Hải quan Bình Dương: Phối hợp thu ngân sách qua ngân hàng thương mại

PV.

Với lợi ích thiết thực đối với doanh nghiệp, ngân hàng, cơ quan Hải quan, chương trình phối hợp thu ngân sách nhà nước (NSNN) qua ngân hàng được đánh giá là một bước tiến mạnh mẽ trong cải cách hành chính.

Trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện có 17 ngân hàng thương mại có giao dịch nộp thuế cho Cục Hải quan Bình Dương
Trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện có 17 ngân hàng thương mại có giao dịch nộp thuế cho Cục Hải quan Bình Dương

Kết quả ban đầu

Trong thời gian qua, dịch vụ nộp thuế điện tử (NTĐT) đã được Tổng cục Hải quan triển khai và bắt đầu phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng thương mại (NHTM) thực hiện một cách sâu rộng đến khách hàng doanh nghiệp (DN). Đến nay, nhiều DN sau khi tham gia dịch vụ NTĐT đều chung nhận định, việc nộp thuế thuận lợi và tiết kiệm khá nhiều chi phí.

Trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện có 17 ngân hàng thương mại có giao dịch nộp thuế cho Cục Hải quan Bình Dương và 09 ngân hàng thương mại đã ký kết phối hợp thu với Tổng cục Hải quan nhưng không có giao dịch nộp thuế cho Cục Hải quan Bình Dương.

Đối với Tổng cục Hải quan, hiện tại chỉ có 22/68 ngân hàng trên toàn quốc ký kết tham gia phối hợp thu với cơ quan hải quan, vì vậy đề nghị Tổng cục Hải quan sớm mở rộng triển khai công tác phối hợp thu với tất cả các ngân hàng thương mại, để công tác phối hợp thu ngày càng thuận lợi cho doanh nghiệp. Đặc biệt ưu tiên đẩy nhanh tiến độ ký kết phối hợp thu với các ngân hàng đang có phát sinh nhiều giao dịch nộp thuế cho cơ quan hải quan. Cụ thể, hiện tại có 04 ngân hàng thường xuyên có giao dịch nộp thuế cho Cục Hải quan Bình Dương nhưng có phối hợp thu với Tổng cục Hải quan: Ngân hàng TMCP Citibank HN, Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội, Ngân hàng TMCP MTV HSBC Việt Nam, Ngân hàng TMCP MTV Shinhan Việt Nam.Kết quả thực hiện thu NSNN tại Cục Hải quan Bình Dương ban đầu đã thể hiện nhiều tín hiệu tích cực. Cụ thể:

- Giai đọan từ tháng 01/11/2014 đến 31/12/2014: Số lượng ngân hàng TMCP là 13 ngân hàng bao gồm: 11 ngân hàng đã có phối hợp thu với cơ quan Tổng cục Hải quan; 02 ngân hàng chưa có phối hợp thu là Ngân hàng TMCP MTV HSBC Việt Nam và Ngân hàng TMCP MTV Shinhan Việt Nam; Số thuế thu được tháng 11 và 12/2014 qua các ngân hàng thương mại là 1.353,88 tỉ đồng chiếm 66,79% trong tổng thu NSNN (2.027,17 tỉ đồng).

- Giai đọan từ tháng 01/2015 đến 31/05/2015: Số lượng ngân hàng là 17 ngân hàng bao gồm: 13 ngân hàng đã có phối hợp thu với cơ quan Tổng cục Hải quan; 04 ngân hàng chưa có phối hợp thu là Ngân hàng TMCP Citibank Hà Nội, Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội, Ngân hàng TMCP MTV HSBC Việt Nam và Ngân hàng TMCP MTV Shinhan Việt Nam.- Số thuế thu được trong 05 tháng đầu năm 2015 qua các ngân hàng thương mại là 2.862,67 tỉ đống chiếm 68,75% trong tổng thu NSNN (3.902 tỉ đồng).Lợi ích thiết thực.

