầu tư và không cần đầu tư, Nhà nước sẽ làm gì trong đầu tư. Khi xác định được dự án cần phải đầu tư, nhưng vì nguồn lực Nhà nước có hạn thì mới tiến hành xã hội hóa đầu tư. Thí dụ, Nhà nước ta muốn đầu tư làm sân bay, nhưng trên thế giới, nhà nước không cần đầu tư sân bay, mà chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân đầu tư.
Vì thế, nếu trở lại bài toán là Nhà nước có làm kinh tế hay không, thì chắc chắn đáp án là Nhà nước không làm kinh tế, và Nhà nước chỉ quản lý kinh tế. Do vậy, Nhà nước cần mạnh dạn “buông” những công trình không cần thiết để doanh nghiệp tư nhân “gánh vác”.
Tuy nhiên, để huy động và quản lý các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước đầu tư vào các dự án công hợp lý phải có cơ chế kiểm soát chất lượng công trình, chống thất thoát, chống lãng phí, tránh đội giá trong các dự án trọng điểm. Đặc biệt, tiêu chuẩn chất lượng các công trình công vẫn phải được coi trọng và đặt lên hàng đầu.