Không phải sự pha loãng cổ phiếu nào cũng mang lại rủi ro

Theo Minh Khuê/vnbusiness.vn

Một trong những yếu tố được đánh giá sẽ là rủi ro cho thị trường chứng khoán trong thời gian tới là “nồi cháo” phát hành thêm cổ phiếu của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, không phải đợt phát hành nào cũng tiềm ẩn mang lại rủi ro cho nhà đầu tư.

Việc phát hành thêm sẽ khiến giá cổ phiếu bị pha loãng? Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Việc phát hành thêm sẽ khiến giá cổ phiếu bị pha loãng? Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán tăng mạnh kể từ đầu năm đến nay, hàng trăm doanh nghiệp niêm yết đã “tranh thủ” lên kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu nhằm tăng huy động vốn.

Theo số liệu từ Fiin Group, hiện có 147 doanh nghiệp niêm yết dự kiến tăng quy mô vốn chủ sở hữu thêm 3,8%, tương đương gần 102.600 tỷ đồng trong năm nay, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh kinh tế đang dần hồi phục dù dịch Covid-19 chưa được kiểm soát. Điều này đồng nghĩa với việc, sẽ có một lượng cổ phiếu khổng lồ được đẩy lên sàn chứng khoán trong thời gian tới.

Áp lực pha loãng, giảm lãi cơ bản

Trong một báo cáo mới đây, Fiin Group chỉ rõ hình thức huy động vốn cổ phần được các doanh nghiệp ưa chuộng nhất là chào bán cho cổ đông hiện hữu và phát hành riêng lẻ, trong đó ngân hàng và bất động sản là 2 nhóm ngành dự kiến sẽ sử dụng nhiều nhất.

Bởi lẽ, các ngân hàng cần đẩy mạnh cho vay khách hàng và tăng vốn để đáp ứng tiêu chuẩn Basel II, trong khi doanh nghiệp bất động sản cần nâng cao năng lực tài chính để phát triển các dự án quy mô lớn. Nếu các doanh nghiệp thực hiện thành công kế hoạch phát hành, năm 2021 sẽ là năm kỷ lục về lượng vốn huy động qua phát hành cổ phần của các đơn vị niêm yết.

Thực tế, việc hàng loạt doanh nghiệp huy động vốn trên thị trường chứng khoán được đánh giá là khá tích cực, bởi khi quy mô vốn tăng lên sẽ giúp các kế hoạch kinh doanh được thuận lợi triển khai và cũng là lời khẳng định của những doanh nghiệp làm ăn có lãi, có “của để dành”.

Tuy nhiên, Fiin Group cho rằng “việc phát hành này sẽ làm cho yếu tố rủi ro pha loãng tăng cao”.

Cụ thể, việc tăng nguồn cung cổ phiếu sẽ làm tăng số cổ phiếu lưu hành, trong khi lợi nhuận tạo ra từ nguồn vốn đó chưa tăng kịp tương ứng, dẫn đến làm giảm tính hấp dẫn của các chỉ số định giá theo lợi nhuận của các doanh nghiệp phát hành trong ngắn hạn.

Dẫn ví dụ nhóm cổ phiếu chứng khoán, Fiin Group nhận định, từ đầu năm đến hết tháng 5, nhóm cổ phiếu này đã tăng hơn 58%. Điều này cho thấy triển vọng lợi nhuận của năm 2021 (dự báo tăng 27%) đã được phản ánh vào giá và đưa cổ phiếu chứng khoán lên một mặt bằng định giá mới với chỉ số P/B (giá/giá trị sổ sách) ở mức 2,1x, cao hơn gần gấp đôi so với P/B trung bình 3 năm ở mức 1,2x...

Chưa kể, các cổ đông nội bộ còn có xu hướng bán mạnh, khiến nguồn cung cổ phiếu tăng lên. Lãi cơ bản trên cổ phiếu cũng đứng trước nguy cơ giảm khi doanh nghiệp phát hành thêm.

Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính Nguyễn Hồng Điệp phân tích: “Khi nồi cháo đã to hơn, nó sẽ loãng ra nhiều và cần thời gian cho thêm thịt thà mắm muối - chính là việc gia tăng lợi nhuận của doanh nghiệp trong các năm tới thì mới ngon trở lại. Bát cháo mà chúng ta nhận phụ thuộc vào chính kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong các quý cuối năm nay và năm 2022”.

Có thật sự đáng lo?

Theo ông Lê Quang Minh - Trưởng phòng phân tích Công ty chứng khoán Mirae Asset, việc phát hành thêm cổ phiếu trong bối cảnh thị trường đang thăng hoa là hợp lý và dễ thành công. Tỷ lệ pha loãng cổ phiếu chắc chắn là có, nhưng sẽ tuỳ thuộc vào nội lực của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp nào vẫn duy trì tăng trưởng lợi nhuận từ 20 - 40% trong năm nay sẽ có thể bù đắp phần nào mức độ pha loãng này.

Thực tế cho thấy, đã có khá nhiều phương án phát hành khiến dư luận xôn xao vì sự bất hợp lý, giá cổ phiếu mãi không trở về vùng giá cũ, như tại Đất Xanh (mã: DXG), Nhựa An Phát Xanh (mã: AAA), Gilimex (mã: GIL)… Tuy nhiên, cũng có những thương vụ thành công giúp các nhà đầu tư "hái ra tiền".

Câu chuyện tại CTCP Tập đoàn Hoà Phát là một điển hình. Chắc hẳn nhiều nhà đầu tư còn nhớ năm 2017 khi doanh nghiệp công bố phương án phát hành với mức giá 20.000 đồng/cp (giá trên sàn là 30.000 đồng/cp) đã khiến giá cổ phiếu HPG lao dốc, cổ đông bức xúc, thị trường chê bai, các chuyên gia phân tích đều đưa ra một kết quả “gãy trend”.

Thế nhưng, cổ phiếu HPG đã vươn mình tăng trưởng lên mức giá gần 68.000 đồng/cp (phiên 26/5/2021), tương đương mức tăng gấp hơn 2 lần so với cách đây 4 năm.

Tới đây, hơn 1 tỷ cổ phiếu trả cổ tức của Hoà Phát sẽ chính thức được giao dịch và lượng cổ phiếu này cũng khiến giá của cổ phiếu HPG điều chỉnh về vùng giá 5x. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cho rằng, dù còn nhiều băn khoăn với định hướng sử dụng đồng vốn của Hoà Phát, nhưng HPG vẫn là cổ phiếu đáng để đầu tư nếu xác định theo đuổi dài hạn và kỳ vọng một tỷ suất sinh lời hợp lý.

Ngoài Hoà Phát, đợt phát hành 11 triệu cổ phiếu của CTCP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (mã: RAL) cho cổ đông hiện hữu với giá chào bán 93.000 đồng/cp, trong khi giá trên sàn là hơn 204.000 đồng/cp cũng được giới phân tích đánh giá cao.

Bởi lẽ về bản chất, việc phát hành huy động vốn của Rạng Đông được sử dụng cho mục đích kinh doanh rõ ràng, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ổn định, phát hành cho chính cổ đông hiện hữu, tức là nhà đầu tư được mua với giá thấp chứ không phải nhóm nào được lợi ích riêng, hay còn gọi là quan hệ "win-win".

Từ những thực tế trên, ông Lê Quang Minh cho biết, không phải sự pha loãng nào cũng mang lại rủi ro. Điều quan trọng là trước khi xuống tiền, nhà đầu tư cần xem xét kỹ kế hoạch phát hành, chia cổ phiếu mới của từng doanh nghiệp để tránh thiệt hại.