Đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá tại Luật Giá (sửa đổi)
Theo Bộ Tài chính, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 63/2022/QH15 ngày 16/6/2022 kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, trong đó đã quyết định bổ sung sách giáo khoa vào Danh mục hàng hóa dịch vụ do Nhà nước dịnh giá khi sửa đổi Luật Giá.
Gửi kiến nghị đến Bộ Tài chính sau kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang kiến nghị nghiên cứu trình Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Giá hiện hành theo hướng bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá nhằm hỗ trợ một phần chi phí cho người dân có con em đang trong độ tuổi đi học các bậc học giáo dục phổ thông.
Về nội dung này, Bộ Tài chính cho biết, mặt hàng sách giáo khoa hiện nay thực hiện quản lý theo quy định tại Luật Giáo dục, Luật Giá. Theo đó, sách giáo khoa không thuộc danh mục mặt hàng do Nhà nước định giá và bình ổn giá, mà thuộc danh mục mặt hàng thực hiện kê khai giá.
Xuất phát từ tính chất sách giáo khoa là hàng hóa thiết yếu, giá sách giáo khoa có tác động diện rộng đến các gia đình học sinh trên cả nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có các công văn gửi Bộ Tài chính đề nghị báo cáo cơ quan có thẩm quyền bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá.
Thống nhất với ý kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu trên, Bộ Tài chính đã có Tờ trình số 45/TTr-CP ngày 26/3/2020 báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá.
Ngày 3/7/2020, Chính phủ có Tờ trình số 314/TTr-CP trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa.
Bộ Tài chính cho biết, tại Thông báo số 3809/TB-TTKQH ngày 17/7/2020 của Tổng Thư ký Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến, sách giáo khoa không nằm trong nhóm hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, vì vậy việc bổ sung theo đề nghị của Chính phủ thuộc thầm quyền của Quốc hội.
Trong trường hợp thực sự cần thiết, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan hoàn chỉnh hồ sơ, xem xét một cách kỹ lưỡng, toàn diện, thận trọng và đánh giá những tác động cụ thể khi ban hành chính sách mới để báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung Luật Giá hoặc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội để điều chỉnh nội dung này.
Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 63/2022/QH15 ngày 16/6/2022 kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, trong đó đã quyết định bổ sung sách giáo khoa vào Danh mục hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá khi sửa đổi Luật Giá.
Theo Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, Luật Giá (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) và thông qua tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023).