Hà Nam: Kinh phí khuyến công giúp nhiều doanh nghiệp phát triển sản xuất hiệu quả

Yến Tâm

Thời gian qua, được sự quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn , tạo điều kiện của Bộ Công Thương, Cục Công Thương địa phương, Sở Công Thương tỉnh Hà Nam đã tích cực tham mưu cho UBND Tỉnh tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác khuyến công trên địa bàn Tỉnh và đạt được một số kết quả quan trọng.

Máy móc được đầu tư ứng dụng có tính năng vượt trội hơn hẳn bởi tốc độ cao, tự động điều khiển bằng bảng vi tính điện tử nên tiết kiệm rất nhiều thời gian.
Máy móc được đầu tư ứng dụng có tính năng vượt trội hơn hẳn bởi tốc độ cao, tự động điều khiển bằng bảng vi tính điện tử nên tiết kiệm rất nhiều thời gian.

Hàng năm, từ các nguồn kinh phí Khuyến công Quốc gia và Khuyến công địa phương, Sở Công Thương tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến công Tỉnh triển khai thực hiện được 10-13 đề án, hỗ trợ cho hơn 20 doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) với tổng kinh phí từ 5 đến 6 tỷ đồng/năm. Các đề án triển khai đều hiệu quả, đúng quy định.

Đặc biệt, được sự quan tâm hỗ trợ của Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương), Sở Công Thương tỉnh Hà Nam và một số cơ sở trực thuộc đã xây dựng và triển khai các đề án khuyến công điểm về hỗ trợ phát triển ngành Dệt may trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2024. 

Trong năm 2022, Sở Công Thương đã hỗ trợ 11 cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dựng máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuất hàng dệt may và 1 cơ sở đầu tư phòng trưng bày giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia. Hết năm 2023, Sở đã hỗ trợ kinh phí đầu tư mua máy móc, thiết bị công nghệ cho 7 cơ sở sản xuất hàng dệt may; đồng thời tư vấn, hỗ trợ 2 cơ sở dệt may nâng cao năng lực quản lý, điều hành, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.

Qua thực hiện, các đề án khuyến công đã hỗ trợ được nhiều doanh nghiệp, cơ sở CNNT đầu tư mua máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại, góp phần ổn định sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân khu vực nông thôn góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Theo các cơ sở tham gia chương trình khuyến công, máy móc được đầu tư ứng dụng có tính năng vượt trội hơn hẳn những máy cũ đang sử dụng bởi tốc độ cao, tự động điều khiển bằng bảng vi tính điện tử nên tiết kiệm rất nhiều thời gian. Ở những cơ sở may được hỗ trợ ứng dụng máy lập trình, như: Công ty TNHH thời trang BTS (Thanh Liêm), Công ty TNHH May và Thương mại Minh Quang.VN, Công ty TNHH may Lâm Mai (Phủ Lý) và cơ sở sản xuất gỗ được hỗ trợ máy đục công nghệ cao cho năng suất tăng gấp 2-3 ba lần so với máy cũ. Điều này giúp các doanh nghiệp tăng nhanh năng suất lao động, tiết kiệm chi phí, nhân lực, hoàn thành vượt mức kế hoạch giao hàng cho đối tác, gia tăng đáng kể nguồn lợi nhuận.

Là đơn vị được hỗ trợ kinh phí để đầu tư mua lò hơi và máy cán sấy lụa, vải từ nguồn vốn khuyến công địa phương, cơ sở sản xuất lụa Hải Huyền silk, thôn Nha Xá, xã Mộc Nam (Duy Tiên) đã nhanh chóng nhận thấy năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng lên rõ rệt. Bên cạnh đó, với việc ứng dụng công nghệ lò hơi mới trong sản xuất, cơ sở đã tiết kiệm được 40% chi phí điện năng so với trước đây. Từ đó, giúp hạ giá thành sản xuất, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường. Sản lượng hàng bán ra của cơ sở theo đó cũng ngày một tăng lên.

Tại Công ty TNHH may và Thương mại Minh Quang.VN (Phủ Lý), sau khi tìm hiểu thực tế sản xuất, chương trình khuyến công đã hỗ trợ doanh nghiệp 7 máy lập trình. Trước đây, khi chưa có máy lập trình, làm thủ công phải cần tới 5 lao động, nay giảm chỉ cần 1 người. Hơn nữa, sản phẩm xuất xưởng bảo đảm chất lượng, hàng đẹp, đường may thẳng.

Thông qua những lợi ích thiết thực của chương trình khuyến công, Trung tâm Khuyến công Hà Nam luôn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong Tỉnh để khảo sát, lựa chọn, xây dựng kế hoạch, đề án khuyến công đảm bảo đúng quy định và phát huy hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp đạt cao nhất.

Đặc biệt, Trung tâm cũng sẽ chú trọng xây dựng các đề án khuyến công điểm quốc gia; Tập trung hỗ trợ phát triển một số ngành công nghiệp trọng điểm để hình thành các cụm liên kết chuỗi ngành, xây dựng các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tàu, có tính dẫn dắt sản xuất tại địa phương.

Không chỉ hỗ trợ cho các ngành nghề công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, thời gian qua, Trung tâm Khuyến công Hà Nam còn hướng tới việc hỗ trợ phát triển các làng nghề thủ công truyền thống tại địa phương như: Nghề sản xuất gỗ, thêu ren… Những đề án này đã tạo ra nhiều việc làm cho lao động địa phương.

Trong năm 2024, tỉnh Hà Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai các hoạt động khuyến công, qua đó tiếp tục hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở CNNT, làng nghề tham gia hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh nhằm quảng bá thương hiệu, sản phẩm CNNT tiêu biểu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khâu lưu thông hàng hóa, thúc đẩy sản xuất ngày càng phát triển.