Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia ngày càng hoàn thiện, trở thành "công cụ đắc lực" cho doanh nghiệp


Thời gian qua, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) đã không ngừng được hoàn thiện, hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế. Qua đó, trở thành công cụ đắc lực giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Áp dụng tiêu chuẩn quốc gia giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm. Nguồn: internet
Áp dụng tiêu chuẩn quốc gia giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm. Nguồn: internet

Là một trong 09 dự án thuộc Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt nam đến năm 2020”, dự án “Xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật” đã được cơ quan quản lý, các ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia và cộng đồng doanh nghiệp tích cực triển khai và mang lại nhiều hiệu quả thiết thực.

Để hệ thống TCVN thực sự trở thành công cụ đắc lực cho doanh nghiệp, cơ quan quản lý và người tiêu dùng, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng – Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các bộ, ngành đã và đang triển khai xây dựng, sửa đổi nhiều TCVN trong nhiều lĩnh vực.

Theo ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, đến nay, đã có khoảng 12.000 TCVN được sử dụng rộng rãi trong các hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh, khoa học và công nghệ; mức độ hài hòa của hệ thống TCVN đối với các tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt khoảng 56%, mục tiêu hài hòa đến hết năm 2020 là 60%.

Việc tăng cường hài hòa TCVN với tiêu chuẩn quốc tế sẽ giúp Việt Nam tiếp cận được với các tiến bộ về khoa học công nghệ, máy móc, thiết bị hiện đại và các công nghệ mới của thế giới. Đây cũng là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về chiến lược phát triển khoa học công nghệ giai đoạn 5 năm 2016-2020 và tầm nhìn 2030.

Hệ thống TCVN cũng thường xuyên được điều chỉnh và sửa đổi, soát xét và xây dựng mới nhằm đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu quản lý nhà nước và nhu cầu của doanh nghiệp, thúc đẩy thương mại phù hợp với thông lệ của quốc tế. Việc hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia đã đáp ứng được yêu cầu của sản xuất, kinh doanh và thương mại đối với các nhóm sản phẩm hàng hóa chủ lực; giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam, nhanh chóng đưa nền kinh tế Việt Nam hội nhập với kinh tế thế giới.

Cùng với công tác xây dựng hệ thống TCVN toàn diện, công tác phổ biến, hướng dẫn áp dụng các TCVN tại doanh nghiệp cũng là nội dung quan trọng được quan tâm triển khai. Với vai trò là cơ quan chủ trì thực hiện dự án “Xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật”, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với một số hiệp hội doanh nghiệp đẩy mạnh phổ biến, hướng dẫn áp dụng các TCVN cho các nhóm sản phẩm, hàng hóa; hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn cơ sở.

Trong giai đoạn 2016-2019, Bộ Khoa học và Công nghệ đã thực hiện phổ biến, hướng dẫn áp dụng  khoảng 350 TCVN thuộc các lĩnh vực, đối tượng sản phẩm, hàng hóa trọng điểm, chủ lực cho hơn 2000 tổ chức, doanh thông qua tổ chức các hội nghị, hội thảo và cho đông đảo hơn các tổ chức, doanh nghiệp khác thông qua biên soạn, phổ biến tài liệu công bố trên mạng internet. Tổ chức hướng dẫn xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn cơ sở cho khoảng 1500 lượt doanh nghiệp trong lĩnh vực cơ khí nông nghiệp, luyện kim, điện - điện tử, sản xuất sản phẩm nhựa, sản xuất sản phẩm giấy, nông nghiệp, thực phẩm...

Với việc triển khai áp dụng TCVN, QCVN, cộng đồng doanh nghiệp đã từng bước giải quyết được các vấn đề nội tại như: Giảm thiểu tỉ lệ hàng hóa phi tiêu chuẩn, giảm thiểu tỉ lệ nghiên cứu về những sản phẩm hàng hóa mới; chuẩn hóa các khâu của quá trình sản xuất, tiết kiệm chi phí nhờ giảm sai lỗi của sản phẩm, đơn giản hóa quá trình sản xuất.

Hệ thống TCVN, QCVN còn giúp doanh nghiệp kiểm soát chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Qua đó, nâng cao hình ảnh, uy tín doanh nghiệp trên thị trường, tăng sức cạnh tranh và góp phần đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế của cộng đồng doanh nghiệp.

Trong thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị liên quan tiếp tục phát triển hệ thống TCVN, tập trung xây dựng TCVN cho các nhóm sản phẩm, hàng hóa chủ lực, TCVN cho nông nghiệp hữu cơ, truy xuất nguồn gốc, sản xuất thông minh... Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động phổ biến, hướng dẫn áp dụng TCVN mới ban hành đến cộng đồng doanh nghiệp.