Giải pháp phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên

ThS. Mai Thị Mến - Trường Đại học Hàng hải Việt Nam

Trong thời gian qua, việc triển khai chính sách bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên đạt nhiều kết quả tích cực khi tỷ lệ bao phủ loại hình bảo hiểm này tới học sinh, sinh viên liên tục tăng trưởng hàng năm. Để hướng tới bao phủ 100% bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên trong thời tới, bên cạnh việc triển khai đồng bộ các giải pháp, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với cơ quan bảo hiểm xã hội và địa phương trong triển khai phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế.

BHXH Việt Nam tăng cường các giải pháp phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế.
BHXH Việt Nam tăng cường các giải pháp phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế.

Thực trạng phát triển bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên

Bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh, sinh viên do Nhà nước tổ chức thực hiện, vì sức khỏe, sự phát triển toàn diện của thế hệ trẻ, không vì mục đích lợi nhuận. Với ý nghĩa đó, trong những năm qua, việc phát triển đối tượng tham gia BHYT học sinh, sinh viên đạt được nhiều kết quả tích cực.

Học sinh, sinh viên tham gia BHYT không chỉ được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ y tế kỹ thuật cao, chi phí lớn khi không may ốm đau, bệnh tật, giúp gia đình các em giảm bớt gánh nặng về chi phí khám chữa bệnh, mà còn thể hiện trách nhiệm xã hội của các em và gia đình trong việc chia sẻ rủi ro với cộng đồng. Chính vì những lợi ích và giá trị nhân văn này, chính sách BHYT học sinh, sinh viên đã thực sự đi vào cuộc sống với sự chủ động, tích cực tham gia từ phía học sinh, sinh viên và phụ huynh.

Tính đúng đắn, ưu việt của chính sách BHYT học sinh, sinh viên được thể hiện rõ rệt từ kết quả tổ chức, thực hiện chính sách BHYT học sinh, sinh viên qua các năm học với tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia BHYT tăng lên theo từng năm học. Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, nếu như năm học 2018 - 2019, cả nước có khoảng hơn 17,4 triệu học sinh, sinh viên tham gia BHYT (đạt tỷ lệ bao phủ khoảng 94,2%) thì đến năm học 2019 - 2020, cả nước có hơn 17,7 triệu học sinh, sinh viên tham gia BHYT (đạt tỷ lệ bao phủ khoảng 95,2%), tăng 1% so với năm học 2018 - 2019.

Năm học 2020 - 2021, số học sinh, sinh viên tham gia BHYT là hơn 18 triệu em, tăng 1,6% so với năm học 2019 - 2020. Trong đó, có hơn 14,5 triệu tham gia theo nhóm học sinh, sinh viên và 3,5 triệu học sinh, sinh viên tham gia theo nhóm khác (như: hộ nghèo, hộ cận nghèo, thân nhân lực lượng vũ trang...). Nhiều địa phương số lượng học sinh, sinh viên tham gia BHYT đạt tỷ lệ cao như: Hà Giang, Hải Dương, Ninh Bình, Cần Thơ, Bắc Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Hà Nam, Tuyên Quang…

Năm học 2021 - 2022, số học sinh, sinh viên tham gia BHYT đạt 18,8 triệu em, chiếm tỷ lệ bao phủ 96% học sinh, sinh viên cả nước. Điều đó đồng nghĩa với việc trên toàn quốc đã có gần 19 triệu học sinh, sinh viên được đảm bảo và thụ hưởng đầy đủ các quyền lợi BHYT theo quy định. Trong trường hợp, nếu không may bị ốm đau, bệnh tật các em sẽ được Quỹ BHYT thanh toán số tiền khám chữa bệnh không giới hạn theo phạm vi, mức hưởng, có thể lên tới hàng tỷ đồng/năm.

Công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT đã đạt nhiều kết quả tích cực. Đạt được kết quả trên là nhờ sự nỗ lực của ngành BHXH, ngành Giáo dục và Đào tạo, ngành Y tế, Ban Giám hiệu và đội ngũ giáo viên, cán bộ y tế trường học trên khắp cả nước và sự chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương đối với công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT. Đáng chú ý, công tác phối hợp, tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm hàng năm ở từng địa phương qua các năm học được tổ chức bài bản, góp phần quan trọng vào tạo chuyển biến rõ rệt về nhận thức cho các đối tượng. Chính sách BHYT phát huy hiệu quả thiết thực trong chăm sóc sức khỏe cho người dân, cũng như với các em học sinh, sinh viên.

Đặc biệt, những lợi ích thiết thực khi tham gia BHYT học sinh, sinh viên đi khám chữa bệnh đúng tuyến sẽ được Quỹ BHYT chi trả 80% chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi, quyền lợi được hưởng. Trường hợp khám chữa bệnh trái tuyến, các em sẽ được hưởng theo phạm vi, mức hưởng BHYT như sau: 40% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến Trung ương; 100% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh; 100% chi phí tại bệnh viện tuyến huyện.

