Đề xuất áp thuế giá trị gia tăng 5% với phân bón để hỗ trợ sản xuất nội địa

Thùy Linh

Hiện nay, phân bón là mặt hàng thuộc diện không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT), dẫn đến các doanh nghiệp sản xuất gặp nhiều khó khăn trong việc khấu trừ thuế đầu vào, khiến chi phí sản xuất tăng cao, giảm sức cạnh tranh so với hàng nhập khẩu. Chính vì vậy, tại dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi), Bộ Tài chính đề xuất áp dụng mức thuế GTGT 5% cho mặt hàng này nhằm hỗ trợ ngành sản xuất phân bón nội địa.

Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi chính sách thuế GTGT để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón nội địa.
Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi chính sách thuế GTGT để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón nội địa.

Doanh nghiệp gặp khó khăn

Theo Luật Thuế GTGT hiện hành, mặt hàng phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Trong quá trình thực hiện quy định nêu trên, các doanh nghiệp sản xuất phân bón đã kiến nghị sửa đổi quy định này do doanh nghiệp không được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ (bao gồm cả hoạt động đầu tư, mua sắm tài sản cố định phục vụ cho hoạt động sản xuất phân bón mà phải tính vào chi phí sản phẩm), khiến giá thành tăng và lợi nhuận giảm; bất lợi trong cạnh tranh với phân bón nhập khẩu. Khó khăn về nguồn vốn nên doanh nghiệp không chủ động trong đầu tư, mở rộng sản xuất.

Cùng với kiến nghị của doanh nghiệp sản xuất phân bón, Bộ Công Thương, Hiệp hội Phân bón Việt Nam cũng ghi nhận và phản ánh khó khăn của doanh nghiệp sản xuất phân bón cũng như đề nghị chuyển phân bón sang đối tượng chịu thuế GTGT thuế suất 5%. Trước thực tế đó, Lãnh đạo Chính phủ đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi chính sách thuế GTGT để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón nội địa.

Trước những khó khăn và đề xuất điều chỉnh thuế suất cho mặt hàng phân bốn của doanh nghiệp, hiệp hội cũng như bộ, ngành, Bộ Tài chính cho rằng đề xuất này còn phù hợp với xu hướng quốc tế. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy mặt hàng phân bón là mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp nên chính sách thuế GTGT (hoặc thuế hàng hóa dịch vụ, thuế bán hàng) của nhiều nước được thiết kế theo hướng ưu đãi hơn so với các mặt hàng thông thường khác.

Chính phủ nhiều nước đã thông qua các chính sách và chương trình hỗ trợ trên các phương diện khác nhau nhằm tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy sự phát triển ngành phân bón, trong đó chính sách hỗ trợ về thuế cũng là công cụ thường được các nước sử dụng. Tuy nhiên, cách thức thiết kế của các nước cũng rất khác nhau. Một số nước không thu thuế GTGT/thuế bán hàng đối với mặt hàng phân bón như Thái Lan, Lào, Myanmar, Philippines, Pakistan, Mỹ,… Một số nước có thu thuế GTGT/thuế bán hàng đối với mặt hàng phân bón nhưng với mức thuế suất thấp hơn thuế suất phổ thông, ví dụ như Trung Quốc, Romania, Croatia, Ấn Độ…

Tác động tích cực

Để vừa thúc đẩy ngành sản xuất phân bón trong nước cạnh tranh được với phân bón nhập khẩu vừa thực hiện mục tiêu thu hẹp đối tượng không chịu thuế GTGT, tại Dự thảo Luật thuế GTGT (sửa đổi), Bộ Tài chính đề xuất áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 5% đối với phân bón tại điểm b khoản 2 Điều 9.  

Bộ Tài chính đề xuất áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 5% đối với phân bón.
Bộ Tài chính đề xuất áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 5% đối với phân bón.

