Kiến nghị bổ sung tội danh “trục lợi bảo hiểm” vào Bộ luật hình sự (sửa đổi)

Thu Thủy

Ngày 9/9, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm – Bộ Tài chính phối hợp với Vụ Pháp chế - Bộ Tài chính tổ chức Hội thảo lấy ý kiến dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) tại Hà Nội. Tham dự Hội thảo có đại điện một số Ủy ban Quốc hội (Ủy ban tư pháp, Ủy ban pháp luật, Ủy ban tài chính – ngân sách), Bộ Tư pháp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam và các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.

Toàn cảnh Hội thảo lấy ý kiến dự thảo Bộ Luật hình sự (sửa đổi) ngày 9/9.
Toàn cảnh Hội thảo lấy ý kiến dự thảo Bộ Luật hình sự (sửa đổi) ngày 9/9.

Phát biểu tại Hội thảo, Ông Doãn Thanh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm cho biết, đến nay, dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) đã được Chính phủ trình Quốc hội và gửi lấy ý kiến toàn dân quy định 10 tội danh thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Tài chính (tăng 2 tội danh so với Luật năm 1999). Liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) đã bổ sung mới tội danh về trục lợi bảo hiểm.

Nguyên tắc trung thực tuyệt đối đối với người tham gia bảo hiểm

Đây là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của hoạt động kinh doanh bảo hiểm, bởi vì: Sản phẩm bảo hiểm là sản phẩm vô hình, khi mua sản phẩm bảo hiểm người mua chỉ nhận được lời hứa từ doanh nghiệp bảo hiểm. chỉ khi xảy ra tổn thất, khách hàng mới được nhận bồi thường từ doanh nghiệp bảo hiểm. Chính vì vậy, người tham gia bảo hiểm phải trung thực tuyệt đối khi cung cấp thông tin yêu cầu bảo hiểm để doanh nghiệp bảo hiểm xác định phí bảo hiểm phù hợp với rủi ro được bảo hiểm và đảm bảo quyền lợi bảo hiểm đầy đủ, công bằng; đồng thời phải trung thực tuyệt đối khi khai báo tổn thất để yêu cầu bồi thường.

Hậu quả của việc vi phạm nguyên tắc trung thực tuyệt đối

Nếu người tham gia bảo hiểm vi phạm nguyên tắc trung thực tuyệt đối sẽ dẫn đến hậu quả về vật chất và hậu quả về tinh thần. Doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phải bồi thường cho những yêu cầu đòi bồi thường không chính đáng, gian lận của bên mua bảo hiểm. Nếu số tiền trục hiểm bảo hiểm lớn có thể khiến doanh nghiệp bảo hiểm mất khả năng thanh toán, không thực hiện được trách nhiệm cam kết với hàng triệu khách hàng, gây mất ổn định xã hội. Đối với người tham gia bảo hiểm tuân thủ nguyên tắc trung thực tuyệt đối sẽ bị thiệt thòi hơn do phải đóng phí bảo hiểm cao hơn vì phải chia sẻ số tiền bồi thường bảo hiểm đã trục lợi. Ngoài ra, còn làm mất niềm tin của người dân, của nhà đầu tư vào hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, ảnh hưởng đến chính sách thu hút vốn đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài.

Thực trạng trục lợi bảo hiểm

Hiện nay, số vụ trục lợi bảo hiểm phát hiện ngày càng nhiều, gia tăng qua các năm. Hành vi trục lợi xảy ra ở hầu hết các loại hình nghiệp vụ. Hành vi trục lợi không rời rạc, riêng lẻ mà ngày càng tinh vi, phức tạp, nhiều trường hợp có sự cấu kết, thông đồng giữa khách hàng, nhân viên của doanh nghiệp bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, bên thứ ba có liên quan như nhân viên giám định, bác sĩ, cơ sở khám chữa bệnh, các cơ sở chữa xe,…

Theo thống kê sơ bộ của doanh nghiệp bảo hiểm, trong giai đoạn 2007-2010, tổng số vụ trục lợi bảo hiểm đã phát hiện và có bằng chứng cụ thể để từ chối chi trả bảo hiểm là gần 64.000 vụ, tăng trung bình 31,3%/năm. Tổng số tiền trục lợi khoảng 850 tỷ đồng, trung bình gần 110 tỷ đồng/năm. Chưa kể, đến số hồ sơ bồi thường có dấu hiệu trục lợi nhưng doanh nghiệp bảo hiểm không có bằng chứng rõ ràng để từ chối chi bảo hiểm nên vẫn thực hiện chi trả bảo hiểm.

