Kinh tế Việt Nam và những dự báo về phát triển năm 2021
Kinh tế Việt Nam trong nửa cuối năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021 mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 nhưng đã có những tín hiệu phục hồi khả quan. Với kỳ vọng dịch bệnh sẽ tiếp tục được kiểm soát tốt, hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại trạng thái bình thường, các chỉ số về triển vọng kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục duy trì ở mức ổn định và tạo đà để phát triển tích cực, bất chất dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp.
Đặt vấn đề
Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng sâu rộng đến mọi hoạt động kinh tế–xã hội của các quốc gia trên thế giới; Tình hình thiên tai, dịch bệnh tác động không nhỏ tới các hoạt động của nền kinh tế và cuộc sống của người dân; tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm cao.
Trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam vẫn đạt kết quả tích cực, duy trì tăng trưởng khả quan, chỉ số giá tiêu dùng và tỷ lệ lạm phát được kiểm soát tốt; cán cân thương mại thặng dư trong năm 2020 và gần nửa đầu năm 2021. Cùng với việc tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và sử dụng linh hoạt các chính sách vĩ mô, Việt Nam đang được nhiều tổ chức kinh tế đánh giá tích cực cho tình hình kinh tế năm 2021.
Kinh tế Việt Nam trong năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021
Tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức đáng khích lệ
Năm 2020 đầy biến động và có nhiều thách thức đối với kinh tế thế giới nói chung, cũng như Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng với tốc độ tăng GDP ước tính đạt 2,91%. Mặc dù, tăng trưởng GDP năm 2020 đạt thấp nhất trong giai đoạn 2011-2020 nhưng Việt Nam vẫn thuộc nhóm nước tăng trưởng cao nhất thế giới.
Việt Nam là một trong 3 quốc gia ở châu Á có mức tăng trưởng tích cực (cùng với Trung Quốc và Myanmar); đồng thời, với quy mô nền kinh tế đạt hơn 343 tỷ USD, Việt Nam đã trở thành quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia 1.088,8 tỷ USD; Thái Lan 509,2 tỷ USD và Philippines 367,4 tỷ USD).
Trong 5 tháng đầu năm 2021, kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định, cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng tích cực.
Chỉ số giá tiêu dùng và lạm phát được kiểm soát ở mức dự kiến
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và tỷ lệ lạm phát bình quân năm 2020 tăng lần lượt ở mức 3,23% và 2,31% so với năm 2021; đạt mục tiêu lạm phát dưới 4% của Quốc hội đề ra trong bối cảnh một năm với nhiều biến động khó lường.
CPI bình quân và lạm phát cơ bản bình quân 5 tháng đầu năm 2021 tăng tương ứng 1,29% và 0,82% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó CPI tháng 5/2021 tăng 1,43% so với tháng 12/2020 và tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2020. Lạm phát cơ bản tháng 5/2021 tăng 0,15% so với tháng trước và tăng 1,13% so với cùng kỳ năm 2020. Cán cân thương mại vẫn đạt giá trị thặng dư
Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) ước đạt khoảng 287,8 tỷ USD; trong đó, KNXK hàng hóa đạt 281,5 tỷ USD, chiếm 97,8% tổng KNXK và KNXK dịch vụ đạt 6,3 tỷ USD, chiếm 2,2% tổng KNXK. Tính riêng 5 tháng đầu năm 2021, KNXK hàng hóa ước đạt 130,94 tỷ USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch nhập khẩu (KNNK) hàng hóa và dịch vụ năm 2020 ước đạt 280,7 tỷ USD, trong đó nhập khẩu hàng hóa đạt 262,4 tỷ USD (chiếm 93,5% tổng giá trị KNNK) và dịch vụ đạt 18,3 tỷ USD (tương đương 6,5% tổng KNNK).
KNNK hàng hóa trong 5 tháng đầu năm 2021 ước đạt 131,31 tỷ USD, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, mặc dù khiêm tốn nhưng cán cân thương mại năm 2020 vẫn đạt thặng dư với giá trị là 7,1 tỷ USD.
Trong 5 tháng đầu năm 2021, cán cân thương mại đang tạm thời thâm hụt 0,37 tỷ USD. Tuy nhiên, giá trị KNXK đang có xu hướng tăng nhanh so với cùng kỳ năm 2020, cùng với nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm tỷ trọng trong KNNK có thể kỳ vọng vào việc cải thiện cán cân thương mại trong nửa cuối năm 2021.
