Kỳ vọng cổ phiếu ngân hàng

Theo Nhật Huỳnh/nhadautu.vn

Theo chuyên gia chứng khoán Nguyễn Hồng Điệp, cổ phiếu ngân hàng đang ở vùng định giá hấp dẫn. Tuy nhiên nhà đầu tư cần có sự tìm hiểu kỹ càng, quan tâm những ngân hàng có hoạt động ổn định và có vị thế trong ngành.

 Ảnh: Trọng Hiếu
Ảnh: Trọng Hiếu

Ngân hàng luôn có vai trò quan trọng trong nền kinh tế và có ảnh hưởng mạnh vào chỉ số Index. Tuy nhiên, trong nhiều tháng qua, nhóm này điều chỉnh sâu và bị dòng tiền xa lánh. Vậy liệu rằng trong quý 4 dòng cổ phiếu "vua" một thời còn kỳ vọng, nhà đầu tư nên tiếp tục nắm giữ hay chuyển sang dòng khác?

Theo chuyên gia chứng khoán Nguyễn Hồng Điệp, dù chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực, song ngân hàng vẫn là điểm sáng trong bối cảnh nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Các nhà băng có kết quả kinh doanh khả quan trong quý 1, quý 2 và kể cả trong quý 3 cũng khá tốt.

Có nhiều ý kiến nghi ngại rằng trong quý 4 năm nay và sang năm sau, khi dịch ngấm dần, áp lực trích lập dự phòng và rủi ro nợ xấu sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận của khối này. Tuy nhiên theo ông Nguyễn Hồng Điệp thì điều này chưa đủ cở sở chắc chắn, bởi hiện có nhiều ngân hàng hoạt động rất tốt, có các chỉ số tài chính tích cực, tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức rất cao, nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ), nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) đã dự tính được trước và lợi nhuận quý 4 năm nay hay quý 1 sang năm không bị ảnh hưởng mạnh.

Về vùng giá, hiện nay P/E của cả nhóm ngân hàng là khoảng 20, P/B dưới 2,2. Điều này cho thấy tiềm năng tăng trưởng của nhóm ngân hàng rất cao. Những ngân hàng hàng đầu đang được giao dịch với P/E dưới 15. ROE của ngành ngân hàng hiện nay khoảng 18% và những ngân hàng hàng đầu có thể lên đến 25%, đây là mức mà nhiều ngân hàng khác trong khu vực, thế giới cũng khó có được.

“Xét về định giá, vùng giá hiện nay là vùng rất hấp dẫn để mua vào và giữ dòng cổ phiếu này”, chuyên gia chứng khoán Nguyễn Hồng Điệp nhận định.

Ngoài ra, trong quý 4 này nhiều ngân hàng khả năng sẽ được nới room tăng trưởng tín dụng. Đây là nguồn mang lại lợi nhuận lớn nhất cho ngân hàng. Mặc dù lãi suất cho vay giảm nhưng họ có thể bù lại bằng việc tăng quy mô cho vay. Do đó, việc nới room này sẽ giúp doanh thu của nhiều ngân hàng tăng lên.

“Nhà đầu tư cần có sự tìm hiểu kỹ càng, nên tìm hiểu những ngân hàng có hoạt động ổn định và có vị thế trong ngành. Ngoài ra, cần xem xét tham vọng phát triển của các ngân hàng, tầm nhìn thị phần, vốn của họ,… Bên cạnh đó, một số ngân hàng có "game" riêng như thâu tóm cổ phần, đổi chủ, hoặc một số ngân hàng đã xử lý, thanh lý được tài sản, nợ xấu tồn đọng trước đây cũng có thể tạo điểm nhấn tăng giá”, chuyên gia chứng khoán Nguyễn Hồng Điệp khuyến nghị.