Hiện tượng trốn thuế và giải pháp hạn chế trốn thuế ở Việt Nam

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 Tháng 5/2020

Trốn thuế là một hiện tượng diễn ra phổ biến ở hầu hết các quốc gia cũng như tại Việt Nam. Trốn thuế tác động tiêu cực đến nền kinh tế, gây ra bất bình đẳng xã hội, làm xói mòn cơ sở thuế và thất thu ngân sách. Bài viết trình bày những nét cơ bản về hiện tượng trốn thuế, biểu hiện của các hành vi trốn thuế và đề xuất các biện pháp nhằm phòng, chống các hành vi gian lận thuế đang diễn ra tại Việt Nam.

Giới thiệu

Trong những năm qua, dù các cơ quan quản lý đã có rất nhiều nỗ lực trong việc kiểm soát quá trình kê khai, nộp thuế của các đối tượng nộp thuế nhưng tình trạng trốn thuế trên thực vẫn diễn ra phức tạp và tinh vi. Nhận định này tiếp tục được đưa ra tại các hội thảo, diễn đàn được tổ chức trong những năm gần đây như Hội thảo “Quản lý thuế và vai trò của Kiểm toán Nhà nước” (Phạm Huyền, 2019) được tổ chức ngày 9/5/2019 hay Diễn đàn Tài khóa và phát triển Việt Nam năm 2019 được tổ chức ngày 3/11/2019.

Trốn thuế nhìn chung là một hiện tượng kinh tế - xã hội phức tạp, ảnh hưởng không chỉ Việt Nam mà hầu hết tất cả các quốc gia trên thế giới. Đây cũng là đề tài cho rất nhiều nghiên cứu với mục đích hiểu được cơ chế, nguyên nhân và tìm ra giải pháp để hạn chế, ngăn chặn tình trạng trốn thuế (bởi vì việc loại trừ hoàn toàn hiện tượng này gần như “bất khả thi”).

Hiện tượng trốn thuế ở Việt Nam

Khái niệm trốn thuế

Từ điển Cambridge định nghĩa: “Trốn thuế là những cách thức bất hợp pháp mà các cá nhân hoặc doanh nghiệp sử dụng để giảm số thuế phải nộp”. Văcărel và các cộng sự (2004, trang 431) lại cho rằng, trốn thuế là làm giảm một phần nhỏ hoặc lớn hơn các khoản chịu thuế. Trong khi đó, Julia Kagan (2019) cho rằng, trốn thuế là một hoạt động bất hợp pháp, trong đó một người hoặc tổ chức cố tình tránh phải trả một nghĩa vụ thuế thực sự.

Cần phân biệt trốn thuế và tránh thuế. Trốn thuế trong mọi trường hợp là bất hợp pháp và được thực hiện một cách cố ý, bởi người nộp thuế trong khi tránh thuế là việc sử dụng các phương pháp hợp pháp nhằm giảm số tiền thuế phải nộp (Julia Kagan, 2019) - như ghi nhận các khoản khấu trừ hoặc sử dụng lá chắn thuế như khấu hao hay chi phí lãi vay. 

Nguyên nhân và các hình thức trốn thuế hiện nay tại Việt Nam

Trốn thuế gây ảnh hưởng tiêu cực đến bất kỳ nền kinh tế nào và để ngăn ngừa và chống lại hiện tượng này cần hiểu rõ nguyên nhân của việc trốn thuế. Các nghiên cứu trên thế giới cũng như ở Việt Nam đã chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến việc người nộp thuế thực hiện hành vi trốn thuế, bao gồm:

Cần phân biệt trốn thuế và tránh thuế. Trốn thuế trong mọi trường hợp là bất hợp pháp và được thực hiện một cách cố ý, bởi người nộp thuế trong khi tránh thuế là việc sử dụng các phương pháp hợp pháp nhằm giảm số tiền thuế phải nộp (Julia Kagan, 2019) - như ghi nhận các khoản khấu trừ hoặc sử dụng lá chắn thuế như khấu hao hay chi phí lãi vay.

Thứ nhất, thuế suất càng cao càng tạo ra tâm lý né tránh kê khai thu nhập chịu thuế hay giá tính thuế (đối với thuế nhập khẩu). Điều này tạo ra các hành vi chuyển giá của các doanh nghiệp đa quốc gia nhằm nộp thuế ở những nước có thuế suất thấp hơn hay che giấu các khoản doanh thu, thu nhập thu nhập hoặc ngược lại ghi tăng chi phí đối với các doanh nghiệp khác. Các cá nhân không kê khai các khoản thu nhập không có chứng từ rõ ràng hoặc chỉ mới tạm khấu trừ thuế tại nguồn. Các đơn vị nhập khẩu kê khai giá nhập khẩu thấp hơn giá giao dịch để nộp thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng thấp.

