Giải pháp nâng cao tỷ suất sinh lời của các Quỹ Tín dụng nhân dân tỉnh Trà Vinh

Nguyễn Thái Mỹ Anh

Nghiên cứu này tìm kiếm những nguyên nhân ảnh hưởng đến ROE của các Quỹ Tín dụng nhân dân tại tỉnh Trà Vinh, từ đó, đề xuất một số giải pháp thích hợp góp phần giúp các Quỹ nâng cao tỷ suất sinh lời một cách hiệu quả hơn.

Tỷ suất sinh lời được đo lường bởi lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) là cơ sở để các Quỹ Tín dụng nhân dân đánh giá đầy đủ hiệu quả kinh doanh. Số liệu thứ cấp thu thập giai đoạn 2016-2021 cho thấy, tỷ suất sinh lời ROE của các Quỹ Tín dụng nhân dân Trà Vinh dao động liên tục và không đồng đều. Qua đó cho thấy, tình hình hoạt động kinh doanh của các Quỹ này tại tỉnh Trà Vinh chưa mang tính ổn định. Nghiên cứu này tìm kiếm những nguyên nhân ảnh hưởng đến ROE của các Quỹ Tín dụng nhân dân tại tỉnh Trà Vinh, từ đó, đề xuất một số giải pháp thích hợp góp phần giúp các Quỹ nâng cao tỷ suất sinh lời một cách hiệu quả hơn.

Cơ sở lý thuyết

Lê Quốc Thọ (2019) nghiên cứu phân tích các yếu tố tác động đến tỷ suất sinh lời bởi ROE của 18 Quỹ Tín dụng nhân dân (QTDND) tại tỉnh Lâm Đồng (2009-2018). Phân tích với phần mềm Stata, thực hiện hồi quy dữ liệu bảng với 3 mô hình: Pooled OLS, FEM và REM kết hợp với các phương pháp kiểm định như: F-test, Bruesch-Pagan và Hausman để lựa chọn mô hình thích hợp, nghiên cứu đo lường tỷ suất sinh lời ROE thông qua các biến độc lập như: Quy mô tổng tài sản, tỷ lệ vốn chủ sở hữu, tăng trưởng vốn huy động, tỷ lệ nợ xấu, tăng trưởng kinh tế và lạm phát.

Kết quả nghiên cứu của mô hình FEM cho thấy, tỷ suất sinh lời ROE có mối quan hệ cùng chiều với quy mô tổng tài sản, tỷ lệ vốn chủ sở hữu và lạm phát. Trái lại, tỷ suất sinh lời ROE có mối quan hệ ngược chiều với tỷ lệ nợ xấu và tăng trưởng kinh tế. Riêng tăng trưởng vốn huy động không có tác động đến tỷ suất sinh lời của các QTDND tại tỉnh Lâm Đồng (2009-2018).

Nghiên cứu của Hồ Thị Lam và cộng sự (2017) đã xem xét các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam (2007 – 2015) thông qua 02 chỉ số đo lường tỷ suất sinh lời bao gồm: Tỷ số lợi nhuận ròng trên tài sản (ROA) và ROE làm biến phụ thuộc; các biến độc lập: Quy mô tổng tài sản, tỷ lệ vốn cho vay so với tiền gửi, vốn chủ sở hữu, thị phần NHTM, lãi suất, thời gian hoạt động, chi phí dự phòng rủi ro trên tổng dư nợ, GDP và lạm phát.

Tác giả sử dụng dữ liệu thứ cấp được thu thập từ 35 NHTM Việt Nam (2007 – 2015), sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng để thực hiện tuần tự mô hình hồi quy trên cả 03 mô hình OLS, FEM, REM và sử dụng phương pháp FGLS để khắc phục khuyết tật của mô hình. Kết quả nghiên cứu cho thấy: Quy mô tổng tài sản, tỷ lệ vốn cho vay so với tiền gửi, vốn chủ sở hữu và GDP tác động cùng chiều (tích cực) với ROA; thời gian hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro trên tổng dư nợ tác động ngược chiều (tiêu cực) với ROA.

