Hải quan Đồng Nai đối thoại, gỡ vướng cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu
Tiếp nối thành công tại Hội nghị đối thoại Hải quan – Doanh nghiệp tổ chức vào ngày 23/6/2023 và các hội nghị trực tuyến định kỳ hàng quý ở cấp Chi cục, chiều 3/11, Cục Hải quan Đồng Nai tiếp tục tổ chức Hội nghị đối thoại lần 2 năm 2023.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Đồng Nai Phạm Quốc Hùng cho biết, phát triển quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong Chương trình công tác trọng tâm hàng năm của ngành Hải quan nói chung và Cục Hải quan tỉnh Đồng Nai nói riêng.
Một trong những nội dung được đơn vị chú trọng thực hiện là phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp và các bên có liên quan tổ chức các buổi làm việc, đối thoại, tiếp xúc với doanh nghiệp để tăng cường giám sát thực thi pháp luật, cải thiện và nâng cao chỉ số đánh giá sự hài lòng của doanh nghiệp đối với cơ quan hải quan trên địa bàn quản lý.
Theo ông Phạm Quốc Hùng, Cục Hải quan Đồng Nai mong muốn được tiếp tục truyền tải những nội dung văn bản chính sách pháp luật mới, những cảnh báo vi phạm liên quan đến công tác quản lý nhà nước về hải quan. Đồng thời, lắng nghe, tiếp thu những ý kiến đóng góp của doanh nghiệp và các bên liên quan về những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị trong hoạt động xuất nhập khẩu để kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo lên cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết theo quy định.
Tại hội nghị, đại diện Cục Hải quan Đồng Nai đã trả lời các câu hỏi của doanh nghiệp về nhiều vấn đề như: Chuyển nhượng nhà máy trong nước, thực hiện hợp đồng gia công, làm thủ tục hải quan khi nhập khẩu hóa chất công nghiệp…
Liên quan đến câu hỏi của Công ty WEI TAI LEATHER CO về quy định mới đối với việc chuyển nhượng nhà máy trong nước, đại diện Cục Hải quan Đồng Nai cho biết, doanh nghiệp nhận chuyển nhượng cần thực hiện kê khai thay đổi mục đích sử dụng với cơ quan Hải quan theo qui định; thực hiện thủ tục thông báo danh mục miễn thuế (đối với trường hợp phải thông báo DMMT), đồng thời, hợp đồng chuyển nhượng phải có thỏa thuận Giá của hàng hóa chuyển nhượng không bao gồm thuế nhập khẩu.
Đối với nguyên phụ liệu, bán thành phẩm chuyển nhượng đã nhập khẩu theo loại hình nhập sản xuất xuất khẩu, thực hiện theo Điều 21 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 được sửa đổi bổ sung tại khoản 10 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/04/2018 của Bộ Tài chính. Theo đó, doanh nghiệp phải mở tờ khai mới và kê khai, nộp thuế đối với phần nguyên phụ liệu đã nhập khẩu theo loại hình sản xuất xuất khẩu nay chuyển đổi mục đích sử dụng.
Đối với phụ tùng thay thế và nguyên phụ liệu tồn kho đã nhập khẩu theo loại hình kinh doanh đã nộp thuế đầy đủ thì được phép chuyển nhượng như các hợp đồng mua bán nội địa, không thuộc đối tượng phải thực hiện khai báo hải quan.
Chia sẻ tại hội nghị, đại diện Hiệp hội Nhật Bản cho biết, Công ty nhập khẩu hóa chất công nghiệp (có số CAS và MSDS) phục vụ sản xuất, theo quy định tại Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 9/10/2017 và Nghị định số 57/2022/NĐ-CP ngày 25/8/2022, khi làm thủ tục hải quan có cần xuất trình COA không?
Giải đáp vướng mắc này, đại diện Cục Hải quan Đồng Nai hướng dẫn, MSDS là “Bảng chỉ dẫn an toàn hoá chất” - loại chứng từ thường có trong hồ sơ giao dịch nhập khẩu hoá chất; Mã CAS là chuỗi số định danh duy nhất cho tất cả các loại hóa chất, là thông tin bắt buộc phải được thể hiện trên MSDS. COA hay C/A là “Giấy chứng nhận phân tích” thành phần sản phẩm. Các thông số trong COA chủ yếu bao gồm các đặc tính vật lý và hoá học, thành phần sản phẩm, độ ẩm, độ acid… của 1 mẫu hàng hóa cụ thể.
Do hoá chất là hàng hoá đặc thù cần có thông tin chi tiết để xác định bản chất và áp dụng chính sách hàng hoá, nên Cục Hải quan Đồng Nai đề nghị Công ty căn cứ tên hóa chất theo tiếng Anh, Mã số HS, Mã số CAS trên MSDS, Công thức hóa học hàng hoá để đối chiếu thông tin tại các Phụ lục kèm Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 09/10/2017 của Chính phủ để thực hiện.
Việc xác định hàng hoá phải khai báo hoá chất dùng cho sản xuất, nhập khẩu, tham khảo các điều 25-29 Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 09/10/2017 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất. Tại Điều 27 quy định, tổ chức, cá nhân nhập khẩu hóa chất phải khai báo có trách nhiệm thực hiện khai báo hóa chất nhập khẩu trước khi thông quan qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. Trong đó, Phụ lục VI Mẫu số 05 “Bản khai báo hóa chất nhập khẩu qua Cổng thông tin một cửa quốc gia” quy định phải đính kèm “Tệp phiếu an toàn hóa chất” tại tiêu chí số 12.
Về việc khai báo tên hàng, Mô tả hàng hóa trên tờ khai, Công ty thực hiện theo hướng dẫn tại Tiêu chí 1.78 Phụ lục II Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính. Cụ thể, ghi rõ tên hàng (tiếng Việt hoặc tiếng Anh), quy cách phẩm chất, thông số kĩ thuật, thành phần cấu tạo, model, ký mã hiệu, đặc tính, công dụng của hàng hoá theo hợp đồng thương mại và tài liệu khác liên quan đến lô hàng. Công ty đính kèm MSDS/COA vào hồ sơ theo quy định khi phân tích, phân loại hoá chất.
Đối với vướng mắc của doanh nghiệp về hợp đồng gia công đang thực hiện cho cùng một khách hàng có thể sử dụng nguyên liệu nhập của hợp đồng gia công này làm hàng cho hợp đồng gia công khác, đại diện Cục Hải quan Đồng Nai cho biết, điểm c, khoản 3, điều 64 và điểm b3 khoản 5 Điều 86 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, công ty chỉ được sử dụng nguyên liệu nhập của hợp đồng gia công 1 cho hợp đồng gia công 2 (theo chỉ định của bên đặt gia công), sau khi tờ khai chuyển nguyên liệu hoàn thành thủ tục hải quan...
Cũng tại hội nghị, đại diện Cục Hải quan Đồng Nai đã giới thiệu các chính sách thuế xuất nhập khẩu được ban hành từ tháng 6 đến tháng 10/2023 tới cộng đồng doanh nghiệp.
Hội nghị đối thoại Hải quan – Doanh nghiệp là một hoạt động hữu ích góp phần tạo môi trường minh bạch, thông thoáng, nhất quán trong tuân thủ quy định pháp luật về hải quan tại địa bàn tỉnh Đồng Nai. Thông qua hội nghị này, cơ quan hải quan mong muốn doanh nghiệp chia sẻ, lan tỏa đến các doanh nghiệp khác có liên quan biết và thực hiện đúng chính sách, quy định của Nhà nước trong lĩnh vực hải quan.