Dự báo tình hình kinh tế Việt Nam năm 2021
Dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2021
Trên cơ sở các yếu tố hỗ trợ tăng trưởng bao gồm tiêu dùng nội địa, hồi phục hoạt động sản xuất chế biến chế tạo, các hiệp định thương mại tự do và sự quay lại của dòng vốn FDI, Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu tăng trưởng cho năm 2021 ở mức 6,5%.
Cùng với đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng đưa ra nhận định, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có khả năng sẽ đạt mức 6,5% năm 2021, nhờ những giải pháp quyết liệt cả về kinh tế và y tế của Chính phủ.
Ngân hàng Thế giới kỳ vọng, với nhiều tín hiệu tích cực như việc nghiên cứu vắc xin đã có nhiều bước tiến triển, các hoạt động thương mại đang dần trở lại, Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng tốt vào năm 2021 với triển vọng ở mức 6,6%.
Ngân hàng Phát triển châu Á dự báo, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ ở mức 6,7% trong năm 2021 và tăng lên 7% trong năm 2022. Dự báo này đưa ra căn cứ vào 4 yếu tố: (1) Nhu cầu bên ngoài đã và sẽ dần phục hồi vào năm 2021, có lợi cho một nền kinh tế như Việt Nam; (2) Các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đã và đang thích nghi dần với đại dịch;
(3) Việc đóng cửa toàn bộ nền kinh tế có thể sẽ không xảy ra như ở đầu năm 2020, do vậy, nhu cầu bên ngoài sẽ dần phục hồi, tạo điều kiện cho Việt Nam tăng cường xuất khẩu nhiều hơn nữa; (4) Giải ngân đầu tư công đang được đẩy mạnh, việc cơ cấu lại dòng vốn và thương mại quốc tế tiếp tục tác động tích cực đến tăng trưởng trong năm 2021.
Theo Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+ 3, tăng trưởng GDP của Việt Nam dự kiến đạt mức 7% trong năm 2021. Tuy nhiên, báo cáo này cũng chỉ ra rằng, các rủi ro trong và ngoài nước chủ yếu xuất phát từ những bất ổn do diễn biến phức tạp của đại dịch.
Sự phục hồi chậm chạp và không đồng đều của kinh tế toàn cầu có thể ảnh hưởng tới cầu các hàng xuất khẩu. Trong khi nhu cầu trong nước đã tăng lên, việc phục hồi vẫn dễ bị ảnh hưởng bởi làn sóng lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 mới.
Dự báo tỷ lệ lạm phát của Việt Nam năm 2021
Trong năm 2021, tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn chưa thể hồi phục như kỳ vọng nên giá cả nguyên, nhiên, vật liệu thiết yếu trên thị trường thế giới khó tăng mạnh. Ngoài ra, dịch tả lợn châu Phi ở Việt Nam được khống chế và việc tái đàn đang được khôi phục thì cung - cầu thịt lợn năm 2021 sẽ ổn định. Việt Nam luôn chủ động, tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bình ổn giá cả thị trường, điều hành chính sách tiền tệ kiên định mục tiêu giữ ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát đã đề ra.
Từ cơ sở này, nhiều tổ chức kinh tế - tài chính nhận định, lạm phát của Việt Nam năm 2021 dự kiến dưới 4%, đảm bảo mục tiêu do Quốc hội đề ra. Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo, CPI năm 2021 của Việt Nam sẽ tăng dưới 4% so với năm 2020 và tỷ lệ lạm phát sẽ ở mức 2,3%.
Báo cáo “Tham vấn thường niên về Việt Nam năm 2020” do Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN + 3 cũng đưa ra dự báo, lạm phát của Việt Nam năm 2021 được giữ ổn định ở mức 3,2%. Tương tự, Ngân hàng Phát triển châu Á nhận định, tỷ lệ lạm phát Việt Nam năm 2021 duy trì ở mức 3,8% và đạt 4% năm 2022.
Dự báo cán cân thương mại
Theo đánh giá của Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+ 3, năm 2021, cán cân thương mại Việt Nam sẽ tiếp tục thặng dư khoảng 27,3 tỷ USD (tăng gấp gần 4 lần so với mức 7,1 tỷ USD năm 2020). Trong đó, KNXK sẽ đạt mức 318,9 tỷ USD (dự kiến tăng 10,8% so với năm 2020) và KNNK ước đạt 291,6 tỷ USD (tăng khoảng 5,4% so với năm 2020).
