Khoản lãi vay chủ doanh nghiệp đứng tên vay cho hoạt động của doanh nghiệp được hạch toán vào chi phí
Bộ Tài chính tháo gỡ vướng mắc của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế gửi đến Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV liên quan đến các khoản tiền lãi vay mà cá nhân là chủ doanh nghiệp tư nhân đứng tên vay vốn phục vụ cho hoạt động của doanh nghiệp tư nhân được hạch toán vào chi phí của doanh nghiệp.
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế kiến nghị, theo phản ánh của các doanh nghiệp tư nhân, các khoản tiền lãi vay mà cá nhân là chủ doanh nghiệp tư nhân đứng tên vay vốn phục vụ cho hoạt động của doanh nghiệp tư nhân không được cơ quan thuế chấp thuận hạch toán vào chi phí của doanh nghiệp.
Do vậy, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Bộ Tài chính có cơ chế để tháo gỡ khó khăn trên cho các doanh nghiệp.
Trả lời kiến nghị trên, Bộ Tài chính cho biết, tại Điều 2 Luật Thuế thu nhập Doanh nghiệp số 14/2008/QH12 quy định, người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ có thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật này, trong đó có doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Tại khoản 1; Điểm g, điểm 1 khoản 2 Điều 9 Luật thuế Thu nhập Doanh nghiệp số 14/2008/QH12 đã quy định cụ thể các khoản chi được trừ và không được trừ khỉ xác định thu nhập chịu thuế.
Theo đó, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau đây: Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật.
Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm cả phần chi trả lãi tiền vay vốn sản xuất, kinh doanh của đối tượng không phải là tổ chức tín dụng hoặc tổ chức kinh tế vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm vay; Chi trả lãi tiền vay vốn tương ứng với phần vốn điều lệ còn thiếu.
Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13 ngày 26/11/2014 quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp, bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân; quy định về nhóm công ty.
Theo khoản 2 Điều 36 Luật này, tài sản được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của chủ doanh nghiệp tư nhân không phải làm thủ tục chuyến quyền sở hữu cho doanh nghiệp.
Khoản 1 Điều 183 Luật trên quy định, doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. Khoản 4 Điều 185 quy định, chủ doanh nghiệp tư nhân là đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Căn cứ Luật Doanh nghiệp và Luật Thuế Thu nhập Doanh nghiệp, trường hơp cá nhân là chủ doanh nghiệp tư nhân (người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tư nhân), tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp tư nhân, đã góp đủ vốn đầu tư theo đăng ký, có thực hiện vay vốn theo hướng dẫn tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước, nếu khoản chi phí lãi vay mà cá nhân chủ doanh nghiệp tư nhân đã trả cho tổ chức tín dụng phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân và có đủ chứng từ theo quy định của pháp luật thì khoản chi trả lãi vay được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị doanh nghiệp tư nhân liên hệ với cơ quan thuế quản lý trực tiếp để được hướng dẫn thực hiện theo quy định.