Đề xuất nới biên độ, để tỷ giá lên xuống nhiều lần trong năm
(Tài chính) Tỷ giá chính thức cần điều chỉnh nhẹ với tần suất nhiều hơn thay vì chỉ tăng đột ngột một chiều rồi giữ nguyên thời gian dài. Đồng thời, biên độ dao động nên nới thay vì 1% - báo cáo của Ủy ban kinh tế Quốc hội nêu khuyến nghị.
Trong Báo cáo Kinh tế vĩ mô 2014 chủ đề "Cải cách thể chế kinh tế: Chìa khóa cho tái cơ cấu" vừa được công bố, các chuyên gia của Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã dành một chương để bàn về những rủi ro với cơ chế điều hành tỷ giá hiện nay. Đánh giá cao việc giữ ổn định tỷ giá thời gian qua, báo cáo này cho rằng, năm 2012, 2013, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động hơn trong thông tin về định hướng. Đồng thời, việc điều hành thanh khoản ngoại tệ cũng được lưu tâm thông qua hoạt động Ngân hàng Nhà nước với vai trò là người mua bán cuối cùng cũng như hạn chế trạng thái ngoại tệ của các tổ chức tín dụng.
Nhìn nhận thời điểm này chưa phải lúc lựa chọn cơ chế tỷ giá thả nổi nhưng các tác giả của bản báo cáo vẫn đề xuất, trong ngắn hạn hai năm tới, Ngân hàng Nhà nước vẫn nên tăng cường tính linh hoạt của tỷ giá trong giới hạn ổn định cho phép. "Cần tránh xu hướng điều chỉnh tăng đột ngột một chiều tỷ giá sau đó giữ nguyên cả thời gian dài. Thay vào đó, cần tạo một khuôn khổ linh hoạt hơn bằng sự thay đổi tỷ giá chính thức có lên, có xuống với mức điều chỉnh nhẹ với tần suất nhiều hơn", báo cáo khuyến nghị.
Tuy nhiên, các tác giả cho rằng việc duy trì chính sách ổn định trong thời gian dài, tiền đồng được định giá cao sẽ gây những rủi ro, áp lực dồn nén đến tỷ giá. Cụ thể, yếu tố tâm lý và đầu cơ vẫn có thể đe dọa sự ổn định của thị trường, đặc biệt trong bối cảnh yêu cầu tăng tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu đang được tranh luận và áp lực lạm phát đang phần nào suy giảm. Thực tiễn cho thấy ở một số thời điểm trong năm 2013 và đầu năm 2014 (trước khi tăng 1% tỷ giá), thị trường tự do tăng mạnh và cao hơn nhiều tỷ giá chính thức liên quan đến tâm lý đồn đoán điều chỉnh tiền đồng khi "room" điều chỉnh còn dư địa.
Thực tế cho thấy, tỷ giá chính thức được duy trì ở 20.828 VND đổi một USD từ đầu năm 2012 và đến giữa năm 2013 mới điều chỉnh 1% lên 21.036 đồng. Sau một năm liền neo ở mức này, nhà điều hành mới tăng 1% vào ngày 19/6 vừa qua. Trước đó, nhiều lần thị trường đã có những đợt sóng tăng mạnh, đôla ngân hàng lên kịch trần, tự do tăng mạnh nhưng phần lớn do tâm lý chờ đợi tỷ giá được điều chỉnh gây ra.
Tác giả của bản báo cáo còn cho rằng biên độ dao động của tỷ giá ngân hàng thương mại xung quanh tỷ giá chính thức nên nới rộng thay vì vẫn giữ ở mức 1% từ đầu năm 2011 đến nay.
Một trong những rủi ro khác của cơ chế hiện nay, theo bản báo cáo của Ủy ban Kinh tế, là việc tỷ giá được neo giữ chặt vào đồng USD trong khi thực tế, cơ cấu xuất khẩu cũng như cơ cấu vay nợ lại không chỉ phụ thuộc vào đồng tiền này. Xuất khẩu Việt Nam vào Mỹ hiện chiếm chưa tới 20% trong khi nhập khẩu từ Mỹ chỉ chiếm khoảng 4% tổng kim ngạch. Báo cáo còn dẫn thống kê cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Mỹ chỉ chiếm 11% trong năm 2013 trong khi Trung Quốc là 19%, Nhật Bản là 9,5% và EU là 12,8%.
