Cẩn trọng với sàn chứng khoán chưa được cấp phép

Theo Tả Phù/nhadautu.vn

Tận dụng nhu cầu đầu tư của người dân, đã có hiện tượng một số tổ chức, cá nhân kêu gọi, mời chào nhà đầu tư tham gia giao dịch chứng khoán thông qua các sàn giao dịch chưa được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet

Nhà đầu tư chứng khoán đã không còn quá xa lạ với những cuộc điện thoại “chào mời” cung cấp tư liệu kiến thức chứng khoán, hướng dẫn nhà đầu tư F0 trên thị trường chứng khoán...

Sau khi nhà đầu tư chấp thuận nhận tài liệu (thông thường là gửi qua Zalo), các cá nhân ở đầu dây bên kia sẽ chào mời họ tham gia giao dịch chứng khoán thông qua sàn giao dịch chứng khoán quốc tế, chứng khoán phái sinh quốc tế, chứng khoán ảo,… hoặc công ty trung gian có kết nối với các sàn giao dịch chứng khoán quốc tế.

Trao đổi với Nhadautu.vn, anh K nói: ”Sau khi kết bạn qua Zalo, bạn L.A này giới thiệu có thương vụ hỗ trợ nhà đầu tư nhận cổ tức là công ty Verizon Inc, và quảng cáo giá CFD là 1,11 USD/CP, mức cổ tức 0,63 USD/CP, ngày nhận cổ tức 8/7/2021”.

L.A nói bên họ giao dịch chung trên nền tảng “Metatrader 5”. Dù vậy, khi anh K yêu cầu L.A cung cấp giấy phép của UBCKNN hoặc giấy tờ pháp lý liên quan thì L.A không thể cung cấp mà quanh co, chống chế rằng: “Đây là ứng dụng giao dịch chung của thị trường. Bên em là sàn môi giới hỗ trợ khách hàng mua bán giao dịch trên nền tảng này”.

“Metatrader 5” có lẽ chỉ là một trong những trường hợp điển hình nở rộ trong hơn 1 năm trở lại đây. Với chút ít kinh nghiệm đầu tư chứng khoán, ít nhất anh K đã tránh không để bị lừa đảo như nhiều trường hợp nhà đầu tư F0. Anh cũng cho biết nhiều đơn vị khác sau này cũng gọi điện chào mời kiến thức, khóa học.... “Tôi rất ngạc nhiên rằng hầu hết các bạn ấy đều biết tên tôi dù chưa một lần tiếp xúc. Không hiểu, họ lấy thông tin cá nhân của tôi từ đâu?”, anh K nói.

Trước tình trạng nhiều nhà đầu tư tham gia hoạt động đầu tư, kinh doanh trên các sàn giao dịch chứng khoán không phải do Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con tổ chức, vận hành, UBCKNN cho biết, theo quy định của pháp luật chứng khoán, chỉ có Sở giao dịch chứng khoán (SGDCK) Việt Nam và công ty con là SGDCK Hà Nội (HNX) và SGDCK TP.HCM (HOSE) được tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán ở Việt Nam.

Do đó, ngoài Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con (gồm HNX, HOSE), không tổ chức, cá nhân nào được phép tổ chức và vận hành thị trường chứng khoán. Các loại chứng khoán được phép giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam được pháp luật về chứng khoán quy định phải đáp ứng các điều kiện về niêm yết và đăng ký giao dịch và được SGDCK chấp thuận trước khi được đưa vào giao dịch.

Bên cạnh đó, UBCKNN cho biết cấp phép hoạt động cho các công ty chứng khoán đáp ứng được các điều kiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán. UBCKNN không quản lý, giám sát các công ty chứng khoán hoặc các tổ chức kinh doanh, vận hành các sàn giao dịch chứng khoán mà không được UBCKNN cấp phép hoạt động.

UBCKNN khuyến cáo các nhà đầu tư cần cảnh giác và tìm hiểu kỹ thông tin khi được mời tham gia đầu tư vào các loại chứng khoán thông qua các sàn giao dịch chứng khoán và các tổ chức trung gian không được pháp luật chứng khoán quy định hoặc thừa nhận, để hạn chế những tổn thất có thể xảy ra.

Sự nở rộ của các kênh đầu tư lừa đảo phần nào cho thấy nhu cầu đầu tư của người dân trong bối cảnh lãi suất tiền gửi thấp, nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng hồi phục mạnh sau đại dịch. 

Có thể thấy rõ nhu cầu ấy qua kênh đầu tư chứng khoán. Riêng tháng 10/2021, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 129.751 tài khoản chứng khoán, tăng gần 15.000 tài khoản so với tháng 9/2021. Tháng 10/2021 cũng ghi nhận là tháng thứ 8 liên tiếp số tài khoản mở mới của nhà đầu tư trong nước duy trì ở mức trên 100.000 mỗi tháng.

Đặc biệt, lũy kế 10 tháng đầu năm cho thấy nhà đầu tư trong nước đã mở mới 1.086.966 tài khoản chứng khoán, lớn hơn tổng số tài khoản mở mới trong 4 năm 2017; 2018; 2019 và 2020 cộng lại (tổng 4 năm đạt 1.043.303 tài khoản).

Sự nhập cuộc mạnh mẽ từ các nhà đầu tư trong nước đã giúp thanh khoản thị trường duy trì mức cao, thường quanh mức "tỷ đô". Tính riêng phiên giao dịch 19/11 vừa qua, thanh khoản sàn HOSE đã lên đến hơn 44.800 tỷ đồng (tức gần 2 tỷ USD), con số kỷ lục từ trước tới nay.

Dù vậy, tổng số tài khoản chứng khoán nhà đầu tư trong nước hiện chỉ đạt hơn 3,8 triệu, tương đương tỷ lệ khoảng 4% dân số - con số thấp hơn nhiều so với các quốc gia phát triển trong khu vực.