Doanh nghiệp áp dụng tích hợp công cụ nâng cao năng suất
Kết hợp áp dụng cả hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn chất lượng ISO cùng với các công cụ cải tiến năng suất chất lượng sẽ giúp các doanh nghiệp nâng cao hiệu suất, tăng doanh số, thu nhập, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.
Việc áp dụng các hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn chất lượng (ISO 9001), môi trường (ISO 14001), an toàn thực phẩm (ISO 22000), an toàn và sức khoẻ nghề nghiệp (ISO 45001)… tích hợp công cụ cải tiến năng suất chất lượng (KPI, Kaizen, QCC, 7QC,…) tại các doanh nghiệp sẽ là một động lực mạnh mẽ trong sự phát triển của DN.
Để bắt kịp các doanh nghiệp khác trong thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, đòi hỏi các doanh nghiệp phải tích hợp có hiệu quả hệ thống quản lý, công cụ tiên tiến để phát triển doanh nghiệp bền vững và nâng cao sức cạnh tranh, đáp ứng tổng thể yêu cầu về quản lý theo chuẩn quốc tế một cách hiệu quả nhất.
Việc áp dụng tích hợp các hệ thống quản lý với công cụ năng suất chất lượng được xem là giải pháp mới trong xu thế hội nhập nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, hướng tới sử dụng tối ưu nguồn lực và hoạt động hiệu quả.
Điều này cũng giúp doanh nghiệp sử dụng chung hệ thống tài liệu, tránh sự cồng kềnh, rút ngắn thời gian, chi phí đến 30% so với áp dụng hệ thống riêng lẻ, vận hành hiệu quả và nhanh chóng, đáp ứng đánh giá nghiêm khắc của chuyên gia độc lập bên ngoài, đáp ứng yêu cầu đảm bảo chất lượng dịch vụ của khách hàng.
Số lượng doanh nghiệp áp dụng đồng bộ, tích hợp hệ thống quản lý và công cụ năng suất chất lượng tại Việt Nam hiện có hàng trăm doanh nghiệp, chủ yếu trong lĩnh vực phục vụ xuất khẩu như dệt may, chế biến thủy sản.
Kinh nghiệm phát triển nhiều nước trên thế giới cho thấy, việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến của các nước đi trước là một trong những bí quyết để đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa.
Việc áp dụng hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng góp phần thúc đẩy việc tăng năng suất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mỗi công cụ cải tiến năng suất đều mang đến cho doanh nghiệp những lợi ích riêng.
Tuy nhiên, thực trạng doanh nghiệp áp dụng các công cụ cải tiến năng suất tại Việt Nam cho thấy việc áp dụng còn ít và đạt hiệu quả chưa cao. Môi trường kinh doanh quốc tế đòi hỏi doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang thị trường các nước đòi hỏi nghiêm ngặt về chất lượng, an toàn thực phẩm, an toàn sức khỏe và bảo vệ môi trường quan tâm hơn đến việc áp dụng các hệ thống quản lý và công cụ cải tiến năng suất chất lượng. Chính vì vậy, việc áp dụng công cụ cải tiến năng suất chất lượng vào doanh nghiệp là cần thiết và cần được nhân rộng.
Thực hiện nhiệm vụ: “Áp dụng tích hợp hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng phù hợp với các loại hình doanh nghiệp vừa và nhỏ khu vực miền Nam”, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp vừa và nhỏ (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) đã nghiên cứu áp dụng thử nghiệm tích hợp hệ thống quản lý và các công cụ, mô hình năng suất chất lượng vào 20 doanh nghiệp các tỉnh phía Nam.
Các doanh nghiệp được lựa chọn sẽ áp dụng tích hợp trên nền tảng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 sẵn có với một hệ thống quản lý phù hợp (ISO 14001:2015, ISO 22000:2005, v.v...) kết hợp 2 công cụ năng suất chất lượng (5S, 7 công cụ truyền thống, 7 công cụ mới, nhóm chất lượng, bố trí mặt bằng...) phù hợp với hiện trạng của DN.
Áp dụng hệ thống quản lý tích hợp và ứng dụng các công cụ cải tiến năng suất chất lượng là từng bước thực hành quản lý chất lượng toàn diện (TQM) như hiện nay. Quá trình phát triển này sẽ giúp nhiều doanh nghiệp có cơ sở vững chắc hoàn thiện hệ thống quản lý của mình từ đó có khả năng cải tiến hơn nữa để đạt đến tầm cao trong phát triển năng suất và chất lượng.
20 doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý tích hợp và các công cụ năng suất đã thực hiện 28 đề tài cải tiến giúp cho 20 doanh nghiệp tiết kiệm được hơn 1.507,8 triệu đồng/năm, trong khi chi phí đầu tư là 337,9 triệu đồng.