Bên cạnh đó, phần lớn nợ nước ngoài chủ yếu định giá bằng các đồng tiền mạnh như JPY, SDR và EUR chứ không chỉ riêng USD. "Việc phụ thuộc lớn vào USD trong khi thương mại và vay nợ phụ thuộc đồng tiền các nước khác với tỉ trọng cao hơn khiến tỷ giá song phương giữa Việt Nam và các nước bạn hàng lớn bị ảnh hưởng trong quan hệ thương mại và đầu tư", Ủy ban Kinh tế lý giải.
Do đó, các tác giả đề xuất nên chuyển sang cơ chế neo giữ một giỏ nhiều đồng tiền tệ thay vì chỉ USD. "Hiện độ mở kinh tế nước ta lớn hơn trước và không bị lệ thuộc chủ yếu vào một đối tác cụ thể nào nên cơ chế này không những không khiến Việt Nam bị tác động mạnh bởi các cú sốc từ thị trường tiền tệ bên ngoài mà còn giúp Việt Nam ngăn chặn tốt các rủi ro từ thị trường hàng hóa quốc tế", nhóm nghiên cứu phân tích.
Các tác giả cũng nhìn nhận, mục tiêu lấy tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu là không phù hợp với Việt Nam hiện nay. Tỷ giá có thể không đóng góp nhiều vào cải thiện cán cân thương mại bền vững do cơ cấu sản xuất trong nước và xuất khẩu phụ thuộc phần lớn đầu vào nhập khẩu. Tuy nhiên, nếu giữ tỷ giá ở chế độ định giá cao tiền đồng sẽ khiến việc xây dựng công nghiệp hỗ trợ khó khăn hơn do khuyến khích nhập khẩu các yếu tố đầu vào thay vì khuyến khích và hỗ trợ sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp FDI ít có động lực để gia tăng hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng nội địa.
Một rủi ro nữa với cơ chế tỷ giá hiện nay theo cơ quan nghiên cứu có thể xảy đến khi kinh tế đảo chiều, tăng trưởng tốt hơn, nhu cầu nhập khẩu gia tăng và (hoặc) các dòng vốn vào Việt Nam giảm sút do bất ổn kinh tế, chính trị thế giới. "Nhiều chuyên gia nhận định dòng tiền nóng vào Việt Nam trong vài năm qua gia tăng nhanh chóng chủ yếu để tận dụng mức lãi suất cao so với mặt bằng lãi suất chung của thế giới. Tuy nhiên, lãi suất đang có xu hướng giảm nhanh và các dòng tiền nóng này có thể đổi chiều nhanh chóng, gia tăng rủi ro đến ổn định tỷ giá", bản báo cáo của Ủy ban Kinh tế nêu lo ngại.
Trong trung hạn (2016-2018), khi các điều kiện vĩ mô đã chín muồi, thị trường tài chính trong nước được cải thiện cùng với các cơ chế giám sát hữu hiệu, Ủy ban Kinh tế cho rằng cơ chế thả nổi tỷ giá có quản lý là một lựa chọn hợp lý. Bởi khi đó, việc mở cửa tài chính là bắt buộc và năm 2018, Việt Nam phải thực hiện tự do hoá hoàn toàn tài khoản vốn. Tuy nhiên, sức cạnh tranh của các định chế tài chính trong nước hiện thấp, mức độ rủi ro cao đồng thời lại thiếu cơ chế giám sát tài chính đầy đủ và hiệu quả. Vì vậy trước khi mở cửa hoàn toàn tài khoản vốn, phải củng cố được hệ thống tài chính lành mạnh, phát triển các tài sản và công cụ tài chính đa dạng.
“Kiểm soát vốn nên coi là giải pháp tạm thời trong giai đoạn chuyển đổi trước khi tự do hơn vào năm 2018. Việt Nam cần tận dụng thời gian này để nền kinh tế có thể xử lý các vấn đề trong nước và xây dựng thị trường tài chính đủ lành mạnh. Đây cũng là giai đoạn tăng cường quá trình tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và khu vực tài chính ngân hàng nói riêng”, bản báo cáo nêu.