Thực tiễn xử lý các hành vi vi phạm trong kinh doanh bảo hiểm

Tính đến thời điểm hiện nay, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa xử phạt được trường hợp nào liên quan đến hành vi trục lợi bảo hiểm. Bên cạnh đó, những vụ việc tranh chấp trong lĩnh vực kinh doah bảo hiểm do Tòa án thụ lý, giải quyết cũng chưa xử lý được bất kỳ tổ chức, cá nhân nào liên quan đến hành vi trục lợi bảo hiểm.

Qua thực tiễn giải quyết các vụ vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, nhất là hành vi trục lợi bảo hiểm thì thấy rằng, việc áp dụng các loại chế tài pháp lý mới chỉ đáp ứng được một phần yêu cầu quản lý thực tế, chưa đủ sức răn đe đối với các vi phạm pháp luật có liên quan đến hành vi trục lợi bảo hiểm. Cụ thể như sau:

Đối với chế tài hành chính, Nghị định 98/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm, xổ số chưa bao quát được hết các hành vi trục lợi bảo hiểm và đối tượng trục lợi bảo hiểm (do thực tế biến đổi nhanh chóng, hành vi trục lợi ngày càng tinh vi), mức xử phạt còn thấp.

Đối với chế tài dân sự, trường hợp có tranh chấp về hợp đồng bảo hiểm, phán quyết của Tòa án dân sự chỉ dừng lại ở việc doanh nghiệp bảo hiểm có phải bồi thường hay không? (hậu quả về vật chất).

Đối với chế tài hình sự: Chưa có quy định riêng về xử lý hình sự đối với hành vi trục lợi bảo hiểm. Hiện đang vận dụng các quy định về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tội làm giả con dấu, tìa liệu cơ quan tổ chức; tội tham ô tài sản… tại Bộ Luật hình sự để xử lý hành vi trục lợi bảo hiểm. Tuy nhiên, các tội danh này chưa phản ánh đúng bản chất và đặc trưng của hành vi trục lợi bảo hiểm, do đó rất khó áp dụng trong thực tế. Trong thời gian qua, việc xử lý hình sự đối với người có hành vi trục lợi bảo hiểm không nhiều. Trong một số trường hợp, việc áp dụng tội danh đối với hành vi trục lợi bảo hiểm của những người vi phạm không nhất quán, chưa đảm bảo tính công bằng trong việc áp dụng chế tài hình sự. Thực tế cho thấy, người trục lợi vẫn ngang nhiên trục lợi, nếu bị phát hiện thì xấu nhất là không được nhận tiền bảo hiểm.

Kinh nghiệm quốc tế

Về khái niệm trục lợi bảo hiểm: Mặc dù cách tiếp cận khác nhau nhưng các cơ quan quản lý bảo hiểm, Hiệp hội bảo hiểm, các cơ sở nghiên cứu của một số quốc gia như Mỹ, Australia, Canada đều có chung quan điểm trục lợi bảo hiểm là các hành vi cố ý lừa dối hoặc ẩn chứa thông tin gây nhầm lẫn nhằm mục đích được tiền bồi thường bảo hiểm từ doanh nghiệp bảo hiểm.

Về quy định trục lợi bảo hiểm là tội danh hình sự: Do mức độ nghiêm trọng của trục lợi bảo hiểm, nhiều quốc gia đã có quy định cụ thể về trục lợi bảo hiểm, theo đó đã xác định trục lợi bảo hiểm là một tội danh hình sự, ngoài hình phạt tiền còn hình phạt tù.