Đối với ROE, các biến độc lập về quy mô tổng tài sản, thị phần NHTM, lãi suất, tỷ lệ vốn cho vay so với tổng tiền gửi, GDP tác động cùng chiều trong khi các biến vốn chủ sở hữu, chi phí dự phòng, chi phí hoạt động, thời gian hoạt động, lạm phát tác động ngược chiều. Nghiên cứu không tìm thấy tác động của 3 yếu tố về thị phần NHTM, lãi suất và lạm phát đến ROA của ngân hàng

Nghiên cứu của Samina (2013) được tiến hành với 32 ngân hàng tại Pakistan (2006-2010) với các yếu tố: Tổng tài sản, tiền gửi tiết kiệm, dư nợ cho vay, hiệu quả hoạt động, rủi ro tín dụng, lãi suất, GDP và lạm phát làm các biến độc lập. Nghiên cứu sử dụng mô hình hồi quy đa biến với kiểm định F và Anova. Kết quả nghiên cứu cho thấy, mô hình ROE có 3 biến độc lập: Hiệu quả hoạt động, lãi suất và lạm phát tác động tiêu cực đến ROE và trái lại có 3 biến độc lập: Tổng tài sản, tiền gửi và các khoản dư nợ cho vay tác động cùng chiều đến ROE.

Giả thuyết nghiên cứu

Dựa trên cơ sở lý thuyết nêu trên, các giả thuyết nghiên cứu được đề xuất gồm:

H1: Quy mô tổng tài sản tác động cùng chiều (+) với chỉ số lợi nhuận được đo lường bởi ROE.

H2: Tỷ lệ vốn chủ sở hữu tác động cùng chiều (+) với chỉ số lợi nhuận được đo lường bởi ROE.

H3: Tăng trưởng vốn huy động tác động cùng chiều (+) với chỉ số lợi nhuận được đo lường bởi ROE.

H4: Tỷ lệ nợ xấu tác động ngược chiều (-) với chỉ số lợi nhuận được đo lường bởi ROE.

H5: Hiệu quả chi phí tác động ngược chiều (mang giá trị âm) với chỉ số lợi nhuận được đo lường bởi ROE.

H6: Lãi suất tác động ngược chiều (+) với chỉ số lợi nhuận được đo lường bởi ROE.

H7: Tăng trưởng kinh tế (GDP) tác động cùng chiều (+) với chỉ số lợi nhuận được đo lường bởi ROE.

H8: Lạm phát (CPI) tác động ngược chiều (-) với chỉ số lợi nhuận được đo lường bởi ROE.

Mô hình nghiên cứu

Nghiên cứu sử dụng số liệu thứ cấp của 16 QTDND tại tỉnh Trà Vinh (2016-2021). Bằng phương pháp định lượng, tác giả sử dụng phần mềm Stata 15.1 để đo lường đánh giá tỷ suất lợi nhuận của của các QTDND tỉnh Trà Vinh (2016-2021). Mô hình nghiên cứu tổng quát có dạng:

ROE it = β0 + β1QMTTSi1 + β2TLVCSHi2 + β3TLVHDi3 + β4TLNXi4 + β5HQCPi5+ β6 LSi6 + β7GDPi7 + β8CPIi8+ εit

Trong đó, các biến độc lập bao gồm:

Quy mô Tổng tài sản (QMTTS) được tính Logarith;

Tỷ lệ vốn chủ sở hữu (TLVCSH): Vốn chủ sở hữu/Tổng dư nợ cho vay;

Tỷ lệ vốn huy động (TLVHD): Vốn huy động/Tổng tài sản;

Tỷ lệ nợ xấu (TLNX): Tổng nợ xấu/Tổng dư nợ cho vay;

Hiệu quả chi phí (HQCP): Chi phí/Thu nhập;

Lãi suất danh nghĩa hằng năm (LS);

Tăng trưởng kinh tế (GDP): Tăng trưởng GDP hằng năm;

Tỷ lệ lạm phát (CPI): Tỷ lệ lạm phát hằng năm;

