Đồng USD tăng giá có lợi với nhiều người
Nhiều người có thói quen giữ USD trong két sắt nay đã tính đến việc bán để chuyển sang tiền đồng gửi tiết kiệm vì giá USD đang tăng cao.
Hơn một tháng qua, giá đồng bạc xanh luôn leo thang, có thời điểm các ngân hàng thương mại mua với giá 23.220 đồng/USD, còn tại thị trường tự do mua vào với mức 23.300 đồng/USD. Đến thời điểm hiện nay, đồng USD vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Những biến động của thị trường ngoại tệ đang khiến các nhà đầu tư, doanh nghiệp (DN) và cả người dân lâu nay có thói quen găm giữ ngoại tệ có động thái bán USD để hưởng lợi.
Người dân ồ ạt bán USD
Chị Nguyễn Thu Hà (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho hay, trước đây chọn cách gửi tiết kiệm bằng USD quan tâm nhiều đến sự chênh lệch về lãi suất giữa tiền gửi bằng USD và VND, bởi kỳ vọng khi tỷ giá tăng sẽ bán để hưởng lợi.
“Hồi tháng 11 năm ngoái, tôi mua USD với giá 22.745 đồng/USD, sau đó gửi vào ngân hàng và không quan tâm nhiều đến việc lãi suất 0%. Tuy nhiên, vừa qua khi giá USD tăng lên 23.300 đồng/ USD, tôi đã rút USD ra để bán hưởng chênh lệch”, chị Nguyễn Thu Hà cho biết.
Không có ý định giữ USD để chờ khi tăng giá bán ra như chị Hà, bà Hoàng Thị Thu (Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, mỗi năm, cô con gái đang định cư ở nước ngoài đều gửi USD về, do không dùng đến số tiền đó nên bà thường cất giữ. Tuy nhiên, ngày 24/7, khi tỷ giá lên đến 23.300 đồng/USD, bà đã bán chuyển sang tiền đồng để gửi tiết kiệm lấy lãi.
Anh Hoàng Mạnh Hùng, một nhà đầu tư nhận định, so với hồi đầu năm, tỷ giá đã tăng đến 2%, từ nay đến cuối năm chưa có dấu hiệu hạ nhiệt do tác động từ căng thẳng thương mại Mỹ – Trung, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục điều hành tăng lãi suất, vì vậy rất có thể tỷ giá sẽ tăng 3%.
Theo tính toán của anh Hùng, khi tỷ giá tăng 3%, lên mức 23.700 đồng/USD, tính ra với 50.000 USD ban đầu, người gửi sẽ có lời hơn 35 triệu đồng do chênh lệch tỷ giá. “Tôi đang cân nhắc việc nên bán USD vào thời điểm nào để có lợi nhất”, anh nói.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu xét về hiệu quả tài chính, hiện nay dù tỷ giá USD có tăng đến 2% so với hồi đầu năm thì việc găm giữ và bán ngoại tệ thời điểm này cũng không có lợi bằng gửi tiết kiệm VND. Thậm chí, kể cả khi tỷ giá tăng lên 3% thì lợi nhuận thu về khi bán USD cũng không hiệu quả so với VND.
Chẳng hạn, với 50.000 USD, bán ra với giá 23.300 đồng/USD tương đương khoảng 1,165 tỷ đồng, để gửi tiết kiệm với kỳ hạn một năm. Nếu tính lãi suất tiền gửi là 7%/ năm, một năm sau, số tiền lãi sẽ là hơn 80 triệu đồng. Nghĩa là gửi bằng tiền đồng lời cao hơn 45 triệu đồng so với gửi hoặc găm giữ USD.
Ở một khía cạnh khác, tỷ giá tăng không chỉ người dân và DN có ngoại tệ hài lòng bán ra, tạo cung cho thị trường, mà trong một chừng mực nào đó còn là tin vui với các DN xuất nhập khẩu.
Hỗ trợ cho doanh nghiệp
Hiện nay, các DN xuất khẩu ở Việt Nam có đến 90% kim ngạch vẫn được thanh toán bằng USD. Từ nay đến cuối năm sẽ là những tháng cao điểm của xuất khẩu, vì thế khi đồng USD tăng giá, các DN xuất khẩu thu lợi lớn hơn.
Ngoài ra, đồng USD tăng giá khiến một loạt đồng tiền khác giảm giá, trong đó đồng NDT (Trung Quốc), Yên (Nhật Bản), Won (Hàn Quốc) rớt giá mạnh.
So với USD, đồng NDT đã giảm hơn 5% kể từ đầu tháng 6, với mức thấp nhất trong năm là 6,8 NDT/USD. Đồng Yên cũng giảm còn 111,24 Yên/USD. Đồng Won giao dịch ngày 26/7 ở mức 1.134 Won/USD, so với hồi đầu năm giảm khoảng 5%.
Hiện, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là ba thị trường xuất khẩu hàng hóa vào Việt Nam nhiều nhất, đồng tiền của các nước này giảm giá giúp các DN nhập khẩu của Việt Nam mua được hàng với giá rẻ hơn.
Các chuyên gia nhận định, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, đồng USD trên thị trường thế giới tăng mạnh thì mức chênh lệch tỷ giá USD/VND tính từ đầu năm đến nay vào khoảng 2% không hẳn quá đột biến và vượt tầm kiểm soát.
Việc Ngân hàng Nhà nước nhanh chóng can thiệp thị trường tiền tệ một cách linh hoạt đã không ảnh hưởng trên thị trường huy động – cho vay dân cư và DN.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã có hai lần can thiệp thị trường trái ngược nhau. Cụ thể, ngày 16 và 17/7, Ngân hàng Nhà nước bán ra ngoại tệ với số lượng nhỏ, giá thấp hơn so với mức giá trần, giúp tỷ giá trên thị trường hạ nhiệt.
Tuy nhiên, đến ngày 23/7, Ngân hàng Nhà nước bất ngờ tăng giá bán thêm 223 đồng/USD, niêm yết tỷ giá bán ở mức 23.273 đồng/USD.
Những thay đổi bất ngờ trên khiến thị trường lo lắng sẽ nới rộng khoảng cách giữa USD và VND. Tuy nhiên, trên thực tế, động thái này đã giúp tỷ giá trong nước được phản ánh đúng thực tế hơn các vận động trên thị trường và thế giới.