Giảm phát như "quỷ dữ" đang hiện hình ở nhiều nền kinh tế
(Tài chính) Tại sao phải sợ khi tiền trong túi mọi người có thể mua được nhiều nhiên liệu, tivi và nhiều thứ khác hơn? Bởi vì khi giảm phát xuất hiện, các doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ ngừng chi tiêu. Nó làm nghẹn thở những người đi vay bởi khoản nợ của họ trở nên khó trả hơn - một mối đe dọa với những nước đang vật lộn để thoát khỏi suy thoái.
Trong câu chuyện thần thoại này, lạm phát xuất hiện như một vị thần mặc áo giáp sáng, khi các nhà hoạch định chính sách chỉ muốn tạo ra lạm phát đủ để giữ khoảng cách với giảm phát.
6 năm kể từ khi khủng hoảng tài chính 2008 vùi dập nền kinh tế toàn cầu, giảm phát vẫn đang chặn đường thoát ra của nhiều nền kinh tế.
Hầu hết các nền kinh tế phát triển đã thất bại trong việc khôi phục đà tăng trưởng cần thiết để kích thích quá trình tăng giá chậm nhưng ổn định, điều mà ngân hàng trung ương nào cũng thèm muốn.
Ở khu vực đồng euro, lạm phát bị mắc kẹt ở mức phân nửa mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương. Giá cả vẫn đang giảm ở Hy Lạp và Tây Ban Nha. Khoảng 1/5 số hàng hóa trong rổ tính chỉ số lạm phát của châu Âu đang hạ giá, trong đó có quần áo.
Giá giảm sẽ ăn vào doanh thu và thu nhập trước thuế, đồng thời hạn chế biên lợi nhuận của doanh nghiệp. Nó cũng làm nặng thêm gánh nợ của các doanh nghiệp và chính phủ.
Tại Nhật Bản, lạm phát chỉ mới bắt đầu có dấu hiệu xuất hiện vào năm ngoái, khi ngân hàng trung ương nước này đặt ra mục tiêu tăng giá 2% trong một canh bạc tất tay, nhằm thoát khỏi vòng vây của giảm phát và đình trệ đã “bắt giữ” nền kinh tế này hơn 1 thập kỷ qua.
Giảm phát cũng đang trở thành mối quan tâm ở các thị trường mới nổi, nơi tăng trưởng đang chậm lại, như Trung Quốc và Brazil. Tại các thị trường này, giá cũng đang giảm ở nhiều hàng hóa, đặc biệt là đồng.
“Nếu như lạm phát là một bóng ma thì giảm phát là một con quỷ cần phải được tiêu diệt dứt điểm”, Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Christine Lagarde cảnh báo hồi tháng 1.
Giá cả tăng chậm hơn có lợi cho người tiêu dùng và có thể thúc đẩy sức mua. Nhưng khi giá thực tế giảm xuống, hoạt động kinh tế sẽ đình lại. Các hộ gia đình sẽ hoãn việc chi tiêu do họ dự đoán giá sẽ còn giảm hơn; các doanh nghiệp tạm ngừng việc đầu tư và thuê mướn nhân công khi họ bị áp lực giảm giá bán sản phẩm.
Giảm phát đã gây ra 2 trong số những thảm họa kinh tế tồi tệ nhất của lịch sử hiện đại - Cuộc Đại suy thoái ở Mỹ hồi thập kỷ 1930, và hàng thập kỷ không tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản gần đây.
Giảm phát xuất hiện ở Nhật Bản trong những năm 1990 khi các ngân hàng - vừa bị tổn thương bởi bong bóng bất động sản vỡ - ngừng cho vay. Cùng với đó, doanh nghiệp không tăng tiền công và người tiêu dùng kiềm chế chi tiêu. Năm ngoái, nước này đã chuyển sang một chiến dịch chưa từng có với nới lỏng tiền tệ và chi tiêu chính phủ, được gọi là học thuyết kinh tế Abe -Abenomics - sau khi Thủ tướng Shinzo Abe thề sẽ đưa nước Nhật ra khỏi trì trệ.
Các ngân hàng trung ương cảm thấy dễ chiến đấu với lạm phát hơn giảm phát. Khi giá tăng quá nhanh, họ sẽ tăng lãi suất, sau đó giảm trở lại khi kinh tế tăng trưởng chậm. Nhưng vũ khí lãi suất gần như bất lực với giảm phát. Hiện nay, lãi suất không thể cắt thêm ở các nước lớn do chúng đã gần bằng không.
Các chương trình mua trái phiếu chính phủ đang giúp hồi sinh Mỹ và Nhật nhưng cũng có những tác động mặt trái nguy hiểm. Các chương trình này khiến tiền chảy vào chứng khoán và bất động sản, thổi giá các tài sản này, thay vì chảy vào sản xuất. Chúng đang làm dấy lên những lo ngại về bong bóng tài sản.
Giới hoạch định chính sách ở châu Âu vẫn đang cố gắng để không trượt chân vào khu vực nguy hiểm này, khi tiếng “gầm gừ” của giảm phát vẫn văng vẳng bên tai. Khả năng xuất hiện của giảm phát có thể là nhỏ, nhưng lịch sử cho thấy đó là một rủi ro lớn.