Đo sự hài lòng của doanh nghiệp thông qua hình thức “chấm điểm”
(Tài chính) Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được công bố thường niên 9 năm qua đã góp phần đổi mới tư duy của chính quyền các địa phương, đồng thời tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp. Trưởng Ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn cho biết, kế thừa thành công này, sắp tới, VCCI sẽ hợp tác với Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan thực hiện điều tra chỉ số hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình giao dịch đối với ngành thuế và hải quan.
- Xin ông cho biết ý nghĩa của việc thu thập và công bố chí số PCI đối với sự phát triển của thị trường, doanh nghiệp và sự phát triển bền vững của các địa phương?
Ông Đậu Anh Tuấn: Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là kết quả hợp tác nghiên cứu giữa VCCI và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) từ năm 2005. Qua 9 năm chỉ số được công bố đã tạo ra sự thay đổi hết sức ý nghĩa và quan trọng, đó là sự thay đổi tư duy của cơ quan quản lý từ việc coi doanh nghiệp tư nhân là đối tượng quản lý, đối tượng xin cho, ban phát sang đối tượng phục vụ, đồng hành cùng sự phát triển chung.
Những đánh giá trong PCI thể hiện được sự thay đổi này. Doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công của cơ quan nhà nước và họ đánh giá mức độ hài lòng với các dịch vụ công được cung cấp. Ý nghĩa của PCI vượt qua bảng xếp hạng hàng năm, biểu thị cho tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp đối với chính quyền địa phương thông qua sự đánh giá về các chỉ số gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, môi trường kinh doanh, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động của lãnh đạo…
Qua 9 năm công bố, PCI đã trở thành động lực thúc đẩy các tỉnh, thành thực hiện cải cách, khắc phục các bất cập, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp để thu hút đầu tư và cạnh tranh lành mạnh với các tỉnh khác. Thông qua PCI, chính quyền địa phương có thể biết được là tỉnh mình công tác thuế còn nhiều rào cản, còn thanh tra, kiểm tra nhiều; còn nhiều phiền hà trong thủ tục đất đai, gây khó khăn cho doanh nghiệp hay chi phí không chính thức doanh nghiệp phải bỏ ra của thành phố mình quản lý còn cao… Từ đó, lãnh đạo địa phương xác định được đâu là lĩnh vực cần phải chấn chỉnh, cần phải cải thiện.
Những kết quả cải thiện các chỉ số trong các lĩnh vực của chính quyền các địa phương tạo ra môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển mới là lợi ích và ý nghĩa quan trọng của PCI. PCI là tiền đề chỉ dẫn quan trọng, còn sự quyết định nằm ở chính quyền các cấp trong việc cải thiện các chỉ số, nhìn rộng ra là cải thiện năng lực thực thi các chính sách và các cải cách bảo đảm hiệu quả của môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
- Qua thực tế, đâu là hạn chế của các chính quyền địa phương trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư, thưa Ông?
Ông Đậu Anh Tuấn: Qua thực tế ở các địa phương cho thấy, trước yêu cầu phát triển, nhiều nơi có sự chuyển đổi mạnh mẽ. Nhiều địa phương đã chủ động đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, có nhiều sáng tạo trong các chính sách và thực thi nhằm tạo hấp dẫn cho môi trường đầu tư. Chẳng hạn, có tỉnh thì tổ chức đối thoại doanh nghiệp rất hay, một số tỉnh lại đổi mới trình tự, thủ tục đầu tư rất thuận lợi cho doanh nghiệp, trong khi một số địa phương khác, hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp rất tốt.
Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất còn tồn tại ở một số địa phương là tình trạng nói mà không làm. Mặt khác, một số địa phương phát triển thì lại rơi vào bẫy tự mãn với tư duy tôi có nhiều ưu điểm và nhiều lợi thế phát triển, tôi không phải làm gì khác cả. Thứ ba nữa, có nơi, có lúc, ở các địa phương còn tư duy nhiệm kỳ, tổ chức các hội thảo, hội nghị mang tính trình diễn nhiều hơn mà thiếu các hành động thiết thực, hiệu quả, thổi lên những giấc mơ to tát nhưng chẳng chú ý thúc đẩy để những giấc mơ tốt đẹp trở thành hiện thực. Cùng với một số hạn chế khác nữa đã và đang làm giảm độ hấp dẫn, khả năng thu hút đầu tư và cơ hội phát triển của các địa phương.
- Thời gian qua, một số địa phương đưa ra các chính sách ưu đãi thuế rất hấp dẫn nhằm thu hút đầu tư. Theo Ông, đây có phải là một giải pháp cạnh tranh lý tưởng, bền vững?
