Hỗ trợ phi tài chính – Giải pháp đảm bảo tính bền vững, hiệu quả của các chương trình tín dụng chính sách

PGS., TS. Lê Thị Kim Nhung - Trường Đại học Thương Mại

Với đặc trưng khách hàng của tín dụng chính sách xã hội là người nghèo, những người yếu thế trong xã hội, việc thiết kế các sản phẩm tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội mang những nét đặc trưng riêng và phải tiến hành theo những phương thức đặc biệt mới có thể đem lại hiệu quả mong muốn. Bài viết phân tích phương thức cho vay uỷ thác qua tổ chức chính trị-xã hội kết hợp với các giải pháp hỗ trợ phi tài chính để vốn vay đến được với người nghèo, cung cấp cho người nghèo công cụ để tự vươn lên, thoát nghèo một cách bền vững.

Mô hình cho vay ủy thác qua các tổ chức chính trị-xã hội và các hỗ trợ phi tài chính

Sau hơn 20 năm hoạt động, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã khẳng định sứ mệnh là một công cụ tín dụng chính sách hiệu quả để thực hiện hoá mục tiêu xoá đói giảm nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thành quả đạt được cho thấy, sự nỗ lực, kiên trì, quyết tâm cao, phát huy nội lực của NHCSXH và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội, đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng

NHCSXH đã có nhiều đổi mới, cải tiến về phương thức tổ chức, về sản phẩm dịch vụ và không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, khẳng định sứ mạng là một công cụ tín dụng chính sách hiệu quả để thực hiện hoá mục tiêu xoá đói giảm nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Theo đó, hoạt động cho vay hộ nghèo theo phương thức uỷ thác toàn phần qua các tổ chức tín dụng đã được chuyển sang phương thức cho vay uỷ thác từng phần qua các tổ chức chính trị-xã hội. Từ năm 2005 đến nay, trên cơ sở đề nghị của NHCSXH và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, nguồn vốn tín dụng của NHCSXH cơ bản được ủy thác thông qua các tổ chức chính trị-xã hội, đó là: Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.

Cho vay uỷ thác từng phần qua các tổ chức chính trị-xã hội là việc NHCSXH uỷ quyền cho các tổ chức chính trị-xã hội thực hiện một số công việc trong quy trình nghiệp vụ cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác của NHCSXH và các tổ chức chính trị-xã hội được NHCSXH trả một khoản phí uỷ thác theo các văn bản thoả thuận và hợp đồng uỷ thác đã được 2 bên ký kết. Các nội dung ủy thác được thực hiện bằng Văn bản liên tịch ký với Hội cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; Hợp đồng ủy thác ký với Hội cấp xã.

Nội dung công việc tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác thực hiện trên cơ sở phát huy điều kiện thực tế và thế mạnh vốn có của các tổ chức chính trị-xã hội như: công tác tuyên truyền vận động, công tác kiểm tra và giám sát, một số hoạt động khác phối hợp giữa NHCSXH và tổ chức chính trị-xã hội. Phương thức ủy thác qua các tổ chức chính trị-xã hội đã làm tốt được công tác xã hội hóa mục tiêu xóa đói giảm nghèo, tạo sự minh bạch, chính xác cho công tác xác định đối tượng thụ hưởng chính sách, hạn chế phát sinh các tiêu cực. Sự tham gia của các tổ chức chính trị-xã hội phối hợp với các tổ chức khuyến nông trong quy trình cho vay đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của tổ chức chính trị-xã hội giúp nhân dân tiếp cận, thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước, tạo một kênh dẫn vốn hữu hiệu, tin cậy đối với nhân dân và cấp ủy Đảng, chính quyền; giúp cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận với dịch vụ tài chính, hoạt động tiết kiệm của NHCSXH một cách nhanh chóng, thuận lợi, an toàn và hiệu quả, tiết kiệm thời gian và chi phí khi vay vốn. Thông qua việc bình xét công khai hộ vay vốn, phát huy vai trò của tổ chức chính trị-xã hội đảm bảo đưa vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng.