Biến phụ thuộc: Tăng trưởng tín dụng: (Tổng dư nợ nămt – Tổng dư nợ năm(t-1))/Tổng dư nợ năm (t-1);

i: 1, 2, 3, 4,.... 16 (Số lượng của 16 QTDND); t: 1, 2, 3, 4, 5, 6 (Số năm của dữ liệu thứ cấp: từ 2016 – 2021);

wit: Hạng nhiễu gộp

Kết quả kiểm định

Nghiên cứu tiến hành thực hiện chạy 2 mô hình Fixed Effects (FEM) và mô hình Random (REM) kết hợp việc thực hiện kiểm định Hausman. Kết quả của mô hình nghiên cứu này cho thấy: Prob > chi2 = 0,9141 tương ứng P value = 0,9141 > 0,05 nên nghiên cứu trong trường hợp này đã lựa chọn mô hình REM.

Nghiên cứu dùng kiểm định Breusch và Pagan Lagrangian để kiểm định phương sai số thay đổi cho kết quả Prob > chi2 = 0,1001 > 0,05. Kết quả cho thấy, có 4 biến độc lập: TLVCSH, TLVHD, TLNX, HQCP có ảnh hưởng đến tỷ suất sinh lời ROE.

Nghiên cứu dùng kiểm định Wooldridge cho nghiên cứu theo dữ liệu bảng với lệnh xtserial, kết quả kiểm định cho thấy, giá trị của Prob > F= 0,8049 > 0,10 nghĩa là mô hình nghiên cứu này không có hiện tượng tương quan chuỗi.

Nghiên cứu dùng kiểm định Collin cho mô hình REM để đo lường tăng trưởng tín dụng. Kết quả cho thấy các biến độc lập đều đạt giá trị VIF < 10, nghĩa là mô hình nghiên cứu này không có hiện tượng đa cộng tuyến.

Dựa vào kết quả nghiên cứu từ bảng trên, phương trình của mô hình nghiên cứu có dạng:

ROEit = 1197,89 + 6,345272TLVCSHi2 + 244,0145TLVHDi3 - 2,9125 TLNXi4 - 635,9436HQCPi5 + εit

Kết quả nghiên cứu

R-sq: 0,6388

ROE

Coef

P>|z|

QMTTS

-69, 65229

0,058

TLVCSH

6,345272

0,005***

TLVHD

244,0145

0,000***

TLNX

-2,9125

0,000***

HQCP

-635,9436

0,000***

LS

-5,176476

0,184

GDP

0,0025232

0,234

CPI

-5,670619

0,081

Cons

1197,89

0,0002

Nguồn: Tác giả tính toán từ phần mềm Stata 15.1

Kết quả của mô hình nghiên cứu với giá trị P value: P>|z| <0,05 cho thấy, có 4 biến độc lập có TLVCSH, TLVHD, TLNX, HQCP trong đó có 3 biến độc lập đạt P>|z| đạt mức là 0,000 tương ứng với mức ý nghĩa 99,9% bao gồm: TLVHD, TLNX, HQCP. Nghiên cứu có 2 biến độc lập: TLNX, HQCP có hệ số Coef âm tương ứng lần lượt đạt giá trị: (-2,9125) và (-635,9436) điều này có nghĩa khi gia tăng lợi nhuận ROE thì 2 biến độc lập này phải giảm với hệ số Coef âm tương ứng (-2,9125), (-635,9436) là phù hợp với hoạt động kinh doanh trong thực tế. Riêng biến độc lập TLVCSH đạt giá trị dương là: 244,0145 phù hợp với giả định lý thuyết có nghĩa là khi TLVCSH gia tăng hợp lý sẽ làm gia tăng lợi nhuận ROE, điều này phù hợp với thực tế trong quá trình hoạt động kinh doanh của các QTDND.

Tuy nhiên, trong mô hình nghiên cứu này biến LS không có ý nghĩa và hệ số Coef mang giá trị âm. Biến độc lập còn lại LS với hệ số Coef đạt giá trị âm (-5,176476) trái ngược với giả định lý thuyết. Trường hợp này được giải thích trên thực tế thì lãi suất là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tỷ lệ vốn chủ sở hữu và vốn huy động của các thành viên tại các QTDND trong quá trình thực hiện hoạt động kinh doanh vì các QTDND có mức lãi suất linh hoạt tùy theo từng thời vụ (cụ thể vào khoảng thời gian không phải vào mùa vụ nên các thành viên của QTDND không có nhu cầu vay vốn thì lãi suất của một số QTDND sẽ bị giảm lãi). Vì thế, lãnh đạo của các QTDND luôn chú ý đến mức lãi suất và thời hạn cho vay cần phù hợp và linh hoạt để đảm bảo nguồn lợi nhuận ổn định cho các QTDND Trà Vinh trong quá trình thực hiện hoạt động cho vay.

