Giải pháp đảm bảo an sinh xã hội ở Việt Nam trong tình hình mới
Thời gian qua, đại dịch COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế - xã hội. Hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ dẫn đến doanh nghiệp phá sản, hoặc ngừng sản xuất, lao động nghỉ việc... Trước bối cảnh đó, việc đảm bảo an sinh xã hội cho người dân ngày càng trở nên cấp thiết. Bài viết đánh giá kết quả đảm bảo an sinh xã hội, những tồn tại, hạn chế, từ đó đưa ra giải pháp tiếp tục phát triển an sinh xã hội trong tình hình mới.
Thực trạng đảm bảo an sinh xã hội ở Việt Nam
Qua hơn 35 năm đổi mới và phát triển đất nước, Việt Nam đã cơ bản xây dựng được một hệ thống an sinh xã hội (ASXH) đồng bộ, nhất là các chính sách tạo việc làm, bảo đảm thu nhập tối thiểu cho người dân; bảo hiểm xã hội (BHXH) bù đắp phần thu nhập bị suy giảm khi đau ốm, tai nạn lao động, tuổi già; trợ giúp xã hội đột xuất và thường xuyên; cung cấp dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, chính sách ưu đãi đối với người có công...
Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 1/6/2012 của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) về “Một số vấn đề về CSXH giai đoạn 2012 - 2020” nêu rõ, việc bảo đảm ASXH với một cấu trúc bao gồm: Việc làm, thu nhập và giảm nghèo; BHXH; Trợ giúp xã hội những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; Bảo đảm mức tối thiểu về một số dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục tối thiểu, y tế tối thiểu, nhà ở tối thiểu, nước sạch và bảo đảm thông tin).
Mô hình ASXH của Việt Nam đã thể hiện được bản chất tốt đẹp của chế độ, đem lại những thành quả ASXH đáng khích lệ, được thế giới công nhận, như thành tích xóa đói, giảm nghèo, giáo dục, y tế... Việt Nam đã đạt được thành tựu ấn tượng trong hỗ trợ tạo việc làm và giảm nghèo.
Cùng với đà tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức khá cao, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế được tạo điều kiện phát triển, thu hút đầu tư nước ngoài đạt kết quả tốt nên hằng năm hàng triệu lao động có việc làm. Giảm nghèo và giải quyết việc làm được thực hiện thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia và được quan tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Tỷ lệ thất nghiệp được duy trì ở mức từ 2% - 3% (Bùi Văn Huyền (2019).
Phát huy tốt rõ vai trò là lưới ASXH quan trọng trong những năm qua, chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) và BHXH đã đồng hành, hỗ trợ người dân vượt qua các rủi ro ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thai sản, thất nghiệp, hết tuổi lao động...
Cụ thể, đối với BHYT đã giúp giảm chi trực tiếp từ tiền túi hộ gia đình cho dịch vụ y tế, góp phần tạo nên sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là đối với nhóm người yếu thế trong xã hội. Thực tế những năm qua cho thấy, việc đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Hằng năm, có hơn 100 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT được đảm bảo quyền lợi. Trong đó, có nhiều trường hợp được Quỹ BHYT chi trả chi phí khám, chữa bệnh lên đến hàng tỷ đồng. Riêng trong các năm 2020 và 2021 do tác động của đại dịch COVID-19, Quỹ BHYT đã cùng ngân sách nhà nước góp phần không nhỏ trong công tác khắc phục hậu quả và phòng chống dịch COVID-19; qua đó, tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột của chính sách BHYT trong hệ thống ASXH quốc gia.
Nhờ tính ưu việt của lưới an sinh BHXH, số người tham gia BHXH tăng nhanh theo hướng năm sau cao hơn năm trước. Theo thống kê của BHXH Việt Nam, đến hết tháng 6/2022, số người tham gia BHXH đạt trên 16,8 triệu người (tăng hơn 4,2% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng gần 1,7% so với hết năm 2021) chiếm 33,26% lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong đó, BHXH tự nguyện đạt khoảng 1,323 triệu người.
Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt khoảng 13,794 triệu người (tăng gần 4,1% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 3% so với hết năm 2021), chiếm 27,28% lực lượng lao động trong độ tuổi. Công tác giải quyết hưởng các chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp được cơ quan BHXH các cấp đảm bảo thực hiện kịp thời, đúng quy định; đồng thời, tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện giao dịch với cơ quan BHXH.