Với sự vào cuộc, tham gia vào quy trình vay vốn của các tổ chức chính trị-xã hội, các hộ nghèo không chỉ nhận được vốn vay, mà còn nhận được nhiều sự hỗ trợ phi tài chính khác để giúp họ biết sản xuất, kinh doanh, biết làm kinh tế. Các biện pháp hỗ trợ phi tài chính được triển khai một cách thiết thực thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của từng địa bàn dân cư, phù hợp với hoàn cảnh của từng hộ gia đình vay vốn, do vậy đã đem lại hiệu quả mong muốn. Một vài ví dụ điển hình như:

- Dự án hỗ trợ các hộ nghèo vùng cao của tỉnh Hà Giang vay vốn của NHCSXH để làm homestay đón khách du lịch: Ngoài giải ngân vốn vay kịp thời để đồng bào người Dao, người H’mông cải tạo/xây dựng nhà cửa thành các phòng trọ cho thuê, các hộ nghèo vay vốn được đào tạo, hướng dẫn về tiêu chuẩn của các phòng trọ homestay, về cách giới thiệu danh lam thắng cảnh với khách du lịch; được hướng dẫn về cách làm các món ăn đa dạng phục vụ khách du lịch. Chính nhờ các biện pháp hỗ trợ này mà nhận thức của đồng bào đã thay đổi, đồng bào biết yêu quê hương đất nước hơn, biết cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên ban tặng, biết yêu quý bản làng, tự giác tôn tạo cảnh quan, đường đi lối lại, biết canh tác đa dạng để phục vụ cuộc sống và khách du lịch... Đời sống vật chất và văn hoá, tinh thần của đồng bào nhờ vậy đều được nâng lên.

- Dự án hỗ trợ các hộ nghèo của tỉnh Bắc Giang vay vốn NHCSXH (chương trình cho vay giải quyết việc làm, cho vay hộ sản xuất, kinh doanh SXKD vùng khó khăn, cho vay hộ mới thoát nghèo...): Các hộ vay vốn được các tổ chức chính trị-xã hội kết nối để nhận được sự hỗ trợ về kỹ thuật canh tác (trồng và chăm sóc vải, cam theo đúng tiêu chuẩn VietGap), từ đó đáp ứng tiêu chuẩn để có thể xuất khẩu.

Nếu vốn vay từ NHCSXH được ví như “cái cần câu” thì các hỗ trợ phi tài chính kèm theo gói tín dụng được ví như “dạy cách câu cá”, cách làm này giúp cho người nghèo thay đổi nhận thức, thay đổi tư duy, lối sống, tích cực vươn lên để thoát nghèo một cách bền vững.

Nhận định qua nghiên cứu

Có thể khẳng định, thông qua phương thức uỷ thác, NHCSXH đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị-xã hội từ cấp Trung ương đến địa phương để chuyển tải nguồn vốn tín dụng đến hàng triệu người nghèo và các đối tượng chính sách. Phương thức uỷ thác đã phát huy được những điểm mạnh của tổ chức hội, đoàn thể có mạng lưới, cán bộ ở địa bàn các xã và có chi hội hoạt động ở thôn, ấp, bản, buôn, gần dân nhất. Họ cùng tham gia trong việc phổ biến, tuyên truyền chính sách, bình xét cho vay, giám sát sử dụng vốn vay, đôn đốc người vay trả nợ, hỗ trợ người vay các dịch vụ phi tài chính khác để giúp người đi vay biết cách sử dụng vốn vay một cách hiệu quả. Việc hình thành các tổ tiết kiệm và vay vốn tại địa bàn dân cư đã hỗ trợ người nghèo và đối tượng chính sách tiếp cận vốn vay một cách nhanh chóng, thuận tiện. Chính công tác này đã tạo ra sự tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng những người có hoàn cảnh khó khăn trên cùng một địa bàn. Sự cam kết hỗ trợ lẫn nhau giữa các tổ viên tổ tiết kiệm và vay vốn trong việc sử dụng vốn vay, trả nợ gốc và lãi đúng hạn, sự giám sát lẫn nhau trong quá trình sử dụng vốn vay đã góp phần nâng cao chất lượng sử dụng vốn của chính người đi vay. Mặt khác, việc cho vay qua tổ tiết kiệm và vay vốn được thực hiện công khai, dân chủ đã tăng cường sự đoàn kết, tình làng, nghĩa xóm, nâng cao vai trò trách nhiệm cộng đồng, thúc đẩy tinh thần tự giác trả nợ của người vay. Tổ tiết kiệm và vay vốn là nơi các tổ viên sinh hoạt thường xuyên, qua đó cùng nhau học tập, trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao khoa học kỹ thuật, kỹ năng sản xuất, kinh doanh, giúp nhau sử dụng vốn vay đúng mục đích và đạt hiệu quả mong muốn, ổn định và gia tăng thu nhập.

