Điểm mới về lập kế hoạch thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2018-2020
Năm 2018 là năm đầu tiên các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh triển khai lập kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) 03 năm 2018-2020 làm cơ sở cho việc lập, xem xét, quyết định dự toán NSNN năm 2018. Do vậy, trong Thông tư số 71/2017/TT-BTC hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nướcnăm 2008 và kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm 2018-2020 vừa được Bộ Tài chính ban hành đã quy định rõ một số vấn đề liên quan đến việc lập kế hoạch thu NSNN giai đoạn 2018-2020.
Thông tư số 71/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính yêu cầu việc lập kế hoạch tài chính - NSNN cần thực hiện đúng Nghị định số 45/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết lập kế hoạch tài chính 05 năm và kế hoạch tài chính – NSNN 03 năm và Thông tư số 69/2017/TT-BTC ngày 7/7/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn lập kế hoạch tài chính 05 năm và kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm (Thông tư số 69/2017/TT-BTC).
Bên cạnh đó, việc lập, báo cáo, tổng hợp và trình kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm 2018-2020 được tiến hành đồng thời với quá trình lập dự toán NSNN năm 2018, sử dụng số dự kiến dự toán thu, chi NSNN năm 2018 làm cơ sở xác định kế hoạch thu, chi NSNN cho 02 năm 2019 và năm 2020...
Kế hoạch thu NSNN 03 năm 2018-2020 được lập trên cơ sở dự kiến dự toán thu NSNN năm 2018 và mức tăng trưởng thu dự kiến cho năm 2019, năm 2020; Đảm bảo nguyên tắc mọi khoản thu từ thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác theo quy định phải được tổng hợp, phản ánh đầy đủ vào cân đối NSNN theo quy định của Luật NSNN.
Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ tăng trưởng thu dự kiến cho năm 2019, năm 2020 được xác định theo đúng chính sách, chế độ thu NSNN hiện hành, đồng thời tính đến:
Thứ nhất, khả năng phát triển kinh tế cả nước, từng ngành nghề, lĩnh vực và địa phương trong năm 2019 và năm 2020; các yếu tố thay đổi về năng lực đầu tư, phát triển sản xuất - kinh doanh và hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu của từng năm; các yếu tố tác động của quá trình hội nhập quốc tế.
Thứ hai, các yếu tố dự kiến làm tăng, giảm thu do điều chỉnh chính sách thu, bổ sung mở rộng cơ sở tính thuế và thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan theo cam kết hội nhập đến năm 2020.
Thứ ba, tác động từ việc điều chỉnh giá các dịch vụ sự nghiệp công theo lộ trình kết cấu đủ chi phí vào giá dịch vụ sự nghiệp công quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP và các Nghị định về tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trong từng lĩnh vực.
Trên cơ sở đó, phấn đấu năm 2019, năm 2020 tỷ lệ huy động từ thuế, phí vào NSNN so với GDP bình quân xấp xỉ 21%/năm; loại trừ yếu tố thay đổi chính sách, thu nội địa (không kể thu từ dầu thô, thu tiền sử dụng đất, thu cổ tức và lợi nhuận còn lại, thu XSKT) tăng bình quân tối thiểu 13-15%/năm, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng bình quân 5 - 7%/năm.
Mức tăng thu cụ thể của từng địa phương tùy theo điều kiện, đặc điểm và phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn của từng địa phương.
Đối với các khoản thu phí, lệ phí nộp ngân sách và để lại chi theo quy định, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương căn cứ số dự kiến thu năm 2018 để xây dựng kế hoạch thu năm 2019, năm 2020 phù hợp, tích cực, cụ thể theo từng khoản thu phí, lệ phí (số thu, số được để lại chi theo chế độ chi tiết các lĩnh vực chi tương ứng, số nộp NSNN);
Đối với các khoản thu học phí, giá dịch vụ y tế, dịch vụ sự nghiệp không thuộc danh mục phí và lệ phí, các khoản thu chuyển sang cơ chế giá dịch vụ không thuộc nguồn thu NSNN, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương lập kế hoạch thu và xây dựng phương án sử dụng để gửi cơ quan có thẩm quyền giám sát và tiếp tục thực hiện cơ chế tạo nguồn từ khoản thu này để cải cách tiền lương theo quy định.