Doanh nghiệp xây dựng về đích ngoạn mục

Theo Nguyễn Sơn/nhipcaudautu.vn

Vượt qua nhiều thách thức, hầu hết các doanh nghiệp xây dựng vẫn hoàn thành được các chỉ tiêu trong năm 2017.

Hầu hết các doanh nghiệp xây dựng vẫn hoàn thành được các chỉ tiêu trong năm 2017. nguồn: Internet
Hầu hết các doanh nghiệp xây dựng vẫn hoàn thành được các chỉ tiêu trong năm 2017. nguồn: Internet

Vượt qua nhiều thách thức như thời tiết không thuận lợi, giá vật liệu xây dựng tăng mạnh, cũng như đối mặt với những vụ tranh cãi về thanh toán công trình với một số chủ đầu tư, hầu hết các doanh nghiệp xây dựng vẫn hoàn thành được các chỉ tiêu trong năm 2017, làm vui lòng các cổ đông. Dù vậy, với nhiều thách thức hơn từ diễn biến của thị trường bất động sản và phát triển hạ tầng trong năm nay, viễn cảnh của nhóm cổ phiếu xây dựng sẽ như thế nào?

Giá cổ phiếu tăng mạnh

Giới đầu tư kỳ vọng khá lớn vào các cổ phiếu họ xây dựng trong năm 2017. Giá cổ phiếu HBC của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã tăng hơn gấp đôi trong một năm qua, lên hơn 46.000 đồng. Giá cổ phiếu CTD của Coteccons tiếp tục đứng ở mức cao kỷ lục hơn 227.000 đồng. Giá cổ phiếu ROS của Công ty Xây dựng FLC Faros cũng tiếp tục tăng hơn 60% trong năm 2017, đạt mốc 163.000 đồng.

Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp này nhìn chung khá khả quan. Cụ thể, Hòa Bình dự kiến vượt 5% về doanh thu so với kế hoạch năm với giá trị 16.500 tỉ đồng; lợi nhuận sau thuế có thể vượt 10% so với kế hoạch, tương đương gần 920 tỉ đồng. Một số công ty liên kết có kinh doanh bất động sản bắt đầu hiệu quả cũng có thể đóng góp đáng kể vào lợi nhuận tài chính cho nhà thầu này.

Bên cạnh trúng thầu dự án nhà máy ô tô Vinfast của Vingoup, Coteccons còn liên tiếp trúng thầu các dự án nghỉ dưỡng trị giá hàng tỉ USD như giai đoạn 2 khu resort Hồ Tràm Strip, dự án Casino Nam Hội An, dự án Swan Bay tại Nhơn Trạch... Tổng giá trị hợp đồng ký mới của Coteccons trong 9 tháng đầu năm 2017 đạt hơn 21.000 tỉ đồng, góp phần giúp đảm bảo lượng công việc ổn định trong các năm tới.

Bên cạnh các doanh nghiệp niêm yết, một số doanh nghệp chưa niêm yết như Cofico, Hưng Thịnh Construction... cũng gặt hái được các kết quả kinh doanh khá hứng khởi và dự kiến sẽ chính thức niêm yết trong năm nay.

Doanh nghiệp xây dựng về đích ngoạn mục  - Ảnh 1

Tổng doanh thu ước tính của 30 công ty niêm yết năm 2017 là hơn 72.200 tỉ đồng, lợi nhuận hơn 7.063 tỉ đồng, lần lượt tăng 10% và 38% so với năm trước đó. “Các công ty xây dựng niêm yết có doanh thu và lợi nhuận nằm trong nhóm tăng mạnh nhất trong 3 năm 2015-2017”, Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, nhận định.

Thách thức lớn

Theo dự báo của Business Monitor International (BMI), tốc độ tăng trưởng thực trung bình của ngành xây dựng sẽ vào khoảng 6%/năm trong giai đoạn 2016-2024, cao hơn mức 4,4%/năm giai đoạn 2013-2015, mang lại viễn cảnh lạc quan cho các doanh nghiệp họ xây dựng.

Nhưng trước mắt, ngành xây dựng trong năm nay dự kiến sẽ đối mặt với nhiều khó khăn. Thách thức lớn nhất là thị trường bất động sản dự kiến sẽ tăng trưởng chậm hơn tại một số phân khúc, đặc biệt là phân khúc cao cấp. Nguồn tín dụng từ hệ thống ngân hàng cũng không còn thuận lợi như 2 năm trước, tạo thêm áp lực cho một số nhà thầu nhỏ có năng lực xoay vòng vốn hạn chế và phụ thuộc nhiều vào vốn vay.

“Mặc dù vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng đều đặn nhưng việc duy trì cơ cấu vốn rủi ro khiến một số đơn vị thầu xây dựng gặp không ít khó khăn trong vài năm trở lại đây khi tín dụng bị thắt chặt và phải dần thu hẹp quy mô hoạt động”, Tiến sĩ Bùi Quang Tín, giảng viên Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, đánh giá.

Năm 2017, theo ghi nhận của hãng tư vấn CBRE Việt Nam, lượng căn hộ bán được tại TP. Hồ Chí Minh giảm nhẹ 5% so với năm trước đó khi chỉ đạt 32.905 căn. “Tốc độ triển khai khá chậm của các dự án hạ tầng giao thông cũng khiến một số chủ đầu tư trì hoãn hay xem xét lại kế hoạch triển khai. Đơn cử, một dự án rộng hơn 300 ha tại quận 9 (TP. Hồ Chí Minh) đã trì hoãn kế hoạch bán hàng trong suối năm 2017 khiến cho cục diện thị trường ít nhiều chịu tác động”, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cao cấp kiêm Trưởng phòng Nghiên cứu và tư vấn của CBRE Việt Nam, nhận định.

Nhưng điểm thuận lợi cho các công ty xây dựng là quá trình đô thị hóa vẫn đang diễn ra khá mạnh tại các thành phố lớn, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào mạnh mẽ, mang tới nhu cầu xây dựng rất lớn về bất động sản công nghiệp, kho bãi và văn phòng cho thuê. Ngành du lịch cũng là điểm sáng giúp cho nhu cầu xây dựng resort, khách sạn tại các địa danh du lịch tăng mạnh. “Dự kiến năm 2018, ngành xây dựng có mức độ tăng trưởng về giá trị tương đương với mức tăng năm 2017, tức khoảng 13-15%”, Tiến sĩ Đinh Thế Hiển lạc quan nhận định.

Nhưng sẽ khôn ngoan hơn nếu các nhà thầu cân bằng hơn danh mục các dự án để giảm thiểu rủi ro. Điển hình như tại Coteccons, nhà thầu này đã giảm tỉ trọng các dự án nhà ở trong tổng giá trị hợp đồng ký mới từ 70% xuống còn 45% trong 9 tháng đầu năm 2017, đồng thời tìm kiếm thêm các hợp đồng từ các chủ đầu tư phát triển dòng sản phẩm nhà ở thuộc phân khúc trung bình. 

Một số nhà thầu lớn như Hòa Bình, Coteccons mạnh dạn nghiên cứu áp dụng các công nghệ xây dựng mới như Mô hình thông tin xây dựng BIM (Building Information Modeling), giúp gia tăng năng lực quản trị tiến độ và hiệu quả tài chính tại dự án. Mới đây, Tập đoàn Hòa Bình đã trúng thầu một dự án xây dựng tại Kuwait, mở ra một hướng đi mới từ “xuất khẩu xây dựng”, giúp gia tăng năng lực cạnh tranh trước các đối thủ ngoại và phần nào giảm sự lệ thuộc vào thị trường nội địa