Đánh giá tác động của việc sửa đổi, Bộ Tài chính cho biết, đối với phân bón nhập khẩu, theo quy định của Luật Thuế GTGT, số thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu là giá tính thuế (trị giá tính thuế hàng nhập khẩu) nhân với thuế suất GTGT. Trường hợp áp dụng thuế suất GTGT 5% thì giá phân bón nhập khẩu sẽ tăng thêm 5%.

Thực tế, đối với phân bón sản xuất trong nước, doanh nghiệp sản xuất không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào nên phải cộng toàn bộ vào chi phí sản xuất, khiến giá thành sản phẩm cao hơn. Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, nếu được áp dụng thuế GTGT 5%, các doanh nghiệp trong nước sẽ giảm chi phí từ việc được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, qua đó giúp hạ giá thành và có thể giảm giá bán để cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu.

Số liệu của Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho thấy, các công ty sản xuất phân bón lớn như Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí, và Công ty Phân bón Dầu khí Cà Mau phải chịu mức chi phí GTGT đầu vào không được khấu trừ khá lớn, khoảng từ 400 triệu đến 900 triệu đồng mỗi năm. Nếu mức thuế GTGT 5% được áp dụng, ba doanh nghiệp này có thể tiết kiệm chi phí sản xuất từ 4-6%, giúp họ giảm giá thành phân bón, bình ổn giá trong nước và tạo môi trường cạnh tranh công bằng hơn với phân bón nhập khẩu.

Đáng chú ý, về tác động đối với thu ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính cho biết, nếu áp dụng thuế suất thuế GTGT 5% đối với mặt hàng phân bón và tính toán theo số liệu của năm 2023 thì chỉ có 10 doanh nghiệp phát sinh số thuế phải nộp, trong đó có 3 doanh nghiệp lớn có số thuế phải nộp là 70,097 tỷ đồng; 70,1 tỷ đồng và 154,4 tỷ đồng. Đối với số thu thuế GTGT tại khâu nhập khẩu, theo số liệu của Tổng cục Hải quan cung cấp, trị giá phân bón nhập khẩu năm 2023 là khoảng 1,26 tỷ USD, nếu áp dụng thuế suất GTGT 5% thì tại khâu nhập khẩu số thu thuế GTGT khoảng 1.500 tỷ đồng.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, việc điều chỉnh mức thuế suất này có lợi ích đối với nông dân và ngành nông nghiệp. Phân bón là đầu vào quan trọng trong nông nghiệp, và giá phân bón ổn định sẽ giúp giảm gánh nặng chi phí cho nông dân, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất và lợi nhuận trong bối cảnh giá nông sản biến động.

Cùng với đó, nhờ việc giảm được chi phí thuế GTGT đầu vào, các nhà sản xuất phân bón trong nước có thể đầu tư vào các dự án hiện đại, cải tiến công nghệ sản xuất, nâng cao năng lực cung ứng phân bón chất lượng cao, từ đó nâng cao năng suất và giá trị sản phẩm nông nghiệp. Đặc biệt, các doanh nghiệp trong nước sẽ có khả năng cung ứng phân bón với giá thành cạnh tranh, tạo sự ổn định cho nông dân và hỗ trợ phát triển nông nghiệp bền vững.

 

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, đề xuất áp thuế GTGT 5% đối với phân bón cho thấy nỗ lực của Chính phủ trong việc hỗ trợ ngành sản xuất phân bón trong nước đồng thời đảm bảo sự bình đẳng trong cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Điều này không chỉ tạo động lực phát triển bền vững cho ngành sản xuất phân bón mà còn giúp ổn định nguồn cung và giá cả cho nông dân, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Việc chuyển mặt hàng phân bón sang diện chịu thuế GTGT không chỉ là một giải pháp tài chính mà còn là một bước đi dài hạn giúp hỗ trợ ngành nông nghiệp phát triển, gia tăng sản xuất bền vững và thu hút đầu tư vào công nghệ sản xuất hiện đại. Nếu được thông qua, chính sách này có thể mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn cho ngành phân bón và mang lại lợi ích lâu dài cho nền kinh tế, nông dân, và người tiêu dùng Việt Nam.