Kinh nghiệm quốc tế các nước về tổ chức bộ máy quản lý rủi ro

Thùy Linh

Trên thế giới, nhiều cơ quan thuế các nước đã và đang đưa quản lý rủi ro tuân thủ trở thành một đơn vị thường trực trong cơ cấu tổ chức để thực hiện các biện pháp phát hiện rủi ro và sử dụng quản lý rủi ro tuân thủ (QLRRTT) như một công cụ tích hợp cho tất cả các quy trình lập kế hoạch và đưa ra quyết định của ngành Thuế.

Nhiều cơ quan thuế các nước đã và đang đưa quản lý rủi ro tuân thủ trở thành một đơn vị thường trực trong cơ cấu tổ chức.
Nhiều cơ quan thuế các nước đã và đang đưa quản lý rủi ro tuân thủ trở thành một đơn vị thường trực trong cơ cấu tổ chức.

Tại Australia, các yêu cầu, nhiệm vụ về QLRRTT của cơ quan thuế Australia (ATO) được quy định tại Mục 16 tại Đạo luật Quản trị, Hiệu suất và Trách nhiệm giải trình công – PGPA của Chính phủ Khối thịnh vượng chung. Đây là căn cứ pháp lý để ATO tổ chức bộ máy của mình theo hướng QLRRTT.

Khối Quản lý quan hệ khách hàng (CEG) – Đơn vị thực hiện chức năng Rủi ro Tuân thủ có nhiệm vụ xây dựng, theo dõi và triển khai chương trình tuân thủ cho mỗi phân đoạn người nộp thuế (NNT) và chương trình tuân thủ theo các nghiệp vụ quản lý thuế; đồng thời phối hợp với các đơn vị khác trong ATO.

Trong CEG, có Mảng Dữ liệu Thông minh hơn (Smarter Data) hỗ trợ việc thực hiện phân tích dữ liệu làm nền tảng cho chương trình tuân thủ bằng các công cụ như trí tuệ nhân tạo, máy học, dữ liệu lớn... Khối Công nghệ và Giải pháp Tổng thể (EST) - tương tự như Cục Công nghệ thông tin tại Tổng cục Thuế của Việt Nam phối hợp với Mảng Dữ liệu Thông minh hơn và các đơn vị khác để xây dựng và cung cấp các ứng dụng và năng lực công nghệ cần thiết, đảm bảo an toàn, an ninh mạng.

Tại Anh, Cơ quan Thuế và Hải quan Vương quốc Anh (HMRC) có Đơn vị Rủi ro và Thông tin Nghiệp vụ (RIS) - trung tâm của hoạt động tuân thủ và thực thi tuân thủ tại HMRC. RIS phối hợp chặt chẽ với các bộ phận khác để thu thập, tìm kiếm thông tin nghiệp vụ chi tiết nhằm phân tích đối tượng NNT, đánh giá rủi ro. Bên cạnh đó, RIS sử dụng các công nghệ mới, tiên tiến để phân tích dữ liệu thu thập nhằm thiết kế chiến lược tuân thủ và lựa chọn NNT để thực hiện các biện pháp quản lý nâng cao tuân thủ trong tất cả các phân đoạn NNT, từ đó ngăn chặn và giúp HMRC đưa ra quyết định xử sự đối với các hành vi không tuân thủ.

RIS gồm 06 đội chính gồm: (1) Đội Thông tin nghiệp vụ - có nhiệm vụ thu thập, phát triển và tổ chức thông tin nghiệp vụ giúp HMRC xây dựng các biện pháp can thiệp chống lại việc trốn tránh thuế, gian lận thuế; (2) Đội Phân tích dữ liệu – đội thực hiện hoạt động phân tích dữ liệu và khoa học dữ liệu với nhân sự chất lượng hàng đầu thế giới, dựa vào thông tin nghiệp vụ thu thập được để khai thác và xây dựng bức tranh tổng quan theo yêu cầu nghiệp vụ; (3) Đội Thông tin và Rủi ro nghiệp vụ tuân thủ - có trách nhiệm nghiên cứu và xây dựng các hồ sơ của NNT có rủi ro cao và những nhóm rủi ro (căn cứ vào các dữ liệu, bằng chứng sẵn có và nguy cơ số thu bị ảnh hưởng); (4) Đội Nước ngoài – có trách nhiệm thu thập thông tin nghiệp vụ từ nước ngoài, từ đó nhận diện và xác định rủi ro; (5) Đội Rủi ro phòng ngừa – có trách nhiệm xác định và ngăn chặn các gian lận về thuế có tổ chức đối với các sắc thuế khác nhau và (6) Đội Rủi ro chiến lược – tập trung phát triển các chương trình chiến lược giúp HMRC hoạt động hiệu quả hơn trong việc xây dựng và triển khai các chương trình nâng cao tuân thủ như việc sử dụng dữ liệu và công nghệ để xử lý các hành vi không tuân thủ hiệu quả.