Chính sách BHYT ngày càng được hoàn thiện theo hướng quyền lợi, chất lượng khám chữa bệnh BHYT ngày càng được nâng cao và mở rộng. Theo đó, học sinh, sinh viên khi tham gia cũng được hưởng nhiều lợi ích hơn từ chính sách BHYT như: Được chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay tại trường học; được tham gia khám chữa bệnh BHYT với các thủ tục thuận tiện, thông thoáng; được tiếp cận các dịch vụ y tế kỹ thuật cao, chi phí lớn...

Theo quy định, từ ngày 1/7/2023, mức đóng BHYT của học sinh, sinh viên sẽ thay đổi theo mức tăng lương cơ sở theo quy định tại Nghị định số 24/2023/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, mức đóng BHYT của học sinh, sinh viên phải đóng bằng 70% x 4,5% x mức lương cơ sở. Số tiền mà học sinh, sinh viên thực đóng BHYT tăng từ 563.220 đồng/năm lên 680.400 đồng/năm (do đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng).

Bên cạnh kết quả đạt được, số lượng học sinh, sinh viên tham gia BHYT vẫn chưa đạt mục tiêu như kỳ vọng (hiện còn khoảng 4% học sinh, sinh viên chưa tham gia BHYT chủ yếu tập trung nhóm học sinh, sinh viên của các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề). Trong số này, một số học sinh, sinh viên và phụ huynh vẫn còn hiểu chưa thấu đáo, nhận thức chưa đầy đủ về những lợi ích về chính sách BHYT, cho rằng chỉ cần tham gia BHYT những lúc ốm đau.

Việc hạn chế về nhận thức khiến các em bị thiệt thòi khi không được hưởng quyền lợi chăm sóc sức khỏe từ chính sách BHYT. Mặt khác, nếu không may bị ốm đau, mắc phải những căn bệnh hiểm nghèo cần chi phí điều trị cao, không có thẻ BHYT, gia đình của các em sẽ đối diện với những khoản chi phí khám chữa bệnh lớn, ảnh hưởng tới kinh tế của gia đình, cũng như quá trình khám chữa bệnh của các em học sinh, sinh viên...

Giải pháp hướng tới mục tiêu 100% học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế

BHYT là một trong những chính sách an sinh xã hội quan trọng, thể hiện tính nhân đạo, nhân văn và tinh thần tương thân tương ái, chia sẻ rủi ro giữa người khỏe với người ốm, giữa người trẻ với người già, giữa người có thu nhập cao với người có thu nhập thấp… Nhằm hướng tới mục tiêu bao phủ 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT, thời gian tới cần triển khai đồng bộ các giải pháp sau:

Một, các cơ sở giáo dục tại địa phương cần tiếp tục tăng cường công tác phổ biến giáo dục chính sách pháp luật BHYT đến từng đối tượng học sinh, sinh viên, thể hiện ý thức chấp hành pháp luật của một công dân trí thức gương mẫu, vận động tuyên truyền với các hình thức phù hợp với mỗi độ tuổi của học sinh, sinh viên. Đồng thời, cơ quan có thẩm quyền tiếp tục nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT theo hướng linh hoạt, chặt chẽ hơn.

Hai là, các cơ sở khám chữa bệnh cần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT, cũng như tăng tính hấp dẫn của chính sách để phụ huynh học sinh, sinh viên thấy rõ tính ưu việt mà chủ động tham gia BHYT cho con em mình.

Ba là, cơ quan bảo hiểm xã hội phối hợp với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chỉ đạo các sở, ngành có liên quan phối hợp chặt chẽ với ngành BHXH để truyền thông chính sách BHYT học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục; đồng thời, tăng cường vận động tổ chức, cá nhân trao tặng thẻ BHYT cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vào những tháng đầu năm học mới và coi đây là những tháng cao điểm truyền thông về BHYT học sinh, sinh viên.

Bảo hiểm xã hội địa phương chủ động triển khai các hoạt động truyền thông chính sách BHYT học sinh, sinh viên phù hợp với đặc thù từng địa phương, văn hóa vùng miền, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu về BHYT học sinh, sinh viên năm học 2023 - 2024; phối hợp với các tổ chức, hội đoàn thể (Hội Sinh viên, Đoàn Thanh niên…) để lựa chọn các hình thức truyền thông phù hợp như: Tổ chức các hoạt động truyền thông, phổ biến, tư vấn, giải đáp về chính sách BHYT đến học sinh, sinh viên; lồng ghép truyền thông chính sách BHYT học sinh, sinh viên trong các buổi sinh hoạt thường kỳ của tổ chức đoàn, hội; Phát hành các sản phẩm truyền thông về BHYT học sinh, sinh viên…

Bốn là, cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận hồ sơ tham gia BHYT và tiến hành cấp thẻ BHYT, trọng tâm là giao dịch hồ sơ điện tử, hướng dẫn bổ sung số định danh cá nhân/căn cước công dân của người tham gia trong cơ sở dữ liệu của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam, quản lý và cài đặt phê duyệt sử dụng ứng dụng VssID.

Như vậy, để đạt mục tiêu 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT vì một nền giáo dục toàn diện, cũng như để mọi học sinh, sinh viên đều được chăm sóc sức khỏe ngay từ trường học, bên cạnh sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ giữa Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cần có sự vào cuộc của toàn xã hội, trong đó yếu tố quyết định chính là ý thức tự giác, chủ động tham gia BHYT của mỗi học sinh, sinh viên và phụ huynh.

 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 8/2023