Kinh nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn tại một số nước và bài học cho Việt Nam
Kinh nghiệm của phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH) tại một số nước cho thấy, khuyến khích và hỗ trợ phát triển các mô hình kinh doanh tuần hoàn (KDTH) đã và đang đem lại những kết quả rất tích cực đối với mục tiêu xây dựng hệ sinh thái kinh doanh bền vững, đồng thời duy trì được tốc độ tăng trưởng, đặc biệt trong điều kiện vấn đề biến đổi khí hậu và thiên tai đang ngày càng có tác động rất lớn trên phạm vi toàn cầu.
Kinh nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn tại một số nước
Đan Mạch
Theo Báo cáo “Mô hình kinh doanh tuần hoàn: Kinh nghiệm quốc tế và áp dụng tại Việt Nam” của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Đan Mạch là một trong những quốc gia điển hình về phát triển kinh tế xanh và chuyển đổi sang mô hình KTTH.
Với việc thông qua Chiến lược quốc gia về KTTH năm 2018 và hỗ trợ tài chính 16 triệu EUR cho việc triển khai 15 sáng kiến KTTH khác nhau hướng tới xã hội phát triển bền vững, Đan Mạch đã, đang tạo được những điểm nhấn trong hoàn thiện chính sách phát triển KTTH.
Để thúc đẩy phát triển KTTH, năm 2017, Chính phủ Đan Mạch đã thành lập Hội đồng Tư vấn về KTTH. Hội đồng này gồm 12 thành viên là đại diện ở cấp độ CEO của nhiều công ty Đan Mạch với vai trò là đưa ra các khuyến nghị về cách Chính phủ có thể tạo ra và hỗ trợ quá trình chuyển đổi theo hướng KTTH.
Đan Mạch cũng đã ban hành Kế hoạch hành động phát triển KTTH như là một phần của kế hoạch quốc gia về ngăn chặn và quản lý chất thải giai đoạn 2020 - 2032. Kế hoạch này đưa ra các mục tiêu, chỉ số, chính sách và sáng kiến của Đan Mạch trong toàn bộ chuỗi giá trị tuần hoàn, bao gồm từ thiết kế và tiêu thụ đến quản lý chất thải, từ đó tài nguyên thiên nhiên được tái chế thành các sản phẩm và vật liệu mới. Ngoài một số sáng kiến đối với chuỗi giá trị nói chung, Kế hoạch hành động còn tập trung vào ba lĩnh vực có tác động đáng kể đến môi trường và khí hậu: sinh khối, xây dựng và nhựa.
Kế hoạch hành động phát triển nền KTTH bao gồm tổng số 129 sáng kiến. Những sáng kiến này cũng được đưa vào Kế hoạch về khí hậu đối với lĩnh vực chất thải xanh và nền KTTH (2020), Chiến lược mua sắm công xanh (2020), Chiến lược quốc gia về xây dựng môi trường bền vững (2021), Chiến lược cho nền KTTH (2018) và Kế hoạch hành động về lĩnh vực nhựa (2018).
Kế hoạch xác định 5 mục tiêu trọng tâm: (i) Giảm chất thải và sử dụng tài nguyên thiên nhiên hiệu quả hơn; (ii) Tái chế nhiều hơn và tốt hơn; (iii) Sử dụng sinh khối hiệu quả hơn; (iv) Môi trường xây dựng bền vững và (v) Nhựa trong nền KTTH.
Kế hoạch Hành động phát triển KTTH thể hiện các mục tiêu và chỉ số của Chính phủ Đan Mạch cho quá trình chuyển đổi sang nền KTTH. Đan Mạch cam kết với các mục tiêu của EU là tăng tái chế rác thải đô thị lên 55% vào năm 2025, 60% vào năm 2030 và 65% vào năm 2035.
Cơ quan Bảo vệ Môi trường Đan Mạch dự đoán rằng, nước này sẽ gần đạt được các mục tiêu về tái chế rác thải đô thị vào năm 2025 và 2030 thông qua các sáng kiến chính sách đã được công bố.
Chính phủ Đan Mạch kỳ vọng sẽ đạt được các mục tiêu mà không cần các biện pháp chính sách khác. Các sáng kiến khác có thể là cần thiết để đáp ứng mục tiêu tái chế 65% chất thải đô thị vào năm 2035 và mục tiêu tái chế 50% chất thải bao bì nhựa vào năm 2025.
Trung Quốc
Trung Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên đưa ra các chính sách về KTTH một cách chính thức ở cấp độ quốc gia. Trung Quốc đã tiến hành triển khai mô hình KTTH với 3 cấp độ chính, gồm: (i) cấp độ vĩ mô (macro); (ii) cấp trung (meso) và (iii) cấp độ vi mô (micro) trong khâu xử lý và quy trình sản xuất phế liệu.
Nghiên cứu của CIEM cho thấy, Trung Quốc đã bắt đầu quan tâm đến việc phát triển KTTH từ đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX. Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã nhận thức những rủi ro về kinh tế và môi trường trong việc khai thác tài nguyên quá mức ở quốc gia này, đồng thời cho rằng nền KTTH là một biện pháp chủ đạo để ứng phó với những rủi ro này.
Tiếp đó, Uỷ ban Phát triển và Cải cách quốc gia cùng các cơ quan liên quan khác đã xây dựng các nguyên tắc của nền KTTH và thúc đẩy các mô hình cộng sinh công nghiệp. Trung Quốc cũng ban hành chính sách về thuế, tài chính và hình thành một quỹ hỗ trợ để khuyến khích phát triển KTTH.
Năm 2005, Trung Quốc đã chính thức thừa nhận KTTH là mô hình giữ vai trò chủ đạo trong chiến lược ứng phó với những rủi ro về kinh tế và môi trường, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng và khai thác tài nguyên. Theo đó, các nguyên tắc của nền KTTH và các mô hình cộng sinh công nghiệp được Chính phủ Trung Quốc quan tâm thúc đẩy phát triển.
Kế hoạch 5 năm lần thứ 11 của Trung Quốc (giai đoạn 2006 - 2010) đã dành riêng 1 chương để đề cập đến KTTH. Năm 2008, lần đầu tiên Luật Bảo vệ nền KTTH của Trung Quốc được ban hành. Luật quy định các cơ quan, ban hành ở cấp địa phương phải cân nhắc đến những vấn đề liên quan trong các chiến lược đầu tư và phát triển, trong đó nhắm tới các ngành than, sắt, điện tử, hoá chất và xăng dầu. Giai đoạn 2011-2015, KTTH được nâng lên thành một chiến lược phát triển quốc gia với mục tiêu cụ thể đạt mức tái sử dụng 72% chất thải rắn công nghiệp và gia tăng 15% hiệu suất nguồn lực vào năm 2015.
Đề đảm bảo thực hiện thành công mô hình KTTH, Trung Quốc đã thành lập Tổ chức và giám sát thực hiện mô hình KTTH. Tổ chức này có sự tham gia của Uỷ ban Xây dựng và Phát triển kinh tế Trung Quốc và Tổng cục Môi trường Trung Quốc, gồm 3 khâu: (i) KTTH vòng tròn nhỏ thực hiện ở quy mô nhà máy và khu công nghiệp; vòng tuần hoàn vừa ở quy mô lớn hơn và vòng tuần hoàn lớn thực hiện trên phạm vi toàn bộ nền kinh tế. Thêm vào đó, Trung Quốc cũng xây dựng các khu công nghiệp sinh thái quốc gia về xử lý và tái sản xuất chất thải.
Bài học đối với Việt Nam
Qua nghiên cứu kinh nghiệm của các quốc gia đã triển khai các mô hình KDTH cho thấy, đây là một xu hướng và mô hình rất triển vọng trong thời gian tới để các quốc gia, trong đó có Việt Nam có thể vừa đảm bảo được sự phát triển bền vững, vừa duy trì được tốc độ tăng trưởng cao.
Để phát huy tối đa vai trò và hiệu quả của mô hình KDTH trong phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam cần lưu ý một số khía cạnh sau:
Một là, cần nâng cao nhận thức về vấn đề sẽ phát sinh đối với nền kinh tế tuyến tính nói chung và mô hình kinh doanh truyền thống nói riêng đó là vấn đề nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt, phụ thuộc vào nhập khẩu sẽ được giải quyết nếu mô hình KDTH được áp dụng với quy mô phổ biến. Việc áp dụng các mô hình giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế là một trong những bước quan trọng để hướng tới trạng thái đầy đủ về nguồn lực được kéo dài. Bên cạnh đó, vấn đề về môi trường hiện nay cũng sẽ được giải quyết một phần quan trọng khi áp dụng các mô hình KDTH.
Hai là, quyết tâm và tư duy hướng tới phát triển bền vững, trong đó xây dựng nền kinh tế xanh, KTTH là một trong những trọng tâm có ý nghĩa quan trọng ở góc độ chủ trương, chính sách. Từ đó, có cách tiếp cận nền KTTH, trong đó có KDTH một cách tổng thể ở phạm vi quốc gia với khung thể chế phù hợp.
Ba là, xây dựng một khung pháp luật và chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ sự phát triển của KDTH trong các tổ chức kinh doanh là rất cần thiết. Tại Việt Nam, cần phải có khung thể chế đồng bộ, cụ thể, từ chủ trương của Đảng đến pháp luật của Nhà nước. Kinh nghiệm nhiều nước đã và đang thực hiện KTTH đều có luật và quy định pháp luật rõ ràng. Việt Nam cần có lộ trình và tiến tới xây dựng luật cho phát triển các mô hình KTTH.
Bốn là, cần có nghiên cứu sâu rộng về phát triển các mô hình KTTH trong nền kinh tế từ cách tiếp cận chung toàn cầu, nguyên tắc xác lập mô hình, tiêu chí của mô hình KTTH vận dụng cụ thể vào hoàn cảnh Việt Nam và phổ biến rộng rãi đến DN, người dân, các nhà quản lý để có một nhìn nhận đúng và rất thực tiễn từ đó có thể thiết kế và vận hành các mô hình KDTH có hiệu quả.
Năm là, hợp tác quốc tế và hợp tác giữa các bên liên quan đóng vai trò quyết định đến việc phát triển mô hình KDTH. Trong khi hợp tác quốc tế sẽ đem lại những bài học kinh nghiệm tốt cho việc xây dựng một khung thể chế phù hợp để phát triển KDTH thì hợp tác giữa DN và các viện, trường đại học; các trung gian khác và người tiêu dùng sẽ giúp để hình thành một mạng lưới khép kín. Đây là yếu tố mang tính quyết định đến sự thành công của mô hình kinh doanh bền vững, đặc biệt là các mô hình có gắn với sản phẩm tiêu dùng.