Tại Mỹ, các bộ phận nghiệp vụ của Cơ quan thuế Nội địa Mỹ (IRS) nhận được sự hỗ trợ về phân tích dữ liệu từ Đơn vị Nghiên cứu, Thống kê và Phân tích Ứng dụng (RAAS) trong việc xây dựng các công cụ lọc rủi ro, mô hình và các thuật toán lựa chọn trường hợp; đồng thời phân tích hành vi, dự báo thất thoát thuế, và điều phối các nghiên cứu về gánh nặng đối với NNT.

Bên cạnh đó, RAAS còn tiến hành nghiên cứu, phân tích và xây dựng các chiến lược tuân thủ không chỉ giới hạn tại 1 đơn vị nghiệp vụ mà là trên toàn bộ IRS. RAAS gồm có 6 phòng, trong đó có Phòng Thí nghiệm Mô hình tuân thủ (CML) thực hiện ước tính tính chất và mức độ không tuân thủ bao gồm cả khoảng cách về thuế và tỷ lệ nộp tờ khai tự nguyện. CML có nghĩa vụ phát triển các mô hinh rủi ro tuân thủ nền tảng và thực hiện các nghiên cứu về tuân thủ để hỗ trợ cho các hoạt động của IRS.

Hiện nay, IRS đang tiến tới tổ chức lại bộ máy, trong đó sẽ thành lập một Đơn vị mới, quán xuyến toàn bộ trách nhiệm về Chiến lược Tuân thủ - Đơn vị mới này khi được thành lập sẽ điều phối và chỉ đạo cách tiếp cận quản lý rủi ro tuân thủ trong toàn bộ hệ thống IRS.

Tại Canada, Đơn vị quản lý tuân thủ của cơ quan thuế Canada (CRA) là một bộ phận đặt tại hội sở chính, chịu trách nhiệm xây dựng các chiến lược tuân thủ cho bốn lĩnh vực chương trình: doanh nghiệp lớn và quốc tế, thuế hàng hoá và dịch vụ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, và chương trình tuân thủ thuế quốc tế. Đơn vị này bao gồm các ban riêng cho bốn lĩnh vực chương trình. Mỗi ban chương trình có các phòng khác nhau và một đơn vị quản lý rủi ro. Đơn vị tuân thủ cũng bao gồm một Ban Quản lý tuân thủ đặc biệt có nhiệm vụ thiết lập các hướng dẫn về QLRRTT và hỗ trợ cho bốn ban chương trình áp dụng các hướng dẫn này. Các đơn vị quản lý rủi ro của Đơn vị tuân thủ thực hiện phân tích về đánh giá, lượng hoá rủi ro, xác định các chỉ báo rủi  ro, xây dựng thuật toán rủi ro, và lựa chọn trường hợp kiểm tra, thanh tra dựa trên  thuật toán.

Tại Trung Quốc, năm 2019 cơ quan thuế Trung Quốc (STA) đã thành lập Vụ Quản lý rủi ro thuế và Dữ liệu lớn có trách nhiệm lập Chiến lược quản lý rủi ro tuân thủ cho toàn ngành Thuế đồng thời tổ chức, sử dụng dữ liệu lớn và triển khai các hoạt động quản lý rủi ro trên cả nước.

Tại Hà Lan, Hội sở chính của cơ quan Thuế Hà Lan (NTA) có hai đơn vị chịu trách nhiệm về chiến lược QLRRTT: (1) Tuân thủ, đánh giá tác động và quốc tế (CD UHB), chịu trách nhiệm thiết kế khung tuân thủ tổng thể, bao gồm xác định rủi ro và lựa chọn trường hợp và (2) Chuyên môn tuân thủ thuế (CD VT), là đơn vị cung cấp hỗ trợ kỹ thuật trong việc triển khai khung tuân thủ, phân tích kết quả của các khảo sát ngẫu nhiên và đưa ra những phân tích sâu về hành vi NNT.  

Tại Malaysia, cơ quan thuế tổ chức quản lý rủi ro tuân thủ tại Vụ Tuân thủ thuế, chịu trách nhiệm tổ chức công tác quản lý nâng cao tuân thủ pháp luật thuế của NNT tại tất cả các phân đoạn NNT, các sắc thuế cũng như các lĩnh vực có rủi ro tuân thủ thuế khác.