Đo lường giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp

Linh Nguyễn

Hoạt động quản lý đo lường thời gian qua đã giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, giảm giá thành sản phẩm, tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu.

Công tác đo lường chất lượng sẽ được tập trung để nâng cao hiệu lực, hiệu quả sản phẩm hàng hóa dịch vụ, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Công tác đo lường chất lượng sẽ được tập trung để nâng cao hiệu lực, hiệu quả sản phẩm hàng hóa dịch vụ, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Thời gian qua, với tư cách là một ngành khoa học – kỹ thuật chính xác, đo lường có vai trò quan trọng đối với đời sống, sản xuất, nghiện cứu khoa học, an ninh và quốc phòng.

Đo lường chính xác sẽ góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo công bằng trong thương mại, đảm bảo sự trong sạch của môi trường và sức khoẻ của nhân dân, phát triển được khoa học – công nghệ và nói chung đo lường chính xác là công cụ quan trọng trong việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của toàn bộ nền kinh tế quốc dân và công bằng xã hội.

Hơn nữa, đo lường có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp như nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, giảm giá thành sản phẩm, tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu.

Theo ông Trần Quý Giầu – Vụ trưởng Vụ Đo lường, trong thương mại, đo lường đảm bảo công bằng và chính xác, nâng cao năng lực cạnh tranh, ĐB lợi ích hợp pháp doanh nghiệp trong các giao dịch kinh tế, tăng tính cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi khi tham gia thị trường trong nước và quốc tế, …

Trong công nghiệp, đo lường đảm bảo chất lượng sản phẩm, tiết kiệm nguyên liệu và vật tư tiêu hao, kiểm soát môi trường sản xuất, đảm bảo an toàn trong hoạt động sản xuất, bảo vệ sức khỏe và môi trường trong sản xuất, là công cụ để quản lý quá trình sản xuất và nâng cao hiệu quả sản xuất, thúc đấy đổi mới công nghệ, tối ưu trong sản xuất...

Hạ tầng đo lường quốc gia đồng bộ, hiện đại, đảm bảo các thiết bị đo đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật đo lường và được thừa nhận quốc tế sẽ giảm chỉ phí, tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp không phải mang chuẩn, thiết bị đo ra nước ngoài để liên kết chuẩn; hạn chế việc phải tiến hành đo kiểm tra lại các chỉ tiêu chất lượng hàng hóa khi thông quan.

Đánh giá về điểm nổi bật của hoạt động quản lý đo lường thời gian qua, Vụ trưởng Vụ Đo lường Trần Quý Giầu cho biết, với tinh thần tích cực thực hiện chỉ đạo của Chính phủ trong việc tăng cường hoàn thiện thể chế, cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 để phục vụ đắc lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, chúng ta đã chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện, trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp tới hoạt động đo lường.

Điển hình là các nghị định của Chính phủ gồm: Nghị định số 13/2022/NĐ-CP ngày 21/01/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008, Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Nghị định số 86/2012/NĐ-CP ngày 19/10/2012 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Đo lường.

Bên cạnh đó, phải kể đến các thông tư của Bộ Khoa học và Công nghệ, cụ thể: Thông tư số 10/2022/TT-BKHCN ngày 28/7/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 28/2013/TT-BKHCN ngày 17/12/2013 quy định kiểm tra nhà nước về đo lường...

Cũng theo Vụ trưởng Vụ Đo lường, Việt Nam đã xây dựng, ban hành tài liệu, hướng dẫn và tổ chức triển khai các công việc thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp thuộc Đề án 996. Đồng thời, tổ chức triển khai rà soát năng lực và xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý hiệu quả hoạt động đăng ký, chỉ định hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường đảm bảo chặt chẽ theo yêu cầu, điều kiện quy định nhưng tinh gọn, đơn giản hóa để hỗ trợ doanh nghiệp.

Hiện nay, Việt Nam đã ban hành thêm 13 Văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam, nâng tổng số lên 352 ĐLVN đáp ứng yêu cẩu quản lý phương tiện đo của tổ chức, cá nhân.

Trong hoạt động hợp tác quốc tế về đo lường, Việt Nam đã thực hiện nghĩa vụ thành viên trong các Tổ chức đo lường quốc tế và khu vực (OIML, APLMF, ACCSQ-WGLM…); tham gia đầy đủ các Hội thảo, cuộc họp như: Hội thảo xây dựng hướng dẫn của ASEAN về nâng cao nhận thức cộng đồng về đo lường pháp định (7-10/3/2022); Cuộc họp thường niên các nhóm công tác về đo lường pháp định WG3 (17/5/2022); Hội thảo chuyển đổi số về đo lường trong kỷ nguyên số do Indonesia tổ chức (19/5/2022); Hội nghị IMEKO TC6 về Đo lường và Chuyển đổi số trực tuyến (19- 21/9/2022); Họp Diễn đàn Đo lường Pháp định Châu Á – Thái Bình Dương (APLMF) trực tuyến ( 01/11- 02/11/2022)...

Thời gian tới, công tác đo lường chất lượng sẽ được tập trung để nâng cao hiệu lực, hiệu quả sản phẩm hàng hóa dịch vụ, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng.