Hướng tới một hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật phù hợp quốc tế
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTAs), doanh nghiệp xuất khẩu ngày càng đối mặt với nhiều quy định, yêu cầu nghiêm ngặt về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Chính vì vậy, việc sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật (TC&QCKT) sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam hướng tới một hệ thống tiêu chuẩn và kỹ thuật phù hợp với cam kết quốc tế.
Số liệu từ thực tiễn là thước đo hiệu quả của chính sách
Được đánh giá là dấu mốc quan trọng trong lịch sử xây dựng và hoàn thiện pháp luật về TC&QCKT của nước ta, sau hơn 15 năm thực hiện, Luật TC&QCKT đã đưa hoạt động tiêu chuẩn hóa nâng lên cả chất và lượng, phù hợp hơn với thông lệ quốc tế, góp phần thúc đẩy nâng cao năng suất chất lượng, năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa chủ lực của Việt Nam.
Đến nay, trên cơ sở Luật TC&QCKT, hệ thống các văn bản pháp luật về lĩnh vực này cũng đã được ban hành tương đối đầy đủ và đồng bộ, tạo khung pháp lý cần thiết cho việc triển khai hoạt động quản lý nhà nước, đảm bảo sự thống nhất trong việc áp dụng pháp luật về TC&QCKT, góp phần tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh.
Chính vì vậy, để Luật nhanh chóng đi vào cuộc sống, các bộ, ngành đã nhanh chóng “vào cuộc” đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền đến cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc lĩnh vực quản lý. Là một trong số các cơ quan có chức năng thực thi và quản lý nhà nước về những lĩnh vực liên quan mật thiết đến TC&QCKT như công nghiệp và thương mại, xuất nhập khẩu, thương mại biên giới, hội nhập kinh tế quốc tế, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phòng vệ thương mại… thời gian qua, Bộ Công Thương đã đặc biệt quan tâm đến việc quán triệt, phổ biến nội dung các quy định của pháp luật về TC&QCKT.
Theo đó, một mặt đẩy mạnh tuyên truyền mặt khác, Bộ Công Thương còn tổ chức hướng dẫn triển khai áp dụng QCVN cho các doanh nghiệp, các địa phương. Đối với một số mặt hàng có tác động lớn hơn đến kinh tế - xã hội như: mũ bảo hiểm, đồ chơi trẻ em, thiết bị điện - điện tử - công nghệ thông tin - truyền thông, xăng dầu, sắt thép, vàng trang sức mỹ nghệ, sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm tiêu dùng, đồ uống, vật liệu xây dựng, thiết bị công nghiệp… Bộ Công Thương còn lồng ghép vào công tác kiểm tra, kiểm soát đo lường chất lượng sản phẩm hàng hóa hàng năm để hướng dẫn doanh nghiệp trong việc chấp hành các quy định của pháp luật và quy định tại QCVN tương ứng.
Mặt khác, với hệ thống hơn 13.000 TCVN và trên 800 QCVN bao trùm hầu như tất cả các khía cạnh của cuộc sống như xăng dầu, nhiên liệu sinh học, phương tiện giao thông, phòng cháy chữa cháy, vật liệu xây dựng, rác thải y tế... giúp người tiêu dùng đảm bảo an toàn sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Theo đánh giá, các hoạt động này đã từng bước tạo sự chuyển biến tích cực cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là cho cán bộ các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp về TC&QCKT, góp phần làm giảm tình trạng vi phạm trong lĩnh vực này ở các địa phương. Các doanh nghiệp hiểu và áp dụng đúng các QCVN, TCVN, tiếp cận và cập nhật thông tin, công nghệ tiên tiến thông qua TC&QCKT, từ đó có điều chỉnh kịp thời trong hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp với yêu cầu của quản lý nhà nước, xã hội, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, tăng sức cạnh tranh, thuận lợi cho việc tiếp cận thị trường trong thời kỳ hội nhập.
Việc triển khai thi hành các văn bản pháp luật về TC&QCKT đã góp phần thúc đẩy, khuyến khích các hoạt động sản xuất kinh doanh, từng bước xây dựng nền móng ý thức tôn trọng pháp luật về TC&QCKT từ phía các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân.