Các quốc gia này quy định về tội danh trục lợi bảo hiểm theo 3 nhóm khác nhau. Cụ thể là:

- Quy định cả tội danh trục lợi bảo hiểm và chế tài xử lý hình sự tại một bộ luật riêng (Luật hình sự). Ví dụ: Luật hình sự Đức; Bộ Luật hình sự của bang Texas (Mỹ).

- Quy định cả tội danh trục lợi bảo hiểm và chế tài xử lý hình sự tại luật chuyên ngành (Luật kinh doanh bảo hiểm). Ví dụ: Hàn quốc quy định tội danh trục lợi bảo hiểm và chế tài xử lý hình sự về trục lợi bảo hiểm tại Luật Kinh doanh bảo hiểm.

- Quy định về hành vi trục lợi bảo hiểm tại luật chuyên ngành (Luật kinh doanh bảo hiểm); còn tội danh trục lợi bảo hiểm và chế tài xử lý hình sự đối với tội danh này được quy định tại một luật khác (Bộ Luật hình sự). Ví dụ: Anh, Canada, Úc quy định về hành vi trục lợi bảo hiểm tại Luật hợp đồng bảo hiểm, quy định về tội danh trục lợi bảo hiểm chế tài xử lý hình sự tại Bộ Luật hình sự.

Cho ý kiến góp ý tại Hội thảo các tham luận đều nhấn mạnh sự cần thiết bổ sung tội danh trục lợi bảo hiểm trong Bộ luật hình sự (sửa đổi). Bà Phạm Thu Phương, Trưởng Phòng Bảo hiểm Phi nhân thọ, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm cho biết: Tình trạng trục lợi bảo hiểm tại Việt Nam đang ngày càng gia tăng, tinh vi và phức tạp; xảy ra ở hầu hết các loại hình nghiệp vụ; có sự cấu kết, thông đồng giữa khách hàng – nhân viên, đại lý của doanh nghiệp bảo hiểm – bên thứ 3 liên quan (nhân viên giám định, bác sĩ, cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở sửa chữa xe…). Thống kê giai đoạn từ 2007-2014, xả ra 64 vụ (bình quân tăng 31,3%/năm) với tổng số tiền 850 tỷ đồng (bình quân 110 tỷ đồng/năm). Có 2 nhóm hình thức trục lợi bảo hiểm điển hình như: Nhóm các hành vi trục lợi bảo hiểm liên quan đến công tác thu phí, khai thác, thẩm định hồ sơ yêu cầu bảo hiểm và quản lý hợp đồng bảo hiểm; Nhóm các hành vi trục lợi bảo hiểm liên quan đến công tác giám định, giải quyết bồi thường hoặc chi trả quyền lợi bảo hiểm… Trong khi đó, chế tài xử phạt hành chính, dân sự, hình sự lại chưa đủ mạnh, mức xử phạt còn thấp. Nghị định 98/2013/NĐ-CP hiện vẫn chưa bao quát hết các hành vi và đối tượng trục lợi bảo hiểm, do thực tế biến đổi nhanh chóng, hành vi ngày càng tinh vi. Đặc biệt, chế tài hình sự cũng chưa có quy định riêng đối với các hành vi này. Hơn nữa, việc áp dụng quy định về các tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; tội làm giả con dấu, tài liệu cơ quan tổ chức, tội tham ô tài sản… chưa phản ánh đúng bản chất và đặc trưng của hành vi trục lợi bảo hiểm dẫn đến khó áp dụng, số lượng trường hợp xử lý hình sự không nhiều, áp dụng tội danh không nhất quán, chưa đảm bảo tính công bằng trong việc áp dụng…

Trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực trạng vi phạm pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, thực tiễn xử lý vi phạm cũng như rà soát các dấu hiệu pháp lý đặc trưng của hành vi này và nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, Bộ Tài chính đã kiến nghị bổ sung tội danh ‘’trục lợi bảo hiểm” vào Bộ luật hình sự (sửa đổi) nhằm thống nhất tội danh cho đúng bản chất của hành vi trục lợi bảo hiểm; đồng thời, tạo hành lang pháp lý để các chủ thể tham gia hoạt động kinh doanh bảo hiểm được đối xử bình đẳng như các chủ thể khác trong nền kinh tế xã hội.