Kết quả mô hình nghiên cứu cho thấy, R-Square đạt giá trị 0,6388 có nghĩa là mô hình nghiên cứu chịu sự thay đổi của R-Square với giá trị tương ứng đạt 63,88% thông qua 8 biến độc lập: QMTTS, TLVCSH, TLVHD, TLNX, HQCP, LS, GDP, CPI.

Giải pháp đề xuất

Với các kết quả nghiên cứu nêu trên, bài viết đề xuất một số giải pháp góp phần giúp các QTDND tỉnh Trà Vinh nâng cao tỷ suất sinh lời trong thời gian tới gồm:

- Về tỷ lệ vốn chủ sở hữu (TLVCSH) và tỷ lệ vốn huy động (TLVHD), QTDND cần tập trung nghiên cứu thị trường tín dụng và lập kế hoạch sử dụng nguồn vốn phù hợp với nhu cầu thực tế mang lại nguồn lợi nhuận ổn định nhằm góp phần đảm bảo tài sản và nguồn vốn đủ để thực hiện cho quá trình hoạt động kinh doanh. Cần chú ý: đa dạng hóa các phương thức huy động vốn với nhiều kỳ hạn khác nhau, gia tăng số lượng thành viên tham gia về cả về số lượng và chất lượng, sử dụng hiệu quả vốn tự có và quỹ dự trữ theo hướng tính cực, gia tăng tỷ trọng dư nợ cho vay đối với khách hàng an toàn và cân đối tỷ lệ giữa nguồn vốn huy động với dư nợ cho vay một cách hợp lý.

- Về tỷ lệ nợ xấu (TLNX), QTND cần tăng cường khả năng khai thác thông tin của khách hàng một cách đầy đủ và chính xác; cán bộ tín dụng thực hiện nghiêm túc, thường xuyên công tác thanh tra, kiểm soát trước, trong và sau khi khách hàng vay vốn; đồng thời, chấp hành nghiêm khuyến cáo của Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng hợp tác xã đảm bảo kiểm soát tỷ lệ nợ xấu trong mức cho phép và luôn thể hiện tốt phẩm chất đạo đức. Bên cạnh đó, các QTDND cần có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng có liên quan để hỗ trợ đầu ra sản phẩm cho nông dân giúp nông dân có được lợi nhuận ổn định trong tiêu thụ sản phẩm góp phần nâng cao chất lượng tín dụng đạt hiệu quả cao.

- Về hiệu quả chi phí, QTDND cần hạn chế những hạng mục chi phí ở mức chi phí cao trong những hoạt động về tập huấn đào tạo đại trà, hoạt động giao tế từ những tổ chức có liên quan và hạn chế nợ xấu phát sinh làm gia tăng chi phí quản lý, chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Thêm vào đó, tăng cường một số dịch vụ phục vụ nhu cầu khách hàng như hỗ trợ thanh toán tiền điện nước, bán sản phẩm chéo.

Tài liệu tham khảo:

  1. Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam, Thông tư 13/2010/TT-NHNN ngày 20/5/2010 quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng;
  2. Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam, Thông tư số 02/2013/TT-NHNN ngày 21/01/2013 về Quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro;
  3. Báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh của các QTDND tỉnh Trà Vinh (2016-2021);
  4. Lê Quốc Thọ (2019), Các yếu tố ảnh hưởng đến tỷ suất sinh lời của các QTDND tại tỉnh Lâm Đồng, Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh;
  5. Samina (2013), Samina Riaz & Ayub Mehar (2013), “The impact of bank specific and Macroeconomic indicators on the Profitability of commercial banks”, The Romanian Economic Journal, XVI no.47; 91-111.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 3/2023