Dòng tiền có sự phân hóa mạnh trong tuần mới?
Tuần qua (từ 15-19/10/2018), các chỉ số trên thị trường chứng khoán Việt Nam đồng loạt giảm điểm. VN-Index kết thúc tuần giảm 1,21% đạt 958,36 điểm; HNX-Index đóng cửa tuần giảm 1,51% dừng tại 108,1 điểm. Bước sang tuần mới (22-26/10), dự báo dòng tiền nhiều khả năng có sự phân hóa mạnh ở các nhóm cổ phiếu...
Khối lượng khớp lệnh trung bình phiên trên sàn HOSE đạt hơn 127,41 triệu đơn vị/phiên, giảm 41,25% so với tuần giao dịch trước. Sàn HNX đạt trung bình hơn 35,5 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 38,76%.
Nhìn chung thị trường tuần qua mang nhiều tín hiệu tiêu cực đến giới đầu tư. Các nhịp điều chỉnh liên tục xuất hiện qua các phiên kéo theo sắc đỏ lan đều trên diện rộng và ảnh hưởng xấu đến tâm lý nhà đầu tư. Áp lực giằng co cũng như thanh khoản kém là vấn đề thị trường đối diện trong tuần qua.
Theo phân tích của Vietstock, sau nhịp điều chỉnh đầu tuần, các chỉ số thị trường có sự cải thiện về điểm số. Tình trạng tiết cung là động lực chính giúp thị trường hồi phục. Sắc xanh lan tỏa không chỉ ở nhóm cổ phiếu có mức vốn hóa lớn (Large Cap) mà ở các nhóm có vốn hóa trung bình và nhỏ (Mid Cap và Small Cap).
Các phiên giữa tuần chứng kiến hoạt động giằng co mạnh khi bên mua thận trọng cao độ dù thị trường hồi phục. Các nhóm cổ phiếu ngành như ngân hàng phân hóa mạnh. Đáng chú ý chỉ có TCB và VPB khi đạt sắc xanh cũng như thu hút mạnh dòng tiền đổ vào thị trường.
Nhóm cổ phiếu ngành Dầu khí cũng chung hoàn cảnh do ảnh hưởng của giá dầu Brent thế giới điều chỉnh. Điểm tích cực của tuần qua đến từ các cổ phiếu TCM, VGT, TNG thuộc nhóm Dệt may khi thanh khoản liên tục cải thiện.
Phiên cuối tuần, xu hướng điều chỉnh chiếm ưu thế khi các nhịp bán dồn dập xuất hiện. Điểm tích cực là thị trường không có sự biến động mạnh từ hoạt động tái cơ cấu của các quỹ ETFs nội. Tuy nhiên, thanh khoản thị trường nhìn chung vẫn duy trì ở mức thấp ngay cả khi đón nhận giao dịch mạnh của các quỹ ETFs nội.
Trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 201 tỷ đồng trên cả hai sàn. Khối ngoại bán ròng trên HOSE với hơn 131,8 tỷ đồng và bán ròng trên HNX hơn 70 tỷ đồng.
Nhìn chung, trong tuần qua, tâm lý thận trọng bao trùm lên VN-Index khi hoạt động giao dịch có phần kém sôi động xuyên suốt cả tuần giao dịch. Xu hướng điều chỉnh vẫn đang chi phối thị trường khi lực mua lên là không mạnh.
Theo nhận định của Vietstock, việc biên độ dao động tăng cao đã khiến thị trường phản ứng nhạy cảm với các tin tức từ thị trường chứng khoán thế giới. Dễ dàng thấy được mức độ tương quan của thị trường Việt Nam và thế giới đang ở mức cao khi hoạt động giao dịch trong tuần phụ thuộc khá nhiều vào các tin tức trên thị trường thế giới.
Cũng theo Vietstock, điểm tích cực là tâm lý của các nhà đầu tư vẫn giữ ổn định, hoạt động bán tháo không xuất hiện khi các nhịp điều chỉnh của thị trường chưa gây nên sự hoảng loạn. Dù vậy, thanh khoản cùng chỉ số đều giảm cho thấy sức mua rất yếu.
Các nhà đầu tư đã hạn chế giải ngân thêm sau khi mua mạnh tuần trước khi mà các diễn biến trên thị trường thế giới vẫn chưa ổn định. Tuy nhiên mức giảm không cao còn đến từ sức ép bên bán đã không còn dồn dập như tuần giao dịch trước, thị trường xuất hiện nhịp hồi từ mức thấp khá tốt trong phiên cuối tuần. Nếu tín hiệu này được xác nhận thì khả năng cao lực cung đang cạn dần tại các vùng hỗ trợ mạnh dài hạn của VN-Index và VN30-Index.
Bên cạnh đó, Vietstock cũng cho rằng, cần chú ý là kể từ tuần giao dịch tới các doanh nghiệp sẽ bắt đầu công bố kết quả kinh doanh quý III/2018 nhiều hơn. Đây sẽ là các tín hiệu tích cực giúp thu hút dòng tiền quay trở lại và các chỉ số thị trường được kì vọng sẽ phục hồi.
Như vậy, việc biên độ dao động nới rộng và tương quan giữa thị trường Việt Nam và thế giới tăng cao có thể sẽ gây ra những ảnh hưởng phức tạp trong ngắn hạn. Dòng tiền nhiều khả năng có sự phân hóa mạnh ở nhiều nhóm cổ phiếu khi kết quả kinh doanh quý III/2018 sẽ xuất hiện nhiều hơn trong tuần giao dịch tới.