Lợi ích thiết thực

Thực hiện nộp thuế qua ngân hàng đã ký kết thỏa thuận thu với cơ quan Hải quan, Quy trình thủ tục đơn giản, thuận tiện, cụ thể:

Người nộp thuế chỉ phải lập một liên Bảng kê nộp thuế, thông tin kê khai tối thiểu. Trường hợp Bảng kê nộp thuế hợp lệ, Ngân hàng trích nợ Tài khoản Người nộp thuế và chuyển tiền vào Tài khoản KBNN đồng thời truyền dữ liệu (online) qua Cổng thanh toán điện tử hải quan.

Ngay khi nhận được dữ liệu (online) từ ngân hàng, hệ thống của cơ quan hải quan sẽ hạch toán trừ nợ, thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp. (Thời gian kể khi từ người nộp thuế thực hiện kê khai, giao dịch nộp tiền tại ngân hàng cho đến khi hệ thống hải quan hạch toán, trừ nợ và thông quan hàng hóa dưới 10 phút. Nếu nộp qua các ngân hàng chưa phối hợp thu với cơ quan hải quan, thông tin nộp tiền đến cơ quan hải quan thường là 01 ngày làm việc).

DN có thể nộp tiền tại nhiều điểm khác nhau, trong và ngoài giờ hành chính, nộp vào ngày nghỉ, sử dụng các dịch vụ thanh toán hiện đại (qua internet, ATM, thư bảo lãnh…) rất thuận tiện.

Việc nộp thuế của DN sẽ được cơ quan Hải quan cập nhật nhanh, thường xuyên, liên tục và chính xác hơn. Từ việc hạch toán, thanh khoản nợ ngay sẽ hạn chế tối đa việc treo nợ thuế của người nộp thuế, giúp DN thông quan nhanh lô hàng, góp phần giảm thời gian thông quan, giảm được chi phí phát sinh cho DN.

DN chỉ cần sử dụng 1 Bảng kê nộp tiền nộp cho nhiều tờ khai. Bên cạnh đó, việc khai trên chứng từ nộp tiền, DN cũng chỉ cần khai chính xác các tiêu chí: Mã số thuế, số và ngày tờ khai, tên cơ quan Hải quan, tên Kho bạc Nhà nước, nội dung các khoản nộp ngân sách (tên sắc thuế), số tiền (các thông tin về mục lục NSNN do ngân hàng thương mại phối hợp thu tự điền). Nếu thông tin người nộp thuế kê khai chính xác, hệ thống chấp nhận ngay thông tin nộp tiền, trích tiền từ tài khoản của người nộp thuế tại các tổ chức tín dụng phối hợp thu và thông tin do Kho bạc Nhà nước truyền trên Cổng thông tin để cơ quan hải quan thông quan, hạch toán trừ nợ cho người nộp thuế.

Quy định tại Thông tư 126/2014/TT-BTC đã giúp giảm công tác đối chiếu chứng từ thủ công, tăng tốc độ xử lý thông tin, hạch toán thanh khoản nợ thuế, cập nhật thông tin thường xuyên về thuế, lệ phí, bảo lãnh thuế của các DN từ các địa phương trên cả nước, thực hiện việc xét ân hạn thuế, giải tỏa cưỡng chế và thông quan hàng hóa nhanh chóng, chính xác…

Đó là những lợi ích khi DN nộp thuế qua những ngân hàng đã ký kết thỏa thuận phối hợp thu với cơ quan Hải quan. Tuy nhiên, hiện nay, sở dĩ vẫn còn xảy ra tình trạng thông tin nộp tiền thuế của DN chậm, DN bị cưỡng chế thuế… là do người nộp thuế kê khai chưa chính xác, nộp qua các ngân hàng chưa ký kết phối hợp thu với Tổng cục Hải quan nên thông tin nộp thuế đến cơ quan Hải quan thường chậm, ít nhất là 01 ngày làm việc.

Với những lợi ích thiết thực, cộng đồng doanh nghiệp nên chủ động tìm hiểu thông qua các kênh tuyên truyền như cơ quan hải quan, cơ quan thuế, ngân hàng, kho bạc... để biết trình tự thủ tục quy định tại Thông tư 126/2014/TT-BTC để có thể triển khai được thuận lợi và nhanh chóng.