Ông Đậu Anh Tuấn: Có tình trạng một số tỉnh chạy đua ưu đãi thuế, tập trung cạnh tranh xuống đáy. Khi nhà đầu tư đã lựa chọn Việt Nam làm điểm đến rồi, họ sẽ dạo quanh khảo sát các tỉnh thăm dò chính sách. Các tỉnh sẽ xây dựng và đưa ra các gói ưu đãi, nhiều tỉnh để lôi kéo nhà đầu tư bằng được, đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi lớn về thuế nên về mặt lợi ích quốc gia là không bảo đảm. Gần chục năm trước, xảy ra tình trạng hơn 30 tỉnh phá rào về chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư, Thủ tướng Chính phủ sau đó đã tuýt còi. Hiện nay, tình trạng xé rào chính sách đã ít đi rất nhiều.
Theo điều tra của VCCI nhiều năm liền cho thấy, đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư có giá trị gia tăng cao, thì ưu đãi thuế không phải là động lực chính hấp dẫn họ bởi nhà đầu tư hiểu rằng, thủ tục hành chính mà ách tắc là phát sinh chi phí. Chi phí phát sinh này, cộng với các chi phí vô hình còn nhiều hơn những cái mà họ nhận được. Nhà đầu tư lựa chọn địa điểm đầu tư không chỉ dựa trên ưu đãi thuế mà còn dựa vào số liệu dự đoán chi phí trong quá trình đầu tư sản xuất kinh doanh thông qua các yếu tố thuận lợi, đặc biệt là thuận lợi trong các thủ tục hành chính. Đối với những nhà đầu tư lớn đến từ châu Âu và Mỹ, họ kỳ vọng và quan tâm nhiều nhất vào chất lượng điều hành, mức độ thuận lợi của thủ tục hành chính nơi đầu tư.
Cải thiện chất lượng điều hành, thủ tục hành chính không chỉ thu hút đầu tư mà còn góp phần sàng lọc chất lượng của các nhà đầu tư tại địa phương. Những nơi có chất lượng môi trường đầu tư tốt sẽ thu hút được các nhà đầu tư uy tín, nhà đầu tư lớn. Còn những nơi chất lượng điều hành còn nhiều vấn đề thì sẽ thu hút các nhà đầu tư thích “khoảng tối”, thích “đi đêm” và hẳn nhiên sự phát triển bền vững và giá trị thực sự mang lại chỉ đến đối với các địa phương có cộng đồng đầu tư chất lượng. Điều này cũng ảnh hưởng quyết định sự phát triển bền vững của mỗi địa phương cũng như của quốc gia.
- Được biết, tới đây sẽ đo sự hài lòng của doanh nghiệp đối với ngành thuế, hải quan thông qua hình thức “chấm điểm”. Xin ông cho biết lợi ích của hoạt động này?
Ông Đậu Anh Tuấn: Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đang chuyển động theo tư duy mới, cải thiện chất lượng phục vụ, đồng hành cùng doanh nghiệp của các cơ quan thuế, hải quan. Theo đặt hàng của Chính phủ, Bộ Tài chính, nhóm thực hiện PCI của VCCI sẽ hợp tác với Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan thực hiện đánh giá sự hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình giao dịch đối với ngành thuế và hải quan. Đây là hai ngành rất quan trọng và quyền lực, tác động đến tất cả cộng đồng doanh nghiệp, ở tất cả các thời điểm khác nhau. Bất kể sự phiền hà hay thuận lợi, tốn kém hay ít tốn kém, phức tạp hay đơn giản của những thủ hành chính thuế và hải quan phần nào tác động và ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, qua đó ảnh hưởng đến cả nền kinh tế.
Trong hai năm năm 2012 và 2013, VCCI đã phối hợp với Tổng cục Hải quan tiến hành cuộc khảo sát đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp với hoạt động hải quan với khoảng 6.000 doanh nghiệp xuất, nhập khẩu để xem sự đánh giá về các chỉ số thời gian, sự tham nhũng, sự phiền phà, mức độ hiện đại hóa, số lượng giấy tờ thủ tục… của các cửa khẩu, các cơ quan hải quan đối với doanh nghiệp. Qua đó, giúp ngành hải quan từng bước hoàn thiện dịch vụ hải quan nhằm giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hải quan. Đồng thời, có cái nhìn khách quan, thực tế về hoạt động hải quan, xây dựng và tăng cường mối quan hệ giữa hải quan và doanh nghiệp.
Như đã nói, thời gian tới đây chúng tôi sẽ thực hiện điều tra rộng rãi ở lĩnh vực thuế, hải quan và công bố công khai kết quả. Qua đó, cung cấp một công cụ rất tốt cho Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan một cái nhìn khách quan, chính xác về hoạt động của từng cục thuế, cục hải quan của mình. Từ đó, xác định các biện pháp phù hợp trong quá trình chỉ đạo điều hành của Tổng cục, trong quá trình tổ chức thực hiện tại các địa phương để đạt được các mục tiêu trong cải cách hiện đại hóa, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế.
- Xin cảm ơn ông!