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, cán cân thương mại Việt Nam năm 2021 ước thặng dư khoảng 29,3 tỷ USD, với KNXK là 281,1 tỷ USD và KNNK 251,9 tỷ USD. Trước tình hình dịch bệnh phức tạp và tình hình kinh tế thế giới gặp nhiều cản trở, song các chỉ số dự báo đều cho thấy, mức tăng trưởng khả quan về cán cân thương mại Việt Nam năm 2021 với giá trị thặng dư về kim ngạch và tỷ lệ tăng.
Lý do được đưa ra chủ yếu dựa trên nhận định về việc Việt Nam đang kiểm soát tốt diễn biến dịch bệnh, sản xuất kinh doanh dần đi vào hoạt động ổn định; nhu cầu hàng hóa trong và ngoài nước bắt đầu tăng trở lại, đặc biệt là cầu hàng hóa đối với các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam.
Dự báo lãi suất và tỷ giá hối đoái năm 2021
Chính sách tiền tệ tiếp tục được duy trì trạng thái nới lỏng trong năm 2021 nhằm tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ gia đình gặp khó khăn. Nhiều khả năng khi giá tiêu dùng chưa gây nhiều áp lực cho nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ hạ lãi suất điều hành thêm trong những tháng cuối năm 2021.
Tăng trưởng M2 sẽ tăng nhẹ so với năm 2020, dự kiến đạt 14% và nằm trong biên độ NHNN duy trì từ năm 2018. Mức tăng trưởng này được đánh giá là vừa đủ để có thể cung cấp một lượng tiền lớn vào nền kinh tế (khoảng 1,5 triệu tỷ đồng) và không tạo áp lực lên bong bóng giá tài sản.
Tuy nhiên, điểm bất lợi trong năm 2021 là công cụ bơm tiền đồng thông qua việc mua ngoại tệ bị hạn chế. Dự báo, mặt bằng lãi suất có thể sẽ chạm đáy vào nửa đầu năm 2021, khi NHNN hạ lãi suất điều hành thêm 1 lần nữa và tăng nhẹ trở lại trong nửa cuối năm 2021 khi:
(1) Kênh bơm thanh khoản tiền đồng vào thị trường bị giới hạn do công cụ mua ngoại tệ bị hạn chế và có thể đẩy mặt bằng lãi suất trên thị trường tăng; (2) Tốc độ tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng cuối năm thường sẽ hồi phục nhanh; (3) Lộ trình siết tỷ lệ huy động cho vay trung và dài hạn có hiệu lực vào tháng 10/2021 sẽ đẩy mạnh mức độ cạnh tranh về tiền gửi và làm đảo chiều xu hướng lãi suất tiền gửi đang giảm.
Dự kiến, trong năm 2021, VND sẽ tăng giá khoảng 0,5-1% so với USD trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ tích cực khi hoạt động xuất nhập khẩu và kỳ vọng dòng vốn FDI "chảy mạnh" về Việt Nam.
Kết luận
Dịch Covid-19 tái bùng phát trở lại từ cuối tháng 4 đã ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống nhân dân, trước tình hình đó Đảng và Nhà nước có những chỉ đạo kịp thời nhằm đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân, đặc biệt các hỗ trợ người dân các địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh.
Kết quả của các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô, các giải pháp an sinh xã hội và giải pháp hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 của Chính phủ tiếp tục phát huy hiệu quả khả quan.
Trong bối cảnh triển vọng kinh tế tích cực dựa trên nhu cầu bên ngoài mạnh mẽ, nền kinh tế trong nước phục hồi ổn định, Việt Nam cần tiếp tục chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ hiệu quả nhằm hỗ trợ và thúc đẩy sự phục hồi kinh tế.
Về chính sách tài khóa, có thể; duy trì chính sách hỗ trợ có mục tiêu cho các hộ gia đình có thu nhập thấp và các doanh nghiệp nhỏ và vừa; đảm bảo tiếp tục thực hiện thành công các chương trình đầu tư công. Chính sách tiền tệ cần tiếp tục ưu tiên việc mở rộng phạm vi giãn nợ, nhằm giúp giảm bớt áp lực cho những người đi vay.
Tài liệu tham khảo:
1. Tổng cục Thống kê, Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội năm 2020;
2. Tổng cục Thống kê, Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2021;
3. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Triển vọng phát triển châ Á (ADO) 2021;
4. Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO), Báo cáo Tham vấn thường niên về Việt Nam năm 2020;
5. Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và đầu tư - Triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021.
*Phan Thị Phương Thảo, Cù Thị Nhung - Khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hà Tĩnh.
**Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 6/2021.