Khẳng định vai trò nòng cốt của Kho bạc trong quản lý ngân quỹ nhà nước

Ngô Kiến

Trong gần 30 năm xây dựng và trưởng thành, đặc biệt là sau khi triển khai thực hiện “Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2020”, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã có những bước phát triển vượt bậc theo hướng cải cách và hiện đại hóa trên tất cả các lĩnh vực, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý tài chính - ngân sách, giữ vững ổn định và phát triển nền tài chính quốc gia.

2019 là năm cuối của tiến trình triển khai Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020. Kết quả sau 12 năm triển khai Chiến lược cho thấy, hệ thống KBNN đã có những bước phát triển vượt bậc theo hướng cải cách và hiện đại hóa trên tất cả các lĩnh vực, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý tài chính - ngân sách, giữ vững ổn định và phát triển nền tài chính quốc gia. Cụ thể:  

Về cơ chế chính sách và quy trình nghiệp vụ: Đã hoàn thiện các quy định liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của KBNN tại Luật Ngân sách nhà nước (NSNN), Luật Kế toán và Luật Quản lý nợ công; tạo cơ sở pháp lý cao, đầy đủ và đồng bộ cho việc cải cách, hiện đại hóa các chức năng, nhiệm vụ của KBNN về quản lý quỹ NSNN, quản lý ngân quỹ nhà nước, huy động vốn và tổng kế toán nhà nước.

Về việc hoàn thiện tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực: Đã kiện toàn tổ chức bộ máy KBNN theo hướng tập trung quản lý, điều hành và thực hiện tinh giản bộ máy hành chính; khẳng định và làm rõ chức năng, nhiệm vụ và mô hình tổ chức của KBNN các cấp theo định hướng Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020, đảm bảo công tác chỉ đạo điều hành của KBNN cấp trên đối với KBNN cấp dưới, các nhiệm vụ chuyên môn được tách bạch, rõ ràng. Công tác phát triển nguồn nhân lực cũng được đẩy mạnh, góp phần tăng tỷ trọng cán bộ ngạch cao, ngạch làm chuyên môn nghiệp vụ, giảm dần tỷ trọng cán bộ kiểm ngân, cán bộ có trình độ sơ cấp.

 Về hiện đại hóa công nghệ thông tin (CNTT): Triển khai thành công dự án Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS); phát triển các hệ thống ứng dụng CNTT theo hướng tập trung, trực tuyến và tích hợp với hệ thống TABMIS; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, ứng dụng CNTT và đội ngũ cán bộ làm công tác CNTT. Từ đó, đưa CNTT trở thành khâu đột phá, tác động lớn và hỗ trợ có hiệu quả cho các hoạt động cải cách, hiện đại hóa hệ thống KBNN.

Xác định yếu tố cốt lõi của một Kho bạc hiện đại

Mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng, tuy nhiên, đáp ứng yêu cầu mới, đảm bảo vai trò nòng cốt trong quản lý ngân quỹ nhà nước, hệ thống KBNN cần tiếp tục đổi mới chức năng quản lý theo hướng hiện đại, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực thi ngân sách.

Muốn vậy, KBNN cần tiếp tục xác định rõ quan điểm, mục tiêu, định hướng xây dựng Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam, chiến lược tài chính. Quan trọng hơn là phải xác định được yếu tố cốt lõi của một Kho bạc hiện đại.

Liên quan đến vấn đề trên, Việt Nam có thể chọn lọc áp dụng vào trong thực tiễn một số xu hướng cải cách kho bạc trên thế giới như sau:

- Về mô hình kho bạc, thiết kế dựa trên các ưu tiên trong quản lý tài chính; mức độ ổn định về kinh tế vĩ mô và tài chính; tính kinh tế theo phạm vi; tính kinh tế theo quy mô; khả năng và kỹ năng quản lý tài chính; mức độ sẵn có của các dịch vụ trong khu vực tư; truyền thống chính trị và quản lý hành chính… Theo đó, đối với các nền kinh tế chuyển đổi, thì cần thiết phải có kho bạc và thường thiết lập theo hệ thống dọc; là một cơ quan trung ương thực hiện cung cấp dịch vụ cho chính quyền các cấp nhằm hỗ trợ cho sự phát triển đồng bộ giữa các địa phương, góp phần đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

- Về mặt chức năng, nhiệm vụ, theo Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, các Kho bạc hiện đại có thể xây dựng và phát triển trên cơ sở một số yếu tố cốt lõi sau

Một là, hợp nhất toàn bộ các nguồn lực tài chính của Nhà nước.

Hai là, một hệ thống thông tin quản lý tài chính công được quản lý bởi kho bạc.

Ba là, một hệ thống quản lý thu NSNN và thanh toán hiệu quả có kết nối với hệ thống thông tin quản lý tài chính.

Bốn là, tổ chức dự báo luồng tiền và quản lý ngân quỹ chủ động với các công cụ tài chính ngắn hạn.

Năm là, hệ thống kế toán và báo cáo tài chính đầy đủ, kịp thời, đa chiều và với cơ sở dữ liệu duy nhất, đáp ứng nhu cầu của nhiều chủ thể khác nhau.

Sáu là, một khung kiểm soát nội bộ được hình thành trên nền tảng quản trị rủi ro hiện đại và hệ thống kiểm toán nội bộ giúp lãnh đạo của tổ chức được yên tâm về tính đầy đủ, hiệu lực, hiệu quả của các kiểm soát.

Bảy là, có một đội ngũ cán bộ có kỹ năng chuyên môn đa dạng.