NHCSXH đã phối hợp với chính quyền địa phương thiết lập và triển khai có hiệu quả điểm giao dịch xã trên địa bàn cả nước với 10.435 điểm giao dịch lưu động. Phương thức “giao dịch tại nhà, giải ngân, thu nợ tại xã” là hoạt động đặc trưng, riêng có của NHCSXH. Với việc thực hiện đầy đủ các nghiệp vụ giải ngân, thu nợ, thu lãi, nhận tiền gửi, tiếp nhận hồ sơ, xử lý nợ, thực hiện các dịch vụ thanh toán, tổ chức giao ban với chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn… để thông tin kết quả triển khai chính sách tín dụng trên địa bàn và kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh. Phương thức tác nghiệp sáng tạo này đã đạt được nhiều mục tiêu: (i) Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiết giảm chi phí, thời gian giao dịch với ngân hàng; (ii) Cán bộ NHCSXH gần dân, sát dân, duy trì mối quan hệ chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương trong quá trình thực thi nhiệm vụ; (iii) Cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội có điều kiện giám sát hoạt động của ngân hàng; tiếp cận, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, góp phần làm cho chính quyền gần dân, dân gần chính quyền; tạo mối liên hệ gắn bó mật thiết giữa Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, NHCSXH và người dân; góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và củng cố quốc phòng - an ninh.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, phương thức cho vay uỷ thác qua các tổ chức chính trị-xã hội vẫn còn một số bất cập, hạn chế như sau:

- Là đơn vị nhận ủy thác, các tổ chức chính trị-xã hội đảm nhận 6/9 nội dung công việc trong quy trình cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Tuy nhiên, tại một số địa phương các tổ chức chính trị-xã hội chưa bao quát toàn diện các nội dung công việc được uỷ thác, mới chủ yếu quan tâm tới việc giải ngân, thu nợ, công tác tuyên truyền, hỗ trợ các dịch vụ phi tài chính, giám sát sau khi vay… chưa được chú trọng đúng mức. Thực trạng này khiến cho một bộ phận khách hàng vay vốn của NHCSXH nhận thức về chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ như là “một khoản cho không” và họ thiếu ý thức hoàn trả nợ vay hoặc trông chờ, ỷ lại, không muốn thoát nghèo.

- Phí dịch vụ uỷ thác phân chia cho tổ chức chính trị-xã hội cấp xã và tổ tiết kiệm và vay vốn chưa thực sự hợp lý, chưa tương xứng với khối lượng công việc họ phải thực hiện, chưa tạo động lực, khuyến khích cán bộ ở cấp trực tiếp này toàn tâm toàn ý cho công việc được giao.