Kết quả, 6 tháng đầu năm 2022, cơ quan BHXH đã giải quyết 38.810 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng; 5.998.841 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; 590.844 người hưởng trợ cấp một lần.
Triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp theo Nghị quyết số 42/NQ-CP, Nghị quyết số 154/NQ-CP, Nghị quyết 68/NQ-CP và Nghị quyết số 116/NQ-CP, cơ quan BHXH đã thực hiện giảm đóng vào các Quỹ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp và chi hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp với tổng kinh phí trên 45.444 tỷ đồng đảm bảo kịp thời, công khai, minh bạch, đúng đối tượng.
Trong đó, riêng chi hỗ trợ bằng tiền cho gần 12,968 triệu người lao động với số tiền 30.804 tỷ đồng... Công tác trợ giúp xã hội được quan tâm, góp phần bảo đảm đời sống cho một bộ phận người già, người tàn tật, người chịu ảnh hưởng bởi thiên tai...
Diện đối tượng thụ hưởng trợ giúp xã hội được mở rộng và mức chuẩn trợ cấp xã hội được điều chỉnh tăng lên, tạo điều kiện và cơ hội cho các đối tượng yếu thế ổn định cuộc sống. Ngoài thực hiện tốt các chế độ ASXH, các dịch vụ như: Giáo dục, y tế, nước sạch, nhà ở, thông tin... cũng được Nhà nước quan tâm, nâng cao chất lượng và đưa vào thành các tiêu chí trong chuẩn nghèo đa chiều.
Nhà nước có nhiều chính sách phát triển kết cấu hạ tầng dịch vụ xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giúp nâng cao khả năng tiếp cận trường học, trạm y tế, nước sạch và thông tin.
Đồng thời, Nhà nước có chính sách ưu đãi, hỗ trợ người nghèo, trẻ em trong tiếp cận giáo dục, y tế. Nhờ những nỗ lực này, Việt Nam là nước có chỉ số phát triển con người HDI cao, giảm nghèo nói chung và nghèo đa chiều nói riêng đạt kết quả ấn tượng, BHYT được bao phủ tới hơn 80% dân số (Bùi Văn Huyền, 2019).
Tựu chung, mặc dù công tác đảm bảo ASXH của Việt Nam đạt được những kết quả nhất định, nhưng vẫn còn một số tồn tại hạn chế sau: Diện bao phủ của ASXH trên thực tế còn hẹp, chưa đáp ứng được kỳ vọng; Mô hình ASXH hiện nay còn chưa bảo đảm tính bền vững; Mức hỗ trợ ASXH còn thấp và một bộ phận dân cư ở các vùng điều kiện kinh tế khó khăn chưa được bảo đảm mức sống tối thiểu; Chưa có cơ chế huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội cho bảo đảm ASXH; Chất lượng dịch vụ ASXH chưa cao, nhất là các dịch vụ BHYT...
Giải pháp đảm bảo an sinh xã hội trong tình hình mới
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, cũng như tiếp tục phát triển ASXH, bảo đảm người dân được bảo vệ tốt hơn trước các rủi ro về thu nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, thời gian tới cần tiếp tục đổi mới và triển khai đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp theo hướng linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế; Có chính sách ưu tiên nguồn lực tài chính cho ASXH, nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước dựa trên sự đóng góp, chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp và khu vực tư nhân.
Hai là, đẩy mạnh tuyên truyền về các mô hình ASXH với nhiều cách làm sáng tạo để tạo chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động của đội ngũ cán bộ làm công tác ASXH trong các lĩnh vực, dịch vụ.
Ba là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để hoàn thiện hệ sinh thái an sinh số, đảm bảo hệ thống vận hành công khai, minh bạch và kịp thời trong hoạt động hỗ trợ người dân.
Bốn là, củng cố và phát triển hệ thống BHXH, tăng độ bao phủ BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp với tư cách là trụ cột chính của hệ thống ASXH.
Năm là, có cơ chế phối hợp triển khai chính sách, chương trình ASXH đồng bộ để triển khai chương trình ASXH thống nhất, minh bạch, tránh phân tán, không hiệu quả.
Sáu là, chú trọng các hoạt động thanh tra, kiểm tra và giám sát trong lĩnh vực ASXH nhằm công khai, minh bạch ASXH của những chủ thể có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ được giao, từ đó kịp thời phát hiện, xử lý sai phạm theo quy định của pháp luật.
* Theo Phạm Thị Việt Liễu - Trung tâm Chính trị thị xã Mỹ Hào, Hưng Yên.
** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 7/2022.