Thứ hai, mặc dù liên tục được cải tiến, sửa đổi bổ sung nhưng các luật thuế thuế vẫn còn kẽ hở mà người nộp thuế có thể nhắm vào đó để thực hiện các hành vi gian lận thuế. Hành vi thực hiện nhiều nhất là mua, bán hóa đơn để hợp thức hóa giao dịch; thành lập doanh nghiệp ma để bán hóa đơn sau đó bỏ trốn.

Thứ ba, sự thiếu ý thức của người dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế: Trình độ của một bộ phận dân cư còn thấp, nhất là trong việc nắm bắt các quy định, nội dung của các luật thuế. Điều này dẫn đến tình trạng tiếp tay với các hành vi cố ý của các doanh nghiệp trong việc mua bán hàng hóa, sử dụng hóa đơn nhằm trục lợi. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền chính sách thuế của Nhà nước nhìn chung vẫn chưa đến được với mọi tầng lớp dân cư, nên người dân không nhận thức rõ nghĩa vụ và quyền lợi khi đóng góp vào ngân sách nhà nước.

Thứ tư, những hạn chế trong việc quản lý thuế của cơ quan thuế và các đội ngũ thực thi pháp luật khác: Đội ngũ công chức thuế chưa được trang bị đầy đủ về các biện pháp phòng, chống các hiện tượng trốn thuế, nhất là đội ngũ cán bộ thanh tra, kiểm tra. Một bộ phận cán bộ công chức thuế còn trục lợi, không liêm khiết, thỏa hiệp với người nộp thuế để bỏ qua các hành vi gian lận; chưa có cơ chế phối hợp tốt giữa cơ quan thuế và các cơ quan công an, kiểm toán nhà nước.

Thứ năm, sự tồn tại các giao dịch bằng tiền mặt, cộng với sự nở rộ của các dịch vụ chia sẻ như dịch vụ lưu trú Airbnb hay dịch vụ vận chuyển Grab, các trang thương mại điện tử với nhiều tài khoản kinh doanh như Lazada, Tiki, Shopee, …; các dịch vụ quảng cáo trực tuyến của Google, Yahoo, Youtube … tạo ra nhiều nguy cơ trốn thuế: Các luật thuế hiện tại quy định giao dịch thanh toán dưới 20 triệu đồng có thể dùng tiền mặt thì vẫn được khấu trừ thuế hay tính và chi phí được trừ, nhưng các giao dịch cá nhân như mua bán, chuyển nhượng tài sản, trả thù lao không theo hợp đồng lao động thì rất khó kiểm soát. Các giao dịch chia sẻ có thể không được ghi nhận hoặc xóa bỏ sau khi thực hiện. Doanh thu của các dịch vụ quảng cáo trực tuyến, bán hàng trực tuyến cũng không được khai báo hoặc khai báo không đúng với thực tế, các dữ liệu giao dịch có thể bị sửa đổi hoặc xóa bỏ sau khi thực hiện.

Giải pháp hạn chế các hành vi trốn thuế

Cuộc chiến chống lại các hành vi gian lận thuế là một cuộc chiến dai dẳng và phức tạp đòi hỏi cơ quan quản lý thuế phải dành nhiều thời gian, công sức để tiến hành nhằm đảm bảo nguồn thu ngân sách quốc gia. Để thực hiện được một cách có hiệu quả việc phòng, chống các hành vi gian lận, trốn thuế cần thực hiện một số giải pháp quan trọng nhằm góp phần hạn chế tình trạng thất thu thuế nhà nước.

Thứ nhất, tiếp tục cải cách, đổi mới chính sách thuế theo hướng đơn giản hóa các quy định, rõ ràng minh bạch, công bằng và mang tính ổn định lâu dài để người nộp thuế dễ dàng nắm bắt và thuận tiện trong việc tuân thủ các quy trình kê khai, nộp thuế.

Thuế suất của các sắc thuế cần được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình kinh tế của Việt Nam và có tính cạnh tranh với các nước, hạn chế tình trạng chuyển giá của các doanh nghiệp... Ngoài ra, cần điều chỉnh các chế tài đối với các hành vi trốn, gian lận thuế theo hướng tăng nặng hơn nhằm mang tính răn đe, kết hợp với việc xử lý nghiêm minh, công bằng sẽ làm cho người nộp thuế e dè khi thực hiện các hành vi trốn thuế.

Thứ hai, tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với người nộp thuế; cần nâng cao năng lực phân tích đánh giá của đội ngũ cán bộ công chức thuế nhằm nhanh chóng phát hiện các hành vi gian lận thuế quen thuộc.

Đội ngũ công chức thuế được đào tạo bài bản hơn về kế toán, phân tích tài chính doanh nghiệp, phân tích các giao dịch liên kết nhằm phát hiện những hành vi gian lận tinh vi hơn. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thuế với cơ quan kiểm toán nhà nước và công an nhằm điều tra các đối tượng có nguy cơ. Cơ quan kiểm toán nhà nước cần tăng cường kiểm toán tuân thủ về thuế để trên cơ sở đó hỗ trợ cơ quản thuế trong phòng, chống gian lận thuế; phối hợp với ngân hàng, kho bạc tra soát các giao dịch bất thường, có dấu hiệu vi phạm để làm cơ sở cho việc tiến hành thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp.