- Việc phân định chức năng, nhiệm vụ và mối quan hệ phối hợp giữa tổ chức chính trị-xã hội với tổ tiết kiệm và vay vốn chưa thực sự rõ ràng, cụ thể và minh bạch, chưa tách bạch được chức năng làm uỷ thác của Hội với chức năng tác nghiệp của Tổ tiết kiệm và vay vốn, hoạt động của Hội và Tổ chưa đảm bảo tính độc lập với nhau nên chưa phát huy được vai trò giám sát của Hội đối với hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn. Một số địa phương, chủ tịch hoặc thành viên Ban thường vụ Hội cấp xã kiêm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn.

- Đặc biệt, vấn đề hỗ trợ dịch vụ phi tài chính chưa được quan tâm chú trọng để được đầu tư đúng mức. Tại nhiều địa phương, công tác tập huấn, đào tạo cho cán bộ Hội, cho Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn chưa bài bản dẫn đến tính chuyên nghiệp trong công tác chưa cao, lúng túng khi thực thi nhiệm vụ, mất nhiều thời gian, công sức nhưng hiệu quả không cao; việc tổ chức sinh hoạt định kỳ của Tổ tiết kiệm và vay vốn còn yếu kém, mang tính hình thức, nội dung sinh hoạt nghèo nàn, thiếu, rất thiếu những khoá đào tạo về kiến thức, kỹ năng về trồng trọt, chăn nuôi, làm dịch vụ, quản lý tài chính cá nhân, kỹ năng tìm kiếm thị trường đầu ra và thiết lập các kênh bán hàng,… Thực trạng này dẫn tới, một số hộ nghèo (nhất là ở vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn) thuộc đối tượng được vay vốn, nằm trong danh sách được duyệt vay của chương trình tín dụng nhưng không biết khi nhận vốn vay về họ sẽ làm gì và làm như thế nào; hoặc một số trường hợp thì sau khi dùng vốn vay nuôi trồng ra sản phẩm nhưng không tìm được thị trường, không tìm được đầu ra cho sản phẩm…

Một số khuyến nghị, đề xuất

Với thực tế nêu trên, để phần nào khắc phục những bất cập, hạn chế nêu trên, trước hết NHCSXH cần có kế hoạch thường niên về bồi dưỡng, đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp cho cán bộ tín dụng, cán bộ Hội, Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn sao cho sát với yêu cầu của thực tế theo từng vùng miền. Bởi đối tượng khách hàng của NHCSXH là người nghèo, đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương, trình độ văn hoá và hiểu biết còn nhiều hạn chế; một bộ phận khách hàng còn chưa biết viết chữ, chưa trao đổi được bằng tiếng phổ thông dẫn dến những khó khăn trong thực hiện các giao dịch với ngân hàng, như việc ký trên các chứng từ, hồ sơ; việc kiểm đếm tiền, kê tiền, trao đổi và trả lời các câu hỏi từ phía cán bộ ngân hàng… Thực tế cho thấy, năng lực, kinh nghiệm, trách nhiệm, đạo đức của tổ trưởng và các thành viên Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn là nhân tố ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả và chất lượng tín dụng. Trong quy trình cho vay, kể từ khâu thành lập, kiện toàn Tổ tiết kiệm và vay vốn; tuyên truyền chính sách tín dụng ưu đãi, vận động hộ vay vốn; hướng dẫn hộ vay làm hồ sơ; tổ chức họp Tổ để bình xét cho vay; phối hợp giải ngân; kiểm tra, giám sát hộ vay sử dụng vốn vay; ghi chép, theo dõi và lưu trữ hồ sơ sổ sách; đôn đốc hộ vay thực hiện các nghĩa vụ trả nợ, trả lãi… và thực hiện Quy ước hoạt động của Tổ đều do Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn trực tiếp thực hiện. Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn là người đại diện của Tổ trong giao dịch với Ngân hàng và trực tiếp theo dõi quản lý các tổ viên vay vốn, thực hiện các nghiệp vụ do Ngân hàng ủy nhiệm, do đó rất cần được bồi dưỡng để họ làm việc ngày càng chuyên nghiệp hơn.

Mặt khác, để tạo động lực cho cán bộ Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn, Tổ trưởng và cán bộ Hội phụ trách địa bàn vay vốn, cần có cơ chế khuyến khích bằng mức phí uỷ thác phù hợp, tương xứng với công sức mà họ đã bỏ ra khi thực hiện nhiệm vụ; khi đạt kết quả vượt định mức được giao cần có chế độ khen thưởng xứng đáng.

Cần nghiên cứu để có quy định cụ thể hơn, rõ ràng và minh bạch về cơ chế phối hợp giữa NHCSXH với tổ chức chính trị-xã hội, với tổ tiết kiệm và vay vốn để đảm bảo sự tham gia và tăng cường tính trách nhiệm của các bên liên quan trong phối hợp tổ chức thực hiện các chương trình tín dụng chính sách thông qua mô hình tổ chức và phương thức cho vay uỷ thác. Việc phân công nhiệm vụ hợp lý trong Ban lãnh đạo của các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác; việc bố trí lãnh đạo, cán bộ của các tổ chức chính trị-xã hội để thực hiện các nội dung trong văn bản thỏa thuận và hợp đồng ủy thác; năng lực, kinh nghiệm, trách nhiệm, đạo đức của các cán bộ; công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của tổ chức chính trị-xã hội với hoạt động ủy thác là nhân tố ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng hoạt động cho vay ủy thác. Cần phối hợp chặt chẽ giữa NHCSXH với Hội để củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn; hướng dẫn Ban quản lý Tổ nghiêm túc thực hiện đầy đủ các nội dung đã được ký kết với NHCSXH; Nâng cao vai trò giám sát giữa các thành viên trong Tổ, có trách nhiệm kiểm tra sử dụng vốn lẫn nhau, cộng đồng trách nhiệm trong việc trả nợ gốc và lãi cho Ngân hàng.

NHCSXH các cấp cần chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước về tín dụng chính sách trên địa bàn của từng địa phương; Lồng ghép gắn kết cho vay vốn với thực hiện các chương trình dự án và định hướng, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội địa phương

Ngoài ra, cần tăng cường hơn nữa việc triển khai các dịch vụ hỗ trợ phi tài chính: Để hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu và thực hiện nghĩa vụ hoàn trả vốn, lãi cho ngân hàng, rất cần các hỗ trợ phi tài chính đi kèm các gói cho vay. Bởi khách hàng vay vốn của NHCSXH phần nhiều sống ở vùng nôn thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn nên điều kiện tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khả năng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ phát triển sản xuất, cải thiện đời sống còn nhiều hạn chế. Các cán bộ NHCSXH và cán bộ Hội cần chủ động tìm kiếm và kết nối với các trung tâm khuyến nông trạm thú y, trạm bảo vệ thực vật..., tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; phối hợp bồi dưỡng nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho người vay vốn; kết nối với các trường đại học, các tổ chức phi chính phủ và các hiệp hội để tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm, tổ chức các buổi tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng quản lý tài chính cá nhân, đổi mới tư duy quản lý tài chính, tạo thói quen tiết kiệm để gửi tiền vào NHCSXH, tạo nguồn vốn trả nợ. Các hỗ trợ phi tài chính cần được tổ chức dưới nhiều hình thức đa dạng như: đưa vào nội dung sinh hoạt chi hội, sinh hoạt tổ, tổ chức tọa đàm, hội thi, tập huấn, hội nghị, biên soạn tài liệu, tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông như: hệ thống loa truyền thanh cơ sở, nhóm zalo, facebook...

Tài liệu tham khảo

  1. Thủ tướng Chính phủ (2023), Quyết định số 05/2023/QĐ-TTg ngày 05/01/2023 về Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030;
  2. UBND tỉnh Bắc Giang (2019), Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2014-2019;
  3. UBND tỉnh Hà Giang (2019), Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2014-2019;
  4. NHCSXH (2022), Báo cáo tổng kết 20 năm triển khai chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Thủ tướng chính phủ;
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 4/2024