Đối thoại chính sách và tiếng nói từ doanh nghiệp
Chiếm thị phần lớn, hoạt động đa dạng trên thị trường nhưng các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ vẫn chưa tìm được tiếng nói trong quá trình đối thoại chính sách. Chính vì vậy, vận động chính sách trong bối cảnh hiện nay chính là cơ hội và thách thức cho cộng đồng doanh nghiệp.
Theo kết quả khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) mà VCCI tiến hành năm 2014, 70% trong số hơn 1.000 văn bản pháp luật trung ương hằng năm có liên quan đến doanh nghiệp. Tuy nhiên, hơn 78% doanh nghiệp được khảo sát cho biết, chưa bao giờ được hỏi ý kiến về dự thảo luật. Trong khi đó, 66% doanh nghiệp cho rằng, rủi ro chính sách là một trong ba rủi ro lớn nhất mà doanh nghiệp gặp.
Chính sách, quy định pháp luật không ổn định gây rủi ro rất lớn cho doanh nghiệp và doanh nghiệp cũng nhận thức rõ quyền tham gia xây dựng là quan trọng. Nhưng thực tế hiện nay, quá trình tham vấn ý kiến doanh nghiệp trong xây dựng chính sách tập trung vào các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ khi được hỏi gần như không biết đến sự tồn tại của các chính sách mới, thậm chí có doanh nghiệp khi bị xử phạt vi phạm mới biết đến những chính sách này. Lúc đó, các doanh nghiệp mới nghĩ đến việc vận động chính sách.
Tuy nhiên, tại hội thảo Vận động chính sách trong bối cảnh mới: Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 12.8, Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn cho rằng, không chỉ đợi đến khi gặp khó khăn, vướng mắc xuất phát từ một quy định bất hợp lý thì mới cần vận động chính sách. Các doanh nghiệp cần chủ động tham gia vận động chính sách ngay khi Nhà nước chuẩn bị có chính sách mới ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Hoặc không chỉ chờ cơ quan nhà nước đưa ra chính sách, có những dự định chính sách, các doanh nghiệp có sáng kiến chính sách khác để giúp cho việc kinh doanh hiệu quả cũng có thể chủ động kiến nghị.
Nhất là khi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ hoàn toàn có thể thông qua VCCI để nói lên tiếng nói của mình. Đơn cử, trường hợp tránh đánh thuế hai lần với doanh nghiệp vận tải biển khi sổ lưu trữ chứng từ được quy định thực hiện hoàn toàn thủ công bằng giấy tờ gây tốn kém chi phí, chưa kể quá trình lưu trữ còn gặp nhiều khó khăn, nhóm doanh nghiệp vận tải biển phối hợp với VCCI cùng vận động tới Bộ Tài chính để bãi bỏ quy định này. Sau khi xem xét kiến nghị này, Bộ Tài chính đã điều chỉnh quy định bắt buộc lưu trữ chứng từ vận tải bằng giấy sang lưu trữ điện tử, giúp rút bớt thủ tục quản lý từ 208 ngày công xuống còn dưới 10 ngày công/năm, từ đó giảm một phần không nhỏ chi phí hoạt động cho doanh nghiệp. Hay như trường hợp VCCI đã phối hợp thành công với Hiệp hội Thép và Hiệp hội Giấy và bột giặt vận động chính sách ký quỹ nhập khẩu phế liệu, theo đó giảm giá trị ký quỹ từ 80% xuống còn 10% - 20% giá trị lô hàng, đồng thời việc ký Quỹ tại Quỹ Bảo vệ môi trường sẽ được tính theo lãi suất thỏa thuận chứ không phải lãi suất không kỳ hạn như dự thảo ban đầu.
Thực tiễn từ những ví dụ này cho thấy, doanh nghiệp nào càng tham gia tích cực vận động xây dựng chính sách thì doanh nghiệp đấy càng tuân thủ pháp luật tốt hơn. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, làm thế nào để tăng tiếng nói trong xây dựng chính sách, pháp luật là điều không đơn giản. Các đại biểu khuyến nghị, nhữäng doanh nghiệp này nên tăng cường tham gia tham vấn thông qua các tổ chức đại diện như VCCI.
Cơ chế tham vấn hiệu quả được áp dụng 4 bước vận động chính sách: các doanh nghiệp phải thường xuyên theo dõi các dự thảo, chính sách mới; phát hiện bất cập trong dự thảo hoặc văn bản đã ban hành; truyền đạt ý kiến góp ý một cách thuyết phục; cuối cùng là để vận động chính sách hiệu quả, các doanh nghiệp cần liên kết với các bên liên quan. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, nên quy định việc doanh nghiệp liên kết với các bên liên quan như VCCI trong tham vấn xây dựng chính sách pháp luật là nghĩa vụ bắt buộc. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp thể hiện ý chí, khẳng định vị trí đối thoại của mình với cơ quan chức năng. Về phía cơ quan chức năng cũng phải có trách nhiệm công khai các thông tin về báo cáo giải trình tiếp thu những ý kiến đóng góp cần được đưa vào dự thảo. Đồng thời, nên có quy định thời hạn tối thiểu cho việc đăng tải ý tưởng chính sách, dự thảo đầu tiên và dự thảo cuối cùng để doanh nghiệp tiện theo dõi và tiếp tục tham vấn.