Điểm lại chính sách tài chính nổi bật có hiệu lực trong tháng 10/2022

Việt Dũng (T/h)

Tạp chí Tài chính điểm lại một số quy định về các chính sách nổi bật được Bộ Tài chính ban hành chính thức có hiệu lực trong tháng 10/2022.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Công bố 03 chế độ báo cáo định kỳ thay thế trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm

Có hiệu lực từ ngày 01/10/2022, Quyết định số 1927/QĐ-BTC ngày 16/9/2022, Bộ Tài chính công bố Danh mục chế độ báo cáo định kỳ trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính.

Cụ thể, công bố 03 chế độ báo cáo định kỳ thay thế 03 chế độ báo cáo (số thứ tự số 51, 52 và 53) tại Phụ lục 06 ban hành kèm theo Quyết định số 1898/QĐ-BTC ngày 25/9/2019 của Bộ Tài chính công bố danh mục chế độ báo cáo định kỳ thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tài chính, bao gồm: Báo cáo doanh thu phí bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng; Báo cáo bồi thường bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng; Báo cáo kết quả kinh doanh bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Xem chi tiết Quyết định số 1927/QĐ-BTC tại đây: Quyết định số 1927/QĐ-BTC

Nhiều tổn thất phát sinh trong hoạt động đầu tư xây dựng không được bảo hiểm bồi thường

Ngày 11/8/2022, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 50/2022/TT-BTC hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 119/2015/NĐ-CP ngày 13/11/2015 của Chính phủ quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng và Nghị định số 20/2022/NĐ-CP ngày 10/3/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 119/2015/NĐ-CP ngày 13/11/2015 của Chính phủ quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng. Thông tư số 50/2022/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/10/2022.

Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm không có trách nhiệm bồi thường cho các tổn thất sau: Tổn thất phát sinh do chiến tranh, bạo loạn, đình công; Tổn thất phát sinh do hành động khủng bố; Tổn thất phát sinh do phản ứng hạt nhân, phóng xạ hạt nhân; Tổn thất phát sinh từ hành vi cố ý vi phạm pháp luật của bên mua bảo hiểm hoặc người được bảo hiểm; Tổn thất phát sinh do ngừng công việc thi công xây dựng; Tổn thất đối với dữ liệu, phần mềm và các chương trình máy tính;…

Bên cạnh đó, đối với bảo hiểm bắt buộc cho người lao động thi công trên công trường, số tiền bảo hiểm tối thiểu là 100 triệu đồng/người/vụ. Doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện trách nhiệm bồi thường cho nhà thầu thi công xây dựng những khoản tiền mà nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm bồi thường cho người lao động bị thương tật, chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phát sinh do thực hiện công việc thi công trên công trường...

Xem chi tiết Thông tư số 50/2022/TT-BTC tại đây: Thông tư số 50/2022/TT-BTC 

Hướng dẫn Quỹ hợp tác xã xử lý tổn thất về tài sản

Có hiệu lực từ ngày 01/10/2022, Thông tư số 52/2022/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 12/8/2022 hướng dẫn một số điều của Nghị định số 45/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã.

Theo đó, khi bị tổn thất về tài sản, Quỹ hợp tác xã phải xác định mức độ tổn thất, nguyên nhân, trách nhiệm và xử lý như sau:

Thứ nhất, xác định rõ nguyên nhân khách quan, bất khả kháng (thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ, rủi ro chính trị) và nguyên nhân chủ quan.

Thứ hai, trường hợp do nguyên nhân chủ quan thì cá nhân, tập thể gây ra tổn thất phải bồi thường, xử lý theo quy định của pháp luật. Quỹ hợp tác xã quy định cụ thể việc bồi thường và quyết định mức bồi thường phù hợp với quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Trường hợp tài sản đã mua bảo hiểm theo pháp luật thì xử lý theo hợp đồng bảo hiểm.

Thứ ba, giá trị tổn thất sau khi đã bù đắp bằng tiền bồi thường của cá nhân, tập thể, tổ chức bảo hiểm, sử dụng dự phòng được trích lập trong chi phí, trường hợp thiếu được bù đắp bằng quỹ dự phòng tài chính của Quỹ hợp tác xã. Trường hợp quỹ dự phòng tài chính không đủ bù đắp thì phần thiếu được hạch toán vào chi phí trong kỳ của Quỹ.

Xem chi tiết Thông tư số 52/2022/TT-BTC tại đây: Thông tư số 52/2022/TT-BTC

Từ ngày 08/10/2022, giá dịch vụ đăng kiểm ô tô tăng thêm 10.000 đồng

Thông tư số 55/2022/TT-BTC Bộ Tài chính ban hành ngày 24/8/2022 sửa đổi Thông tư 238/2016/TT-BTC quy định giá dịch vụ kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, thiết bị và xe máy chuyên dùng đang lưu hành; đánh giá, hiệu chuẩn thiết bị kiểm tra xe cơ giới có hiệu lực từ ngày 08/10/2022.

Theo đó, mức giá dịch vụ kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đăng kiểm) đối với xe cơ giới đang lưu hành như sau:

- Xe ô tô tải có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông trên 20 tấn, xe ô tô đầu kéo có khối lượng kéo theo cho phép tham gia giao thông trên 20 tấn và các loại xe ô tô chuyên dùng: 570.000 đồng.

- Xe ô tô tải có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông trên 7 tấn đến 20 tấn, xe ô tô đầu kéo có khối lượng kéo theo cho phép tham gia giao thông đến 20 tấn và các loại máy kéo: 360.000 đồng.

- Xe ô tô tải có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông trên 2 tấn đến 7 tấn: 330.000 đồng;

- Xe ô tô tải có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông đến 2 tấn: 290.000 đồng.

- Máy kéo, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ và các loại phương tiện vận chuyển tương tự: 190.000 đồng.

- Rơ moóc, sơ mi rơ moóc: 190.000 đồng.

- Xe ô tô chở người trên 40 ghế (kể cả lái xe), xe buýt: 360.000 đồng.

- Xe ô tô chở người từ 25 đến 40 ghế (kể cả lái xe): 330.000 đồng.

- Xe ô tô chở người từ 10 ghế đến 24 ghế (kể cả lái xe): 290.000 đồng.

- Xe ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi, xe ô tô cứu thương: 250.000 đồng.

- Xe ba bánh và các loại phương tiện vận chuyển tương tự: 110.000 đồng.

(So với hiện hành tại Thông tư 238/2016/TT-BTC thì giá đăng kiểm ô tô tăng thêm 10.000 đồng).

Xem chi tiết Thông tư số 55/2022/TT-BTC tại đây: Thông tư số 55/2022/TT-BTC