Thứ ba, đẩy nhanh quá trình ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý thuế. Hiện nay, toàn bộ hệ thống thuế đã được kết nối và một số doanh nghiệp đã thực hiện kết nối thông tin với cơ quan thuế và hải quan. Tuy nhiên, cần tăng cường mở rộng việc kết nối đến các đối tượng khác, tiến tới việc tạo cơ sở dữ liệu thuế cho toàn dân. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 119/2018/NĐ-CP và Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 68/2019/TT-BTC để hướng dẫn thực hiện Nghị định số 119/2018/NĐ-CP về việc áp dụng hóa đơn điện tử.

Hiện nay, toàn bộ hệ thống thuế đã được kết nối và một số doanh nghiệp đã thực hiện kết nối thông tin với cơ quan thuế và hải quan. Tuy nhiên, số lượng còn hạn chế nên cần tăng cường mở rộng việc kết nối đến các đối tượng khác, tiến tới việc tạo cơ sở dữ liệu thuế cho toàn dân.

Theo đó, đến 1/11/2020, tất cả các doanh nghiệp phải sử dụng hóa đơn điện tử trong các giao dịch của mình. Đây là một bước đi mạnh mẽ trong việc hạn chế các gian lận liên quan đến hóa đơn, hạn chế bớt tình trạng sử dụng hóa đơn giả, mua bán hóa đơn bất hợp pháp. Mặc dù vậy, tình hình chuyển đổi sang áp dụng hóa đơn điện tử ở các địa phương cũng gặp khó khăn do phần lớn các doanh nghiệp ở Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ nên trình độ ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế. Tuy nhiên, biện pháp này phải kết hợp với việc kiểm soát các giao dịch trực tuyến, nhất là của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chia sẻ hay quảng cáo trực tuyến như đề cập ở phần trên.

Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ, thương mại điện tử phát triển nhanh chóng và tỏ ra có ưu thế trong tình hình dịch bệnh đầu năm 2020. Việc các doanh nghiệp sử dụng các phần mềm điều khiển vào hệ thống ghi nhận bán hàng tự động để giảm doanh số bán hòng trốn thuế đang diễn ra phổ biến trên thế giới và Việt Nam. Do đó, khi chuyển đổi sang sử dụng hóa đơn điện tử, cơ quan quản lý thuế cần yêu cầu các thiết bị ghi nhận doanh số hoặc máy tính tiền phải kết nối với cơ quan thuế hoặc được cung cấp bởi các tổ chức đã được kiểm định của Nhà nước nhằm hạn chế người bán can thiệp để thay đổi dữ liệu bán hàng.

Thứ tư, cần tiếp tục đẩy mạnh việc phổ biến kiến thức về thuế đến toàn dân hiệu quả hơn, từ đó tác động đến ý thức của người nộp thuế. Hiện nay, các kênh tuyên truyền chủ yếu thông qua các phương tiện trực tuyến (do số lượng người dùng internet thường xuyên tại Việt Nam đã đạt 64 triệu người năm 2019 theo Vnetwork). Tuy nhiên, số lượng người thực sự truy cập vào các nội dung liên quan đến chính sách thuế chiếm một tỷ trọng chưa cao trong số người dùng internet.

Các phương tiện thông tin đại chúng khác như truyền hình, radio hay báo in cũng chỉ cung cấp giới hạn các thông tin liên quan đến chính sách thuế. Vì vậy, cần nghiên cứu và tăng cường triển khai nhiều hình thức phổ biến thông tin về các chính sách thuế tới mọi đối tượng người dân như nhắn tin qua điện thoại; mời đại diện người dân tham gia các buổi thảo luận, đối thoại trực tiếp về các chính sách sắp sửa được ban hành hay sửa đổi bổ sung.    

Tài liệu tham khảo:

Phạm Huyền (2019), Hành vi trốn thuế, gian lận thuế ngày càng phức tạp, tinh vi, http://cand.com.vn/Thi-truong/Hanh-vi-tron-thue-gian-lan-thue-ngay-cang-phuc-tap-tinh-vi-544498/;

VEPR (2019), Diễn đàn Chính sách Tài khóa và Phát triển Việt Nam 2019, http://vepr.org.vn/533/news-detail/1801125/su-kien-gan-day/dien-dan-chinh-sach-tai-khoa-va-phat-trien-viet-nam-2019.html;

Nguyễn Mạnh Cường (2019), Nhận diện các thủ đoạn trốn thuế và đề xuất một số giải pháp phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật về thuế, http://csnd.vn/Home/Nghien-cuu-Trao-doi/6558/Nhan-dien-cac-thu-doan-tron-thue-va-de-xuat-mot-so-giai-phap-phong-ngua-toi-pham-vi-pham-phap-luat-ve-thue;

Julia Kagan (2019), Tax Evasion https://www.investopedia.com/terms/t/taxevasion.asp.