Nhờ đó, người tiêu dùng được bảo vệ quyền lợi hợp pháp trước những mặt hàng có khả năng gây mất an toàn, ảnh hưởng sức khỏe tính mạng, trong khi Nhà nước có thể nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, góp phần nâng cao năng suất chất lượng, giảm thiểu các rào cản kỹ thuật trong thương mại không cần thiết; hỗ trợ nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong nước, tiếp cận trình độ quốc tế, khu vực.
Khẳng định vị thế của doanh nghiệp Việt
Cùng với sự vào cuộc tích cực của cơ quan quản lý nhà nước, sau khi Luật TC&QCKT được ban hành, hoạt động xây dựng, công bố, ban hành tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), quy chuẩn Việt Nam (QCVN) đã được đẩy mạnh; tỷ lệ hài hòa TCVN với tiêu chuẩn quốc ngày càng tăng, thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế.
Hệ thống tiêu chuẩn được hoàn thiện với hai cấp (TCVN - TCCS), phù hợp với thông lệ quốc tế, đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý nhà nước. Theo đó, hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) ban hành trên 800 QCVN trở thành công cụ quan trọng của hoạt động quản lý nhà nước nhằm ngăn chặn các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ kém chất lượng ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe người tiêu dùng.
Ở cấp địa phương cũng đã ban hành 28 quy chuẩn địa phương (QCĐP) cho các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, chất lượng nước, khí thải và hiện nay các tỉnh, thành phố có kế hoạch, triển khai xây dựng gần 50 QCĐP. Tính đến 31/3/2022, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố hơn 13.000 TCVN, đạt tỷ lệ hài hòa tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực 60%.
Việc xây dựng, công bố các TCVN giúp doanh nghiệp có chiến lược sản xuất và kinh doanh hợp lý, kiểm soát và đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa. Mặt khác, hệ thống TCVN, QCVN đã góp phần tích cực nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, góp phần tăng cường xuất khẩu và thuận lợi hóa giao dịch thương mại của Việt Nam trên trường quốc tế. Đặc biệt, trong lĩnh vực xuất khẩu, việc đáp ứng yêu cầu của các tiêu chuẩn hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế đã giúp các doanh nghiệp của Việt Nam tiếp cận các thị trường khó tính, không bị cản trở bởi các rào cản kỹ thuật.
Đặc biệt, xác định rõ tiêu chuẩn là yếu tố then chốt để nâng cao năng suất chất lượng, ngày 21/5/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 712/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” (Chương trình 712).
Sau 10 năm triển khai, bằng sự quyết tâm và nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, Chương trình 712 đã có kết quả nổi bật, tạo tiền đề cho sự vươn lên, khẳng định vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Trong giai đoạn 2010-2020, chương trình đã xây dựng được hệ thống gồm hơn 8.000 tiêu chuẩn trong tổng số hơn 13.000 TCVN đóng góp 62% số lượng các tiêu chuẩn quốc gia và nâng tỉ lệ hài hòa trên 60% với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực.
Kết quả triển khai Luật TC&QCKT còn thể hiện ở việc đã đáp ứng các đòi hỏi của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Là thành viên của WTO và tham gia Hiệp định WTO/TBT về hàng rào kỹ thuật trong thương mại, việc ban hành Luật TC&QCKT đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc khẳng định các cam kết của Việt Nam trong quá trình hội nhập. Các quy phạm pháp luật liên quan tới xây dựng, công bố, ban hành TC&QCKT, đánh giá sự phù hợp đã đáp ứng các yêu cầu tối thiểu đặt ra của Hiệp định WTO/TBT.
Như vậy có thể nói, sau 15 năm thực hiện, Luật TC&QCKT đã thực sự đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng tích cực trong việc thúc đẩy, hỗ trợ các hoạt động sản xuất kinh doanh, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, thu hút đầu tư nước ngoài. Luật TC&QCKT còn tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý các hoạt động liên quan, bảo vệ lợi ích chính đáng của người tiêu dùng, qua đó góp phần quan trọng vào ổn định tình hình kinh tế - xã hội của đất nước.