Điểm lại chính sách tài chính nổi bật có hiệu lực từ tháng 7/2022
Tháng 7/2022, nhiều chính sách quan trọng liên quan đến lĩnh vực tài chính bắt đầu có hiệu lực như: quy định dừng sử dụng hóa đơn giấy; bắt đầu thu phí giám sát chứng khoán phái sinh từ 01/7/2022...
Áp dụng 100% hóa đơn điện tử trên toàn quốc
Có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/ 2022, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh sẽ phải chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử.
Hiện nay, 63 tỉnh, thành trên cả nước đã triển khai áp dụng hóa đơn điện tử và mang lại những lợi ích như: tiết kiệm chi phí trong thực hiện thủ tục hành chính, giảm thiểu rủi ro trong quá trình sử dụng, tránh thất thoát, cháy hỏng hóa đơn và đẩy mạnh áp dụng số hóa, cơ quan Nhà nước đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện chính quyền điện tử, chính quyền số…
Mời độc giả xem nội dung cụ thể tại đây: Nghị định số 123/2020/NĐ-CP
Bổ sung thu phí giám sát chứng khoán phái sinh từ ngày 01/7/2022
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 25/2022/TT-BTC ngày 28/4/2022 quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán.
Trong đó, bổ sung thu phí giám sát chứng khoán phái sinh, cụ thể như sau: Phí giám sát chứng khoán phái sinh đối với Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC): 10% doanh thu giá dịch vụ quản lý vị thế/giá dịch vụ bù trừ và giá dịch vụ quản lý tài sản ký quỹ. Phí giám sát chứng khoán phái sinh đối với Sở Giao dịch chứng khoán: 10% doanh thu giá dịch vụ giao dịch chứng khoán phái sinh.
Bên cạnh đó, bổ sung thu phí giám sát hoạt động chứng khoán đối với ngân hàng thanh toán như sau: Đối với cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng quyền có bảo đảm: 0,001% giá trị bù trừ, thanh toán ròng/ngày thanh toán, tối đa 1.000.000 đồng/ngày; Đối với trái phiếu doanh nghiệp: 0,0001% giá trị bù trừ, thanh toán ròng/ngày thanh toán, tối đa 100.000 đồng/ngày.
Thông tư số 25/2022/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/7/2022 và thay thế Thông tư số 272/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016.
Mời độc giả xem nội dung cụ thể tại đây: Thông tư số 25/2022/TT-BTC
Tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ đối với công chức chuyên ngành kế toán, thuế, hải quan, dự trữ
Ngày 03/6/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 29/2022/TT-BTC về mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành kế toán, thuế, hải quan, dự trữ. Thông tư số 29/2022/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 18/7/2022 và thay thế Thông tư số 77/2019/TT-BTC ngày 11/11/2019.
Theo đó, đối với công chức dự thi nâng ngạch kế toán viên chính đáp ứng các tiêu chuẩn sau: Đối với ngạch kế toán viên chính có trình độ tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành kế toán, kiểm toán, tài chính; Có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước đối với công chức ngạch chuyên viên chính và tương đương hoặc có bằng cao cấp lý luận chính trị - hành chính. (Quy định mới không yêu cầu phải có chứng chỉ ngoại ngữ và chứng chỉ tin học)
Về tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ theo Khoản 3 Điều 6 Thông tư số 29/2022/TT-BTC bổ sung thêm tiêu chuẩn có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản và sử dụng được ngoại ngữ hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với công chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí việc làm.
Bên cạnh đó, ngoài các tiêu chuẩn trên còn phải đáp ứng điều kiện đang giữ ngạch Kế toán viên và có thời gian giữ ngạch Kế toán viên hoặc tương đương từ đủ 09 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc). Trong đó, phải có tối thiểu đủ 01 năm (12 tháng) liên tục giữ ngạch kế toán viên tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi nâng ngạch. Trong thời gian giữ ngạch kế toán viên hoặc tương đương đã tham gia xây dựng ít nhất 01 (một) văn bản quy phạm pháp luật hoặc đề tài, đề án, dự án, chương trình nghiên cứu khoa học từ cấp cơ sở trở lên...
Mời độc giả xem nội dung cụ thể tại đây: Thông tư số 29/2022/TT-BTC
Giảng viên học tiến sĩ ở nước ngoài được hỗ trợ học phí tới 25.000 USD/năm
Có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/7/2022, Thông tư số 30/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính thực hiện Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 - 2030.
Các nội dung hỗ trợ đối với phương thức đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài trình độ tiến sĩ và thạc sĩ bao gồm:
Thứ nhất, học phí và các khoản liên quan đến học phí thực hiện thanh toán theo hợp đồng ký kết giữa Bộ GDĐT với cơ sở đào tạo ở nước ngoài hoặc theo mức do cơ sở đào tạo ở nước ngoài thông báo tối đa không quá 25.000 đô la Mỹ/người học/năm học. Trường hợp mức học phí cao hơn 25.000 đô la Mỹ/người học/năm học thì mức chênh lệch học phí cao hơn do người học tự chi trả.
Thứ hai, chi phí làm hộ chiếu, visa được thanh toán theo mức quy định của Nhà nước đối với chi phí làm hộ chiếu và theo hóa đơn lệ phí visa thực tế của các nước nơi người học được cử đi đào tạo đối với chi phí làm visa.
Thứ ba, sinh hoạt phí, bao gồm tiền ăn, ở, chi phí đi lại hàng ngày, tiền tài liệu và đồ dùng học tập được cấp theo thời gian học tập thực tế ở nước ngoài.
Thứ tư, bảo hiểm y tế bắt buộc được thanh toán theo mức quy định của nước sở tại, tối đa không vượt quá 1.000 đô la Mỹ/người/năm.
Ngoài ra, người học còn được cấp một lượt vé từ Việt Nam đến nơi học tập và một lượt vé từ nơi học tập về Việt Nam trong toàn bộ thời gian đào tạo; được cấp 01 lần chi phí đi đường với mức khoán là 100 đô la Mỹ/người/cho toàn bộ thời gian đào tạo; các khoản chi phí khác phát sinh trong quá trình đào tạo.
Mời độc giả xem nội dung cụ thể tại đây: Thông tư